“Xuất khẩu” nghệ thuật truyền thống: Thừa tiềm năng, thiếu chiến lược

Trong thời hội nhập, giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, đưa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài biểu diễn nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam và mở rộng thị trường khán giả là hết sức cần thiết. Thế nhưng…
“Xuất khẩu” nghệ thuật truyền thống: Thừa tiềm năng, thiếu chiến lược

Trong thời hội nhập, giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, đưa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài biểu diễn nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam và mở rộng thị trường khán giả là hết sức cần thiết. Thế nhưng…

  • Tiềm năng dồi dào...

Nhìn vào thực tế lực lượng nghệ sĩ, bề dày lịch sử của các đơn vị nghệ thuật truyền thống như: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Hát bội, Múa rối TPHCM, Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM, Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen… ai cũng thừa nhận, các đơn vị này đủ lực thực hiện những chương trình chất lượng và hấp dẫn. Đặc biệt, với người nước ngoài, tưởng khó, nhưng lại càng dễ, bởi họ muốn hiểu biết những gì thuộc về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam hơn là những tiết mục na ná nước ngoài.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phần, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thì: “mỗi khi đi giao lưu văn hóa, biểu diễn ở nước ngoài, tôi nhận thấy Việt kiều và người nước ngoài rất thích thú những tiết mục múa dân gian và âm nhạc truyền thống Việt Nam…”.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, “ông bầu” của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM, tự hào: “Năm 2009, khi tham gia lễ hội ở Nhật Bản, các tiết mục múa rối nước của chúng tôi được đón nhận nồng nhiệt. Vui hơn, theo đánh giá của ban tổ chức lễ hội, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM là đoàn nghệ thuật nước ngoài biểu diễn thành công nhất qua 5 năm tổ chức lễ hội…”.

Sở dĩ có được thành công này do loại hình nghệ thuật múa rối nước rất độc đáo, ngoài những chú rối, còn có phần âm nhạc với nhiều loại nhạc cụ dân tộc sống động, hấp dẫn… Chính vì thế, hiện nay, loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đặc biệt múa rối nước có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được quảng bá và phát huy đúng mức.

Cần chủ động chọn những chương trình nghệ thuật truyền thống dân tộc để “xuất khẩu”. Ảnh: AN DUNG

Cần chủ động chọn những chương trình nghệ thuật truyền thống dân tộc để “xuất khẩu”. Ảnh: AN DUNG

  • Khó xuất ngoại

Tuy tiềm năng của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống hết sức dồi dào nhưng thực tế ai cũng nhận thấy môi trường phát triển chưa thật sự bền vững. Tại sao? Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phần từ nhiều năm nay đã kiến nghị xây dựng một “cơ ngơi” hoàn chỉnh để có thể làm nơi biểu diễn thường xuyên phục vụ khán giả và tiếp thị hình ảnh ra bên ngoài nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể, hoạt động vẫn cầm chừng. Thực tế này là rào cản rất lớn đối với việc tiếp thị đưa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam ra nước ngoài.

Bên cạnh điểm yếu trên, bản thân các đơn vị nghệ thuật cũng còn nhiều hạn chế. Đến nay, hầu hết các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở TPHCM đều “ngồi chờ đối tác” chứ chưa có đủ năng lực và sự chủ động trong việc “đem chuông đánh xứ người”.

Những loại hình nghệ thuật như thế này cần được đầu tư đúng mức để “xuất khẩu” nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam. Ảnh: AN DUNG

Những loại hình nghệ thuật như thế này cần được đầu tư đúng mức để “xuất khẩu” nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam. Ảnh: AN DUNG

  • Cần có chiến lược

Theo tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, việc đưa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài biểu diễn là việc không thể không làm. Nhưng để làm được, đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, dài lâu. Chẳng hạn, khi đưa nghệ thuật truyền thống sang Trung Quốc, Ai Cập hay một nước nào đó biểu diễn, phải có sự tính toán kỹ nên chọn âm nhạc dân tộc, tuồng, chèo hay cải lương, múa rối nước… để hấp dẫn khán giả.

Đặc biệt hơn, việc đưa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ tiết mục, chương trình đến việc tiếp cận khán giả…, chắc chắn hiệu ứng, tiếng vang sẽ rộng rãi hơn. Ngược lại, xem như thất bại hoàn toàn. Còn đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, việc đưa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài cần đến sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan quản lý Nhà nước, không chỉ về mặt tinh thần mà cả vật chất.

Một số nghệ sĩ kiến nghị: Để tránh lãng phí, trong chiến lược “xuất khẩu” văn hóa đòi hỏi phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn và tránh dàn trải. Nếu không, nói một cách nào đó là chúng ta đang lãng phí tiềm năng và tài năng!

ĐỖ HẠNH – HỮU VIỆT

Tin cùng chuyên mục