Người quay phim ở Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975

Người quay phim ở Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975

Chúng tôi đến tìm một nhà quay phim đã từng vinh dự được cơ quan cử đi quay cảnh Sài Gòn giải phóng ngày 30 tháng 4 năm 1975, đó là nhà quay phim Lưu Xuân Thư. Rất may cho chúng tôi, được gia đình cho biết là ông vừa vượt qua được sự cố sức khỏe bởi chứng tai biến mạch máu não, nay ông đã hồi phục nhiều.

Người quay phim ở Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 ảnh 1
Lưu Xuân Thư, người cầm máy quay phim đứng giữa. Ảnh: VĂN TRẦM

Ông lấy quyển album ảnh đã chụp được ở Sài Gòn năm ấy, thuyết minh xuất xứ từng pô ảnh. Những tấm ảnh được chụp đã 32 năm thật không thể tính hết được giá trị của chúng. Khi được hỏi năm ấy ông đã vào Sài Gòn như thế nào, ông kể lại:

– Biết trước được tình hình diễn biến chiến sự, khi Nha Trang được giải phóng, Xưởng Phim truyện đã thành lập ba đoàn làm phim, chia ra ba ngả nhập cùng các đơn vị bộ đội chuẩn bị để tiến vào Sài Gòn. Đoàn làm phim của ông được đưa vào Nha Trang chờ sẵn giờ phút lịch sử: Khi quân đội mở cuộc quyết chiến chiến lược: Giải phóng Sài Gòn - Gia Định thì đoàn làm phim cũng tiến theo để ghi lại những hình ảnh lịch sử đặc biệt.

Đúng giờ ngọ ngày 30-4-1975 đoàn làm phim gồm Bùi Đình Hạc (đạo diễn), Lưu Xuân Thư (quay phim), Đào Văn Biên (thu thanh)... đã có mặt tại Dinh Độc Lập - dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Ông kể tiếp:

– Lúc đó quang cảnh Dinh Độc Lập đã im ắng như chưa hề có gì xảy ra. Các xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập đã quay ra tiến tiếp về hướng Nam. Trên lầu, Tổng thống Dương Văn Minh vừa mới tuyên bố trên hệ thống radio giải tán chính phủ ngụy quyền, kêu gọi các đơn vị quân ngụy còn lại ở mọi miền lãnh thổ miền Nam hãy hạ vũ khí đầu hàng quân giải phóng, bản thân ông cũng tuyên bố từ chức. Nhóm quay phim của chúng tôi cũng đã tiếp xúc với vị tổng thống vừa tự tuyên bố bãi chức này, Dương Văn Minh nhìn vào tôi hỏi:

– Tôi rất thích đá bóng, ông có thích môn thể thao ấy không?

– Rất thích và tôi cũng thường xuyên chơi môn thể thao ấy.

Tất cả cùng cười vui vẻ.

Rời Dinh Độc Lập, đoàn quay phim phân công nhau tỏa ra các đường phố Sài Gòn, tranh thủ ghi lại những hình ảnh sống động đã diễn ra trong cái ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Đó là những thước phim quý giá phục vụ cho nhiều nhà đạo diễn, nhà quay phim khác của các thế hệ sau. Ví dụ như những cảnh: Bộ đội ta tiến vào Sài Gòn, cảnh nhân dân đứng hai bên đường nhìn bộ đội, số ít người già thì nhìn với ánh mắt đăm chiêu thăm dò, còn đa số thanh niên thì tỏ thái độ vui mừng ra mặt và đặc biệt không có ai tỏ thái độ sợ hãi.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, nhà quay phim Lưu Xuân Thư còn đi tiếp đến các tỉnh phía Nam và ra cả Côn Đảo quay cảnh giải phóng Côn Đảo.

Quay xong ở miền Nam, ông còn tiếp tục sang Campuchia quay cảnh bộ đội ta giúp nước bạn đập tan bè lũ diệt chủng Pol Pot giải phóng hoàn toàn Campuchia.

Những tư liệu quay được ở Sài Gòn ngày 30-4-1975 và những ngày sau đấy đã được sử dụng để xây dựng bộ phim giàu tính lịch sử, đó là bộ phim Sài Gòn tháng 5-1975 (đạo diễn Bùi Đình Hạc, quay phim Lưu Xuân Thư).

Trong cuộc đời làm điện ảnh của mình, nghệ sĩ Lưu Xuân Thư là một trong những tấm gương về sự học tập, phấn đấu không mệt mỏi để tự hoàn thiện. Từ một cán bộ phụ trách xây dựng khu điện ảnh Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), ông được chọn vào học quay phim khóa đầu tiên cùng với Hồng Sến, Kiều Thẩm, Lò Minh... do các chuyên gia Trung Quốc: Lâm Mộng Khôi, Lã Quốc Khanh đào tạo.  Ông đã từng làm diễn viên đóng vai chính như vai Dũng (với Ngọc Lan) trong phim Lửa trung tuyến, vai Cần (với Đức Hoàn) trong phim Đi bước nữa. Nhưng đóng góp chính của ông trong ngành điện ảnh vẫn là quay phim.

Các phim truyện ông đã quay chính là: Trên vĩ tuyến 17 (đạo diễn: Lý Thái Bảo, Bùi Đình Hạc), phim được giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim 1970; phim Nguyễn Văn Trỗi được giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim 1970; phim Một chiến công (đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc); phim Tiền tuyến gọi (đạo diễn Phạm Kỳ Nam) đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim 1973; phim Hoa thiên lý (đạo diễn Bùi Đình Hạc)...

Các phim tài liệu ông vừa là đạo diễn, vừa quay phim: Bầu trời trong sáng (1978), Những trang sử bằng đá (1978), Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore (1978)...

Trên 40 năm với những cống hiến quý báu cho ngành điện ảnh nước nhà, ông đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên (1983).

Nguyễn Văn Chằm

Tin cùng chuyên mục