Thị trường mỹ thuật Việt Nam - Hiếm người mua tranh

Ông Uyên Huy - Nhà giáo nhân dân - họa sĩ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, ước tính cả nước có cả chục ngàn người hành nghề hội họa nhưng chỉ có chừng 200 họa sĩ sống được bằng việc bán tranh. Bà Trần Thị Thu Hà, họa sĩ - chủ phòng tranh Tự Do, thống kê mỗi năm số tranh bán được ở phòng tranh của bà chiếm tỷ lệ 60% người nước ngoài mua, 40% người trong nước mua.
Thị trường mỹ thuật Việt Nam - Hiếm người mua tranh

Ông Uyên Huy - Nhà giáo nhân dân - họa sĩ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, ước tính cả nước có cả chục ngàn người hành nghề hội họa nhưng chỉ có chừng 200 họa sĩ sống được bằng việc bán tranh. Bà Trần Thị Thu Hà, họa sĩ - chủ phòng tranh Tự Do, thống kê mỗi năm số tranh bán được ở phòng tranh của bà chiếm tỷ lệ 60% người nước ngoài mua, 40% người trong nước mua.
 
Tự “bắn” vào chân mình
 
Phòng tranh Tự Do ở TPHCM là một địa chỉ đỏ của nhiều họa sĩ Việt Nam. Bởi bất kỳ họa sĩ nào muốn tổ chức triển lãm, ông bà chủ phòng tranh Tự Do Đặng Hải Sơn - Trần Thị Thu Hà đều dang rộng vòng tay chào đón. Họa sĩ chỉ cần mang tranh đến, chủ nhân phòng tranh treo, tổ chức triển lãm và miễn phí hoàn toàn. Chỉ đến khi bán được tác phẩm thì tỷ lệ ăn chia là 50 - 50.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, làm phòng tranh là lao động trí óc cũng đúng, mà lao động chân tay cũng chẳng sai. Nhìn có vẻ nhàn nhã nhưng thật ra hàng ngày bà và những người cộng sự phải làm việc từ 12 giờ đến 14 giờ. Đâu chỉ treo một bức tranh lên tường là xong. Công việc quan trọng nhất là phải làm tư liệu đầy đủ cho tác phẩm. “Nhiều họa sĩ khi tôi hỏi anh, chị vẽ bức này vào thời gian nào cũng không nhớ; hỏi vẽ cái gì thì bảo “Chẳng biết nữa”. Thành ra khi mình viết câu chuyện cho tác phẩm rất khó. Tôi phải xem tranh, mày mò tìm kiếm thông tin rồi làm thay họa sĩ. Mà như thế thì mất hay”, bà Trần Thị Thu Hà tâm sự.
 
Những người yêu hội họa nói chung, giới sưu tầm nói riêng luôn cần có giai thoại đi kèm. Bán cả tranh lẫn giai thoại thì bao giờ giá cả cũng đã ngất ngưởng ngay từ đầu. Nhìn vào lịch sử hội họa, người ta nghiệm thấy số phận của các họa sĩ càng bi thảm bao nhiêu thì tranh càng đắt giá bấy nhiêu. Bởi các đại gia quyết tâm dốc hầu bao mua bằng được nhằm thỏa mãn cơn khát và thể hiện đẳng cấp. Công thức mà các hãng đấu giá nằm lòng là: nghệ thuật + giai thoại + sự xả thân vì lý tưởng nghệ thuật cao cả của họa sĩ. Nắm được tâm lý này, các hãng bán đấu giá luôn săn tìm những tranh đã nổi tiếng theo quy trình: tranh + chuyện đời tác giả + giai thoại = giá trên trời.
 

Người đam mê hội họa thì không có điều kiện tài chính, người có tiền lại không mê hội họa. Ảnh: BẰNG VÂN

Một chuyện đau đầu nữa là ai mang tranh đến gửi treo ở phòng tranh Tự Do, bà Trần Thị Thu Hà cũng nhắc họ đừng sao chép thêm bức nào nữa để tác phẩm được độc bản. Nhiều họa sĩ hứa chắc như đinh đóng cột, cam kết đầy đủ thế mà rồi lại về sao chép nhiều bức để ở nhà, mang gửi ở các phòng tranh khác.
 
Về chuyện này, họa sĩ Bùi Thanh Phương kể một chuyện bi hài. Một lần đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Trọng Niết giật mình khi thấy người ta treo bức sơn mài Chợ Mường Khương. Thấy ngỡ ngàng, xa lạ vì đây đâu phải đứa con tinh thần của mình, ông gặp người phụ trách để khiếu nại sự việc thì người ta bảo: “Tranh của cụ đó chứ còn của ai? Cụ già rồi nên bị lẫn, cụ không nhận ra tranh của mình đó thôi”. Ông Niết bèn đưa ra quyển sách có in tác phẩm của mình do nhà xuất bản ở Nga gửi tặng, ghi Chợ Mường Khương hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng phương Đông của Nga và thắc mắc.

Các cán bộ bảo tàng lại cười và bảo với ông: “Chắc là cụ đã từng vẽ hai bức mà vì tuổi già trí nhớ kém nên cụ đã quên đó thôi”. Sau cùng họa sĩ này yêu cầu không được trưng bày bức tranh chép lại đó, vì ông khăng khăng đó không phải đứa con tinh thần của mình, nhưng cán bộ bảo tàng đã giải thích cho ông rằng, đó là tài sản của nhà nước, không thể thay đổi theo ý muốn của mỗi cá nhân được!

Ngoài ra, cũng có không ít họa sĩ thấy tác phẩm nào của mình bán chạy là cứ thế chép lại hoặc thuê người chép lại có thay đổi chút ít. Nhiều người thì cứ lặp đi lặp lại một đề tài, một cách vẽ đến nhàm chán. Kỷ lục này đang thuộc về họa sĩ Linh Chi - chuyên vẽ đề tài miền núi - có bức tự chép tranh mình đến... 41 lần.
 
Tranh Việt khó bán, tại sao?

Họa sĩ Uyên Huy bước vào nghề hội họa từ năm 1964 nhưng ông kiếm sống bằng nghề làm nghệ thuật ứng dụng và dạy học là chính, dù ông đã có 10 triển lãm cá nhân và hàng chục triển lãm tập thể. Ông cho biết: “Một năm tôi chỉ bán được chừng 6 bức tranh (sơn dầu và chất liệu tổng hợp - PV), khổ 6 tấc vuông thì giá khoảng 700 - 1.000 USD/bức, khổ 1m2 thì giá 1.500 - 3.000 USD/bức”.

Họa sĩ Trương Hán Minh tham gia các hoạt động mỹ thuật từ năm 1970, đã có hơn 20 triển lãm cá nhân và hơn 50 triển lãm tập thể. Nhưng ông bảo trước đây phải lấy tay búa (nghề cao su, nhựa) nuôi tay vẽ. Nay sống được bằng tay vẽ nhưng nguồn thu chính của ông là lớp dạy vẽ tranh thủy mặc và bồi tranh vào sáng chủ nhật hàng tuần. Còn mỗi năm bán được bao nhiêu tranh, được bao nhiêu tiền thì ông không tiết lộ. Nhưng ông cũng có cùng ý kiến với nhiều người là bán tranh ở Việt Nam rất khó.

Họa sĩ Trương Hán Minh: “Bán tranh ở Việt Nam rất khó”. Ảnh: BẰNG VÂN

Một nền mỹ thuật muốn phát triển thì phải sống được ở thị trường trong nước. Người nước ngoài thấy giá tranh trong nước cao mới quan tâm tìm hiểu, mua bán, từ đó tạo ra hiệu ứng và kích cầu. Ở các nước phát triển, thị trường tác phẩm nghệ thuật thường có được 70% khách hàng nội địa. Còn ở Việt Nam, số họa sĩ bán được tranh đã ít, số tranh bán được cho người Việt Nam còn ít hơn, ước tính không quá 40%. Rõ ràng thị trường mỹ thuật Việt Nam chưa thể khởi sắc!

Theo bà Trần Thị Thu Hà, số người Việt Nam đi xem các triển lãm tranh đã tăng lên nhưng rất nhiều người xem xong rồi thú thật là mình không hiểu gì cả. Cho nên để có thể hiểu, rồi yêu và sưu tầm tranh, người ta phải được học từ nhỏ. Nhưng với nền giáo dục Việt Nam hiện nay, học sinh è cổ cũng chưa học hết chương trình chính khóa với các môn học bắt buộc, nói gì đến các hoạt động ngoại khóa, các môn học bồi dưỡng đời sống tinh thần. Trẻ em thì thế, còn người lớn lại có một nghịch lý: người đam mê hội họa thì không có điều kiện tài chính, người có tiền lại không mê hội họa.

Năm 2011, vợ chồng họa sĩ Trần Thị Thu Hà dự định sang Mỹ sinh sống với con cái nên đóng cửa phòng tranh Tự Do. Ông bà rao bán bức Trận Bạch Đằng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí với giá 500.000 USD. Rất nhiều nhà sưu tầm nước ngoài đến hỏi mua nhưng bà đều lắc đầu. “Tôi muốn bán cho một người Việt Nam vì như thế tranh còn là tài sản của đất nước mình chứ bán ra nước ngoài là mất. Ngặt nỗi, dù đã hạ giá xuống 200.000 USD rồi mà vẫn chưa có người Việt nào hỏi mua. Nhiều người Việt rất giàu nhưng họ không có sở thích chơi tranh thật, chơi tranh giá trị”, bà Trần Thị Thu Hà cho biết.

Anh Gérard Chapuis, nhà sưu tầm mỹ thuật người Pháp gốc Việt, chua chát: “Nhiều đại gia người Việt sẵn sàng bỏ ra 12.000 USD để mua một cái túi xách hàng hiệu tặng người đẹp nhưng lại chẳng bỏ ra được một đồng để mua tranh”

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục