Kỷ niệm Ngày truyền thống Học sinh-Sinh viên Việt Nam 9-1: Hát “Tự nguyện” cùng Trương Quốc Khánh

“Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương/ Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm/ Là người tôi sẽ chết cho quê hương/ Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm/ Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền/ Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm/ Cùng muôn trái tim ngất say hòa bình/ Là mây theo làn gió tôi bay khắp trời/ Nghìn xưa oai hùng đó nên xin tiếp lời/ Là người xin một lần khi nằm xuống/Nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ”.

“Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương/ Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm/ Là người tôi sẽ chết cho quê hương/ Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm/ Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền/ Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm/ Cùng muôn trái tim ngất say hòa bình/ Là mây theo làn gió tôi bay khắp trời/ Nghìn xưa oai hùng đó nên xin tiếp lời/ Là người xin một lần khi nằm xuống/Nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ”.

Đó là lời bài hát “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh. Có nhiều người nói ấy là ý một bài thơ của một chiến sĩ cộng sản trong thế chiến thứ 2: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương/ Nếu là đá hãy là đá hoa cương/ Nếu là chim hãy là bồ câu trắng/ Nếu là người hãy là chiến sĩ Cộng sản”. Trương Quốc Khánh sáng tác bài hát này trong cuộc tấn công và nổi dậy của quân dân ta Tết Mậu Thân tháng 2-1968.

“Tự nguyện” không chỉ là sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh mà còn là một trong những ca khúc hay nhất của nhạc cách mạng Việt Nam thời chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Lời bài hát là một bài thơ hoàn chỉnh, trong sáng, lãng mạn, giàu tính chiến đấu.

Bài hát dễ hát, dễ thuộc có tính lan truyền sâu rộng và nhớ lâu. Đó là tiếng lòng của thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, là bản anh hùng ca tự nguyện dấn thân. Bài hát có thể hát đơn ca, tốp ca, có thể hát tập thể, có thể hát sinh hoạt cộng đồng, lại có thể biểu diễn thành hợp xướng. Sự hài hòa tuyệt vời giữa Tổ quốc, thời đại và lớp thanh niên học sinh sinh viên, con người.

Trương Quốc Khánh đã cùng những nhạc sĩ như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Phú Yên, La Hữu Vang… tạo nên phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam cùng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở các chiến trường, tạo nên điểm son của âm nhạc thời chống Mỹ.

Trương Quốc Khánh quê gốc Trà Vinh, sinh năm 1947, tại Tây Ninh, mất năm 1999 tại TPHCM. 21 tuổi tham gia cách mạng cũng là năm anh viết ca khúc “Tự nguyện”. Cuộc đời Trương Quốc Khánh sôi nổi, thủy chung. Anh là Chủ tịch Ban Chấp hành Sinh viên Văn khoa Sài Gòn, Trưởng ban Văn nghệ sinh viên phật tử.

Năm 1974, anh được cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1975, nước nhà hòa bình thống nhất, anh giữ chức Phó Tổng Thư ký, Tổng Biên tập Báo Sân Khấu, Hội Sân khấu TPHCM. Trương Quốc Khánh là nhà báo, nhà biên kịch với nhiều kịch bản được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn Kim Cương, Bông Hồng, Sài Gòn 2, Nhà hát Hòa Bình… Bộ phim “Nỗi đau này không của riêng ai” (cùng nghệ sĩ Mỹ Hà) nói về thảm họa ma túy mà lời cảnh báo hôm nay còn nóng hổi tính thời sự.

Trương Quốc Khánh có nhiều khả năng, lắm tài, nhưng anh được ghi danh với ca khúc “Tự nguyện” nổi tiếng. Chính vì vậy, người ta gọi anh là nhạc sĩ “Bồ câu” Trương Quốc Khánh.

Kỷ niệm Ngày truyền thống Học sinh-Sinh viên Việt Nam (9-1-1950 - 9-1-2010), hát vang bài “Tự nguyện” cùng Trương Quốc Khánh là chúng ta không chỉ nhớ lại một thời oanh liệt mà còn mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hãy “Hát cho đồng bào tôi nghe”… 

LƯU XÁ

Tin cùng chuyên mục