Đề tài tận thế vẫn ăn khách

Cơn sốt tận thế
Đề tài tận thế vẫn ăn khách

Bất chấp thực tế là suốt hơn 10 năm nay, hầu như năm nào cũng có khá nhiều tác phẩm điện ảnh về thảm họa được trình làng. Dạng đề tài này vẫn chưa có dấu hiệu nguội đi nhất là khi bộ phim mới nhất “World War Z” lại tiếp tục làm mưa làm gió trong mùa phim hè năm nay. Điều gì đã khiến một đề tài điện ảnh vốn mang nặng tính viễn tưởng lại có thời gian sống lâu như thế?

Một cảnh trong phim Thế chiến Z

Một cảnh trong phim Thế chiến Z

Cơn sốt tận thế

Thu về gần 300 triệu USD chỉ sau hai tuần công chiếu, Thế chiến Z (World War Z) là lời khẳng định cho thấy dòng phim thảm họa vẫn có sức thu hút mãnh liệt với công chúng.

Những năm gần đây, hầu như năm nào khán giả thế giới cũng chứng kiến những tác phẩm từ văn chương đến điện ảnh liên quan đến thảm họa diệt vong của con người. Nếu năm 2009, cả thế giới phát sốt với bộ phim Thảm họa diệt vong (2012) thì trước đó, năm 2011 là phần tiếp của loạt phim Vùng đất dữ (Resident Evil). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, điện ảnh thế giới đã chứng kiến một loạt các phim tận thế khác nhau như Bí mật trái đất diệt vong (Oblivion), Trở về Trái đất (After Earth)…

Không chỉ có điện ảnh Mỹ mặn nồng với mảng đề tài thảm họa này, điện ảnh châu Âu hay châu Á cũng không kém phần nhiệt tình. Hàng loạt những tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh ngày diệt vong đã và sắp ra đời như 28 ngày sau (28 days later) của Anh, Góc quay đẫm máu (R.E.C) của Tây Ban Nha, Chuyến tàu băng hà (Snowpiercer) của Hàn Quốc…

Văn học cũng góp phần không nhỏ, từ việc đề cập một cách gián tiếp như bộ tiểu thuyết ba tập Đấu trường sinh tử (The Hunger Games) đến trực tiếp như Sau biến cố (The Aftermatch)…

Sự đổ vỡ của niềm tin

Đề tài tận thế không phải mới lạ, như sự diệt vong từ xác sống đã xuất hiện trên màn ảnh từ thập niên 20 của thế kỷ trước, đề tài thảm họa tự nhiên còn sớm hơn thế. Tuy nhiên, với tần suất nhiều và không phải tác phẩm nào cũng hay nhưng hầu như đều nhận được sự ủng hộ của khán giả thì vấn đề đã không đơn thuần nằm ở sở thích sáng tác của các tác giả.

Có một điểm đáng chú ý ở các tác phẩm có đề tài diệt vong là lý do dẫn đến sự hủy diệt. Nếu trước đây, lý do này thường được gắn liền với các âm mưu chiến tranh, các cuộc tấn công nguyên tử, sinh học thì với các tác phẩm mới, sự diệt vong đến từ các lý do mang tính khách quan hơn. Ngay như trong dòng phim Vùng đất dữ, tuy loại virus chính gây nên thảm họa là từ một công trình nghiên cứu vũ khí sinh học nhưng lý do lây lan lại từ một sự kiện phá hoại cá nhân chứ không phải là một cuộc tấn công chủ đích. Trong bộ phim mới nhất về đề tài này là Thế chiến Z, nguyên nhân của đại dịch khiến loài người gần như diệt vong thậm chí còn không rõ ràng. Ở các tác phẩm khác, sự hủy diệt đôi khi chỉ là những thảm họa thiên nhiên khó lường như thiên thạch, dịch chuyển vỏ trái đất, núi lửa, người ngoài hành tinh…

Đồng thời với lý do diệt vong là cách đối đầu với thảm họa cũng khác hẳn nhau. Nếu trong và sau thời chiến tranh lạnh, nỗi ám ảnh hủy diệt bởi chiến tranh hạt nhân bao trùm nhưng vượt lên trên vẫn là mong ước và nỗ lực ngăn chặn thảm họa thì ngược lại, các tác phẩm mới về thảm họa hiện nay lại cho thấy sự bất lực của con người trước tai họa và những hy vọng vào thời hậu tận thế.

Nhà văn Mỹ Max Brooks tác giả của cuốn tiểu thuyết Word War Z: An Oral History of the Zombie War được chuyển thể thành phim Thế chiến Z đã giải thích về nguyên nhân sự thay đổi: “Từ năm 2001 con người bắt đầu sợ, có những thứ rất đáng sợ đã xảy ra như vụ khủng bố 11-9, chiến tranh Iraq, Afghanistan, bão Katrina, bệnh than, vụ bắn tỉa ở Washington, hiện tượng nóng lên toàn cầu, khủng hoảng tài chính toàn cầu, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS. Con người cảm thấy như hệ thống của họ đang sụp đổ”.

Và những sự lo sợ đó vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng nghĩa những khán giả trên toàn thế giới sẽ lại tiếp tục trông chờ những tác phẩm mới về sự diệt vong của loài người như một cách để chuyển lo lắng của mình vào những nhân vật trong phim.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục