Những sắc màu văn hóa châu Á

Từ ngày 8-10-2013 đến hết tháng 1-2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (216 Trần Quang Khải - Hà Nội) tổ chức phòng trưng bày chuyên đề Châu Á - Những sắc màu văn hóa, giới thiệu rộng rãi với công chúng những di sản văn hóa đặc sắc của các quốc gia trong khu vực.
Những sắc màu văn hóa châu Á

Từ ngày 8-10-2013 đến hết tháng 1-2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (216 Trần Quang Khải - Hà Nội) tổ chức phòng trưng bày chuyên đề Châu Á - Những sắc màu văn hóa, giới thiệu rộng rãi với công chúng những di sản văn hóa đặc sắc của các quốc gia trong khu vực.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay tại chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh được trưng bày tại Phòng trưng bày chuyên đề Châu Á - Những sắc màu văn hóa.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay tại chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh được trưng bày tại Phòng trưng bày chuyên đề Châu Á - Những sắc màu văn hóa.

Đến tham quan phòng trưng bày, công chúng sẽ có cơ hội thưởng lãm gần 100 hiện vật tiêu biểu có nguồn gốc từ 10 quốc gia châu Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là những hiện vật tiêu biểu, được chế tác bằng nhiều chất liệu: đồng, gốm, đá, đất nung, gỗ, bạc, ngọc, ngà... với nhiều loại hình khác nhau như vật liệu kiến trúc, đồ gia dụng, đồ trang trí, thờ cúng cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Với Trung Quốc là bình gốm tô nhiều màu thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều có niên đại 5.000 - 4.000 năm; tượng lạc đà, tượng phụ nữ tạo hình theo phong cách tả thực rất thành công dưới thời Đường, chóe sứ, lọ men nhiều màu…; nhóm hiện vật đồ đồng, đồng pháp lam men nhiều màu; nhóm hiện vật chế tạo bằng đá ngọc đều là những sản phẩm thể hiện sự tinh xảo và tính thẩm mỹ cao của nghệ nhân Trung Hoa.

Hàn Quốc sưu tập hiện vật kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt và đồ thờ cúng bằng gốm và đồng như gốm hoa lam, đỉnh gốm men trắng, đĩa chân cao, ngói ống, đầu ngói (thế kỷ 7 - 8)… Ấn Độ là một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo và Ấn Độ giáo bằng chất liệu đá và đồng như tượng thần Shiva bằng đồng, tượng thần Vishnu bằng đồng, phù điêu tượng Phật, Quan Âm, nữ thần sông Hằng (Ganga) bằng đá… là những hiện vật đặc trưng cho văn hóa Phật giáo và Ấn Độ giáo (Hindu giáo) cũng như phong cách tạo tác của Ấn Độ. Với Thái Lan là bộ sưu tập gốm men ngọc được khai quật từ tàu đắm Hòn Dầm (Kiên Giang), sưu tập đồ pháp lam (đồng tráng men nhiều màu), đồ đồng nạm vàng, tượng Phật, phế tích kinh thành Ayuthaya, tháp cổ Phnuom Rung... Indonesia góp mặt bằng nghệ thuật rối bóng với những con rối bằng da được làm cầu kỳ và mang dấu ấn văn hóa đậm nét. Hiện vật về Myanmar được lựa chọn trưng bày bao gồm một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo, Hindu giáo bằng đồng và gỗ. Với Campuchia, trưng bày tập trung giới thiệu những nét tinh hoa nghệ thuật trong các pho tượng, trang trí kiến trúc đền tháp thời kỳ Angkor; bát chạm bạc, hộp khảm trai, tượng Phật bằng gỗ… Hiện vật văn hóa Lào là một số bức phù điêu và các pho tượng Phật bằng gỗ và đồng. Cuối cùng, Việt Nam khoe sắc bằng nghề đúc đồng vốn được biết đến từ thời kỳ dựng nước và phát triển rực rỡ ở thời văn hóa Đông Sơn, trải qua thời gian cùng sự phát triển của nó, nghề đúc đồng đã đạt tới độ tinh xảo, thể hiện qua sưu tập đồ thờ bằng đồng thời Lê - Nguyễn thế kỷ  15 - 19.

Đây là các hiện vật trong bộ sưu tập di sản văn hóa châu Á đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bên cạnh những di vật phản ánh sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất phục vụ nhu cầu tồn tại, phát triển thể chất của con người, phần lớn hiện vật trong sưu tập này cho thấy đời sống tâm linh, phương thức sinh hoạt rất đa dạng trong đời sống xã hội từ ẩm thực, trang phục, nhà ở, mỹ thuật, kiến trúc và điêu khắc cho đến chữ viết, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật biểu diễn sân khấu… của mỗi quốc gia đều mang những bản sắc riêng biệt độc đáo, từ đó tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu của di sản văn hóa châu Á.

THẢO LƯ

Tin cùng chuyên mục