GS Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác

Ngày 28-4 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác”, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của GS Đào Duy Anh (1904-2024).

GS Đào Duy Anh là nhà sử học, địa lý học, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng và được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. GS Đào Duy Anh sinh ngày 25-4-1904 tại Thanh Hóa, quê tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông mất ngày 1-4-1988. Ông từng là Tổng Bí thư của Đảng Tân Việt (1 trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Với khát vọng chân chính và nhiệt huyết cống hiến lớn lao, ông đã để lại cho đời một di sản học thuật đồ sộ. Đặc biệt, công trình “Việt Nam Văn hóa sử cương” của ông được giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam xem như kim chỉ nam trong gần 100 năm qua.

PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định, sách do GS Đào Duy Anh sưu tầm, xuất bản và giới thiệu với độc giả là những công trình có tác dụng cổ vũ lòng yêu nước, hướng tới người đọc những kiến thức cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường vô sản... GS Đào Duy Anh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Tin cùng chuyên mục