Thương tiếc họa sĩ Nguyễn Thanh Châu - Nhớ màu tím bằng lăng

LTS: Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, vừa qua đời sau cơn trọng bệnh. Ông là một trong những nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nền mỹ thuật trong thời kháng chiến và hòa bình, xây dựng đất nước. Nhắc đến Nguyễn Thanh Châu là nhắc đến mảng tranh đậm tính sử thi - trữ tình của Ngày giải phóng miền Nam 30-4 và mảng tranh về miền sông nước Nam bộ dạt dào tình cảm. Báo SGGP xin trích đăng bài viết của tiến sĩ - họa sĩ Trang Phượng, nguyên Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, người bạn thân từng chiến đấu và hoạt động nghệ thuật với họa sĩ Nguyễn Thanh Châu, ngay từ những năm tháng còn ở R…
Thương tiếc họa sĩ Nguyễn Thanh Châu - Nhớ màu tím bằng lăng

LTS: Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, vừa qua đời sau cơn trọng bệnh. Ông là một trong những nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nền mỹ thuật trong thời kháng chiến và hòa bình, xây dựng đất nước. Nhắc đến Nguyễn Thanh Châu là nhắc đến mảng tranh đậm tính sử thi - trữ tình của Ngày giải phóng miền Nam 30-4 và mảng tranh về miền sông nước Nam bộ dạt dào tình cảm. Báo SGGP xin trích đăng bài viết của tiến sĩ - họa sĩ Trang Phượng, nguyên Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, người bạn thân từng chiến đấu và hoạt động nghệ thuật với họa sĩ Nguyễn Thanh Châu, ngay từ những năm tháng còn ở R…

Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu

Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu

Đầu năm 1969, Phòng Hội họa Giải Phóng chuyển căn cứ sang đất bạn Campuchia (gọi là căn cứ Sáu Cầu). Sợ anh em ở chiến trường hy sinh mà không có tác phẩm để lại, Phòng Hội họa Giải Phóng triệu tập: Nguyễn Thanh Châu từ khu 8 - khu Trung Nam bộ; Quách Phong, khu 6 - cực Nam Trung bộ; Nguyễn Hiển - quân giải phóng; Nguyễn Thanh Bình (Ba Phến) từ Củ Chi về. Ở căn cứ an toàn các anh em được cung cấp màu để cùng sáng tác. “Những họa sĩ chiến trường” (từ quen gọi của anh em Phòng Hội họa Giải Phóng) rất dễ thân nhau. Trong đợt sáng tác này anh em vẽ khá nhiều tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu và khắc gỗ.

Thế rồi, đầu năm 1970, Lon-Nol đảo chính Shihanouk. Đường hàng không bị tắt, chúng tôi cho tranh vào ống pháo sáng, gởi bằng đường giao liên Trường Sơn ra miền Bắc. Trên đường anh em thấy tranh đẹp lấy ra treo ở các trạm. Rất tiếc, cuối cùng, những tác phẩm này không đến được Hà Nội! Tình hình chiến tranh lấn sâu vào biên giới, trại sáng tác tạm ngưng, anh em trở về địa phương; riêng Thanh Châu ở lại Phòng Hội họa Giải Phóng. Thanh Châu cùng chúng tôi vừa tham gia chống càn, vừa chuyển từ căn cứ Sáu Cầu về Tà Pao; rồi chuyển lên Đông Bắc Campuchia.

Tháng 5-1971, Trang Phượng, Toàn Thi, Trương Hồng Thanh, Huỳnh Thị Kim Tiến được lệnh vượt Trường Sơn ra Bắc; Thanh Châu trở lại bám chiến trường Trung Nam bộ nóng bỏng… Lúc này, anh khát khao được nhìn thấy mảnh đất quê nhà sau thời gian dài tập kết ra Bắc và vượt Trường Sơn trở lại miền Nam!

Thanh Châu sinh năm 1939 tại Cao Lãnh - Đồng Tháp, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Sau hiệp định Genève, anh tập kết ra Bắc theo diện con em cán bộ. Là học sinh miền Nam ở Hải Phòng, rất mê vẽ; tốt nghiệp phổ thông xong, anh thi vào Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. Sau đó, Thanh Châu cùng một số bạn bè được chọn du học tại Trường Đại học Mỹ thuật Kiep - Ukraina (Liên Xô cũ). Những năm 60 chiến tranh ác liệt, học xong, vừa về nước, Thanh Châu tự nguyện xin vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Nẻo đường Trường Sơn - Tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thanh Châu.

Nẻo đường Trường Sơn - Tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thanh Châu.

Ngày 30-4-1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Thanh Châu cùng bộ đội vào tiếp quản thị xã Tân An (Long An). Trong những ngày đầu giải phóng, anh trở về Sài Gòn cùng anh em họa sĩ Phòng Hội họa Giải Phóng tiếp quản các cơ sở mỹ thuật. Anh được bổ sung vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật VN cùng với họa sĩ Huỳnh Văn Gấm phụ trách Chi nhánh phía Nam - Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới từ buổi ấy đến sau này, hơn 35 năm công tác, anh giữ nhiều cương vị trọng trách: từ Ủy viên BCH rồi Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam; liên tục là Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật TPHCM nhiệm kỳ III, IV (1995 - 2005); Phó Chủ tịch Liện hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM (2005 - 2010)…

Tuy bận rộn công tác, lo nhiều hoạt động nghệ thuật của anh em nghệ sĩ các tỉnh phía Nam, Thanh Châu vẫn không để nguội lạnh lòng đam mê vẽ. Phải tranh thủ thời gian để sáng tác! Anh quan niệm, “là nghệ sĩ phải có tác phẩm”. Để rồi, anh khẳng định điều đó qua các tác phẩm hoành tráng: tranh ghép gốm ở Năm Căn - Cà Mau, tranh “Long An trung dũng - kiên cường”, tranh ghép gốm ở Nghĩa trang Cao Lãnh - Đồng Tháp, bức sơn dầu hoành tráng ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và hàng trăm tranh sơn dầu chuyên về đề tài lịch sử chiến tranh - cách mạng. Trước đây, Thanh Châu còn là họa sĩ có sở trường về tranh lụa độc đáo và hiện đại nhưng vẫn mang hồn dân tộc. Tâm huyết suốt cuộc đời với sự nghiệp nghệ thuật, thật vinh dự, năm 2001, anh đã được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Thế nhưng khi cuộc sống của một nghệ sĩ đến lúc cần được nghỉ ngơi, anh đột ngột bị tai biến, bán thân bất toại! Dẫu gặp nhiều điều không may, Thanh Châu vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau để điều trị bệnh. Vậy mà ngày bạn bè, đồng nghiệp đang tổ chức ôn lại một chặng đường lịch sử 50 năm thành lập của Phòng Hội họa Giải Phóng (20-4), anh lại bỏ chúng tôi ra đi!

Bạn bè, đồng nghiệp và cả công chúng hội họa khó quên được họa sĩ Thanh Châu; khó quên cái màu tím bằng lăng quê hương Đồng Tháp bảng lảng trong tranh anh nhưng vẫn đậm dấu ấn một thời liệt oanh của đất nước… 

Tiến sĩ - họa sĩ TRANG PHƯỢNG

Tin cùng chuyên mục