Nhà văn trẻ sớm “già”

Nhân dịp Hội sách TPHCM lần thứ 7, Nhà xuất bản (NXB) văn hóa - văn nghệ (VH-VN) TPHCM giới thiệu với bạn đọc loạt sách thuộc tủ sách của các nhà văn thế hệ 8x. Đây được xem như một cuộc giới thiệu quy mô của các nhà văn trẻ ở TP.
Nhà văn trẻ sớm “già”

Nhân dịp Hội sách TPHCM lần thứ 7, Nhà xuất bản (NXB) văn hóa - văn nghệ (VH-VN) TPHCM giới thiệu với bạn đọc loạt sách thuộc tủ sách của các nhà văn thế hệ 8x. Đây được xem như một cuộc giới thiệu quy mô của các nhà văn trẻ ở TP.

  • Chật vật tìm lối ra

Từ giữa năm 2011, “Tủ sách văn học 8x” đã chính thức ra mắt và giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm đầu tiên. Một trong số đó, tác phẩm “Cô gái bán ô màu đỏ” của Trần Minh Hợp đã nhanh chóng tạo được ấn tượng với giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.

Từ ấn tượng ban đầu đó, nhiều bản thảo của các nhà văn trẻ dồn dập gửi đến NXB, và trong đợt hội sách lần này, thêm 8 tập truyện ngắn của các cây bút trẻ đã ra mắt bạn đọc. Đây có lẽ là sự xuất hiện rầm rộ nhất của những cây bút trẻ trong những năm gần đây. Trước đó, các nhà văn trẻ thường phải tự chật vật tìm lối ra cho sáng tác của mình, đến khi tác phẩm ra đời lại bối rối, không biết làm sao để đứa con tinh thần của mình thoát khỏi cảnh chìm lấp giữa rừng sách mới đang xuất hiện mỗi ngày.

Những tác phẩm của “Tủ sách văn học 8x”.

Những tác phẩm của “Tủ sách văn học 8x”.

Nhận xét về các tập truyện ngắn của những nhà văn trẻ thế hệ 8x này, NXB VH-VN cho rằng “Tuy các tác phẩm khác nhau ở góc nhìn, ở sự lựa chọn chi tiết, ở cách chắt lọc từ ngữ, tính cách nhân vật, khác ở cả khả năng văn chương và nội lực cá nhân nhưng cả 8 tác giả đều giống nhau là say mê sáng tác…”.

Nhận xét trên của NXB đã phản ánh rõ nét nhất sự đa dạng trong sáng tác của các nhà văn trẻ được thể hiện trong 8 tập truyện ngắn. Ở Những chuyến thiên di của Nguyễn Hữu Tài là sự tìm tòi góc độ riêng để thể hiện những thân phận của người phụ nữ. Một điều khá thú vị của “tập truyện ngắn này là có thể biến thành một truyện dài nếu tác giả tạo nên một nhân vật xuyên suốt.

Còn ở Con tàu đi tìm sân ga của Tiểu Quyên có thể xem mỗi truyện ngắn giống như một mảng ghép về hành trình đi tìm giá trị cuộc sống, nếu ráp lại có thể tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh.

Ngược lại với hai tác phẩm trên, Khúc hát giờ kẹt xe của Ngô Thị Hạnh có thể xem là tác phẩm chắc tay trong số các tác phẩm 8x. Nhà văn Bích Ngân, Phó giám đốc NXB VH-VN đã cho rằng Ngô Thị Hạnh đang cố gắn kết giữa thơ và văn nên tác phẩm của Hạnh giữa những câu văn lại phảng phất cả chất thơ.

  • Cuộc sống đâu chỉ có... buồn?

Ở những tác phẩm còn lại, các tác giả trẻ đều gửi gắm những tâm sự, trải lòng với tình yêu, cuộc sống, hạnh phúc cùng khổ đau. Tuy nhiên, điểm đáng nói đến nhất ở sáng tác của những nhà văn trẻ thế hệ 8x là dù có thể hiện khác nhau về chi tiết, về góc nhìn, khả năng sáng tác nhưng sáng tác của các nhà văn trong “Tủ sách văn học 8x” đều có nét chung: Buồn! Những nỗi buồn tê tái về trắc trở tình yêu, về thân phận con người… Một hai sáng tác thì còn có thể xem là nhu cầu cá nhân nhưng ở đây lại gần như tất cả.

Đọc các truyện ngắn, hầu như không tìm thấy “hơi thở của cuộc sống”, không thấy sự mạnh mẽ của thế hệ 8x, không thấy cuộc sống hiện đại ngồn ngộn xung quanh các tác giả. Ngay cả với Tiểu Quyên, một nhà báo chuyên nghiệp thì cũng không thể tìm thấy chút nào không khí cuộc sống hiện đại trong tập truyện ngắn của chị.

Hay như ở Những chuyến thiên di của nhà văn Việt kiều Nguyễn Hữu Tài, cũng chỉ là nỗi buồn ở những vùng quê nghèo, chẳng có chút gì về cuộc sống của người phụ nữ nơi phương trời xa.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từng tâm sự trong một cuộc trao đổi với các nhà văn trẻ: “Đầu tiên hãy viết cái dễ nhất, cái mà chúng ta biết nhiều nhất. Chuyện tưởng tượng, sáng tạo hãy để cho sau này”. Mà với những nhà văn trẻ thế hệ 8x, chẳng lẽ sự day dứt về giá trị cuộc sống, về thân phận con người lại là cái mà họ hiểu biết nhất? 

TƯỜNG VY

Sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” được bạn đọc ưa thích nhất 2011

Sáng 22-3, Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đã công bố danh sách 10 nhan đề sách được bạn đọc ưa thích nhất trong năm 2011. Đây là kết quả từ cuộc bình chọn của chương trình “Giải thưởng Fahasa - Sách được bạn đọc yêu thích bình chọn” lần 1, được tổ chức từ ngày 5-8-2011 đến hết ngày 15-2-2012.

Sau 6 tháng, tổng cộng đã có 15 ngàn phiếu bình chọn được tập hợp từ các nhà sách của Fahasa. Kết quả cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” do NXB Phụ Nữ liên kết cùng Công ty TGM xuất bản, bản dịch của Trần Đăng Khoa và Uông Xuân Vy đã giành giải được bạn đọc ưa thích nhất.

T. Vy

Tin cùng chuyên mục