Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn

Góc nhìn từ nhà văn, nhà báo nước ngoài

Câu chuyện khác thường
Góc nhìn từ nhà văn, nhà báo nước ngoài

Ngày 1-10, “Perfect Spy”, một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất về con người và cuộc đời của nhà tình báo lỗi lạc Việt Nam Phạm Xuân Ẩn đã được xuất bản tại Việt Nam với nhan đề “Điệp viên hoàn hảo”. Và đó cũng là cuốn sách được độc giả trong nước mong chờ nhất những ngày đầu tháng 10-2007 này.

Câu chuyện khác thường

Góc nhìn từ nhà văn, nhà báo nước ngoài ảnh 1

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của Việt Nam ghi dấu ấn của rất nhiều nhà tình báo. Tuy nhiên, khó có ai tạo ra nhiều huyền thoại và câu hỏi như nhà tình báo, thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Ẩn.

Là một nhà tình báo, theo lẽ thường khi đã bộc lộ thân phận, có thể nhận được sự oán trách của những người phía bên kia. Thế nhưng, điều ngược lại đã xảy ra, Phạm Xuân Ẩn đã nhận được những nhận xét đầy thông cảm, những lời cám ơn và cả lời tán tụng của những người dù từng là bạn bè nhưng đúng ra phải trở thành kẻ thù. Hiện tượng Phạm Xuân Ẩn vì vậy đã trở thành một câu hỏi lớn đối với nhiều người ở nhiều phía, cả nhân dân Mỹ lẫn nhân dân Việt Nam.

Là một anh hùng của dân tộc, đã có rất nhiều tác phẩm trong nước viết về ông, từ dạng ký như Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời (NXB Công an Nhân dân) đến cả tiểu thuyết văn học hư cấu trên nguyên mẫu của ông như tác phẩm Người im lặng của nhà văn Chu Lai (NXB Quân đội Nhân dân)… Tuy nhiên, do phần lớn thời gian chiến đấu của ông là trong lòng địch nên có nhiều vấn đề cần đến cái nhìn của những người nước ngoài để làm rõ.

Tại Việt Nam, đã có hai cuốn sách về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn do các nhà văn, nhà báo nước ngoài thực hiện được xuất bản, một là Phạm Xuân Ẩn-Một người Việt Nam thầm lặng của nhà báo Pháp Jean-Claude Pomonti và một là Điệp viên hoàn hảo của nhà văn Mỹ Larry Berman. Cả hai tác phẩm này khi được xuất bản tại quốc gia của mình đều gây nên những tranh cãi...

Hai cái nhìn về một hướng

Có hai câu hỏi lớn về Phạm Xuân Ẩn mà cả hai cuốn sách của hai nhà văn, nhà báo Mỹ, Pháp đều muốn tìm cách giải thích. Đó là làm sao một điệp viên có thể chịu nổi áp lực trong suốt 23 năm chiến đấu trong lòng địch mà chưa một lần để lộ thân phận dù  tâm lý luôn cận kề cái chết. Và làm thế nào mà một điệp viên hàng đầu với những thông tin mang tầm chiến lược ảnh hưởng đến những cục diện chiến tranh lại luôn nhận được sự ủng hộ từ những kẻ thù kể cả những người cực đoan nhất.

Để trả lời câu hỏi này, mỗi tác giả chọn cho mình một cách thể hiện khác nhau. Trong Phạm Xuân Ẩn-Một người Việt Nam thầm lặng, Jean-Claude Pomonti dành phần lớn trang viết tập trung vào bối cảnh cũng như những vấn đề xung quanh nhân vật chính. Thậm chí, đôi lúc việc miêu tả những nhân vật phụ, những người bạn, những đối tác (trong đó có cả tác giả) còn nhiều và chi tiết hơn việc kể về chính bản thân Phạm Xuân Ẩn. Cách thể hiện như vậy luôn đặt nhà tình báo ở trong một vòng bí mật bao phủ với những hành động khó hiểu nhưng lại khơi dậy trong người đọc khả năng tự rút ra kết luận qua những mẩu chuyện kể của tác giả.

Ngược với nhà báo Pháp, nhà văn Mỹ Larry Berman lại đi theo cách rõ ràng rành mạch nhất. Để làm được điều này, ông không chỉ dựa vào trí nhớ hay theo một số ghi chép của các tác giả trong và ngoài nước như nhà báo Pomonti. Larry Berman đã phải  phỏng vấn rất nhiều người, tra cứu nhiều tư liệu, thậm chí phải đối chất với nhiều nhân chứng ở cả hai phía để có thông tin sau cùng. Một trong những ví dụ cụ thể nhất về sự khác biệt giữa hai tác giả là đoạn miêu tả về vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong chiến thắng Ấp Bắc. Nếu Larry Berman giải thích tỉ mỉ những thông tin nào của điệp viên chiến lược này đã góp phần vào chiến thắng thì Pomonti đơn giản chỉ nhắc tới diễn biến trận đánh và tấm huân chương mà ông Ẩn nhận được “một cách bất ngờ”...

Đi theo hai con đường khác nhau, nhưng cả hai tác giả đều thống nhất ở một điểm về con người nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, đó là khả năng thu hút người khác. Nói như Jean-Claude Pomonti thì ông Ẩn là một nhân vật mà người Mỹ thì đến hỏi ý kiến trong việc xử lý các mối quan hệ với người Việt và người Việt thì đến hỏi về cách đối phó với người Mỹ. Ở vị trí đó ông có thể tiếp cận rất nhiều thông tin quan trọng và cũng ở vị trí đó ông buộc phải có mối quan hệ thân thiết với nhiều người, những mối quan hệ đó bền vững đến nỗi hơn 30 năm sau chiến tranh, kể cả khi ông mất đi vẫn còn được duy trì.

Khoảng trống của điệp viên hoàn hảo

Với mong muốn giải đáp ẩn số Phạm Xuân Ẩn, cả hai tác giả nước ngoài đã cố gắng hết sức mình và ở một góc độ nào đó họ cũng đã đạt được những thành công tương đối. Nói tương đối vì thực tế cả hai tác phẩm đều không thể phản ánh hết được con người của nhà tình báo vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Không kể đến những chênh lệch trong cách nhìn nhận, hệ tư tưởng, cả hai tác giả đều không hiểu hết tinh thần yêu nước của người Việt Nam để lý giải được nỗ lực phi thường của người điệp viên. Đó là chưa kể về mặt thông tin còn rất nhiều điều mà một tình báo viên không thể tiết lộ. Tuy nhiên, dù chưa hoàn thiện nhưng những tác phẩm này cũng đã phản ánh được lòng trung thành, tình yêu quê hương đất nước của một người anh hùng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục