“Kẻ săn đêm” - Bộ phim cần cấm

“Kẻ săn đêm” - Bộ phim cần cấm

Lâu nay, kinh dị vẫn được xem là một thể loại phim giống như bao thể loại khác, dẫu về tính chất thì ở Việt Nam nó vẫn bị coi là dạng phim “nhạy cảm”. Trung bình 1 tháng trong danh mục phim ngoại nhập chiếu rạp cũng có ít nhất 1 bộ phim kinh dị. Thậm chí có tháng khán giả được xem tới 2, 3 phim kinh dị. Sáng 12-9, trong chương trình họp báo giới thiệu phim, Hãng phim Thiên Ngân – Galaxy đã cho báo giới xem bộ phim “Kẻ săn đêm” (tên gốc “Prom night”), một bộ phim sẽ khởi chiếu từ ngày 19-9 tại 11 rạp trong TPHCM.

Chưa nói tới nội dung phim, mới chỉ nhìn tấm panô quảng cáo ngay mặt tiền rạp Galaxy, ai cũng có chung một cảm giác hãi hùng. Đó là hình ảnh một tên sát nhân trên tay lăm lăm con dao nhọn đẫm máu trước một cô gái trẻ té dưới đất, gương mặt lộ rõ vẻ khiếp đảm. Slogan của bộ phim đưa ra là “Ai sẽ là người sống sót” với chữ viết mô phỏng hình ảnh những giọt máu đang chảy. Cho dù, nội dung của bộ phim không có gì đáng phê phán thì một tấm panô như vậy cũng không nên để ở nơi công cộng.

Mới đây tại Anh, một quốc gia khá thoáng về điện ảnh cũng đã ra lệnh cấm hai tấm poster của một bộ phim có tên “Wanted” (tên phim ở Việt Nam là “Truy sát”) với lý do hình ảnh quá bạo lực. Đó là tấm hình nữ diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie nằm nghiêng một bên chiếc xe đang phóng hết tốc lực, giơ súng bắn (poster này cũng được dùng để quảng cáo tại các rạp ở Việt Nam). So với “Prom night”, poster “Wanted” còn nhẹ hều…

“Kẻ săn đêm” - Bộ phim cần cấm ảnh 1

Panô quảng cáo phim “Kẻ săn đêm” tại mặt tiền rạp Galaxy. Ảnh: H.C.

Panô dẫu sao cũng chỉ là hình ảnh bên ngoài, nếu sai phạm chỉ cần tháo xuống, hoặc phạt theo quy định về quảng cáo nơi công cộng, còn nội dung phim, nếu đã chiếu ra sẽ khó rút lại. “Prom night” là một bộ phim có nội dung gây khiếp sợ, không có tính nhân văn. Câu chuyện về một tên giết người bệnh hoạn. Đối tượng hắn tìm là một cô nữ sinh, con gái đồng nghiệp hắn, kẻ giết người bị ám ảnh bởi vẻ đẹp ngây thơ và thánh thiện của cô bé.

Cách đó 3 năm, hắn đã sát hại cả nhà cô bé vì sự ám ảnh này (!?). Bối cảnh phim diễn ra tại một khách sạn, nơi các cô cậu học sinh tổ chức buổi dạ tiệc mừng tốt nghiệp trung học. Tên giết người thoát khỏi trại giam và có mặt trong buổi dạ tiệc đó. Để tìm cô gái, hắn đã lần lượt ra tay giết bạn bè của cô và một số nhân viên phục vụ khách sạn chẳng may xuất hiện ở đó.

Âm thanh, tiếng động, sự truy đuổi, sự xuất hiện bất ngờ của tên sát nhân đối với các nạn nhân vô tội là những nút thắt khiến cho bộ phim mang đậm màu sắc kinh dị. Cả một dàn cảnh sát trang bị đầy súng ống đều bị qua mặt, thậm chí bị giết chết chỉ bởi một gã điên cuồng khát máu. Ngay cả khi cô gái đã thoát khỏi sự truy đuổi của tên sát nhân trong buổi dạ tiệc và được nhân viên cảnh sát hộ tống về tận nhà, được bạn trai kè kè bên cạnh thì gã giết người ấy vẫn lọt được vô nhà cô một cách dễ dàng và giết chết bạn trai cô ngay trên giường…

Lạnh lùng, phi lý, tàn nhẫn và kích động, đó là những gì người xem cảm nhận về bộ phim. Vẫn biết, xã hội cũng có những kẻ điên khùng cá biệt như thế, song không thể khai thác như sự giới thiệu, cổ vũ cái ác. Việc nhập, duyệt và cho chiếu một bộ phim như thế trách nhiệm phải chăng thuộc về chính hãng phim, Hội đồng duyệt phim quốc gia? Đây không phải là bộ phim kích động bạo lực duy nhất mà Báo SGGP lên tiếng.

Một số bộ phim trước, sau khi bị phê phán đều ngưng chiếu. Việc để lọt lưới những bộ phim như thế này, hết lần này tới lần khác, không chỉ cứ ngưng chiếu là xong, mà có lẽ phải quy trách nhiệm đối với người cấp phép đã để những sản phẩm phi nhân tính đến công chúng. Một trong những mục tiêu chủ yếu của nghệ thuật là đề cao cái thiện, tôn vinh những giá trị nhân văn, cổ vũ tình người trong cộng đồng xã hội, phê phán và chống lại cái ác. “Kẻ săn đêm” có nội dung bạo lực một cách bệnh hoạn, tàn nhẫn, không thể cho phép phát hành rộng rãi.

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục