Thị trường mỹ thuật thiếu lành mạnh

Thị trường mỹ thuật thiếu lành mạnh

Nhiều năm hoạt động manh mún với vấn nạn sao chép, hàng giả, hàng nhái thiếu kiểm soát, tại thời điểm này, sau scandal triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, các nhà mỹ thuật trong nước cho rằng đây là thời điểm thị trường mỹ thuật trong nước đã chạm đáy... Họ kỳ vọng sự vào cuộc kiên quyết của các đơn vị chức năng để tìm lại một thị trường mỹ thuật lành mạnh.

Uy tín giảm sút

“Trên thế giới, ngay cả đối với những nước khoa học tiến bộ; hiện tượng mạo danh, làm giả tác phẩm mỹ thuật không phải hiếm”, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ. Nhưng ở nước ta giới mỹ thuật không quá lớn, những người chung thế hệ rất dễ nhận biết phong cách, bút pháp của nhau nhưng rồi tình trạng nhiều họa sĩ nói vui: “Chết rồi nhưng tác phẩm nhiều hơn cả lúc đang còn sống” đã xuất hiện và tồn tại nhiều năm. Và triển lãm mỹ thuật “Những bức tranh trở về từ châu Âu” có thể coi là scandal lớn, khiến uy tín của tranh Việt Nam bị giảm sút nguy hiểm. 

Họa sĩ Thành Chương, nạn nhân và cũng là nhân chứng của vụ việc này, chia sẻ: “Khi bức tranh của tôi đã được hội đồng khẳng định bị mạo danh, đáng lẽ tôi có thể “rũ áo”, nhưng vì vấn nạn thật - giả làm tổn hại thanh danh của nền mỹ thuật Việt Nam, nên tôi quyết định tiếp tục lên tiếng”. Cùng chia sẻ những lo lắng này, ông Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, triển lãm tranh giả này là sự sỉ nhục danh dự của các họa sĩ Việt Nam và hình ảnh đẹp của nền mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh Ba cô gái của tác giả Dương Bích Liên tại triển lãm ''Những bức tranh trở về từ châu Âu'' bị nhiều người cho là tranh giả

Theo ông Đoàn, mỹ thuật đương đại Việt Nam nói riêng từ khi có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), tất cả tác giả có tác phẩm trưng bày tại đây đã tin tưởng rằng, bảo tàng như một địa chỉ tin cậy bảo hộ quyền tác giả của họ, coi tác phẩm của họ như di sản văn hóa quốc gia. Nhưng cũng rất khó để đảm bảo rằng có bị “tam sao thất bản” hay không, đây là câu chuyện nhiều năm nay, một lộ trình im lặng về vấn nạn làm hàng giả, hàng nhái những tác phẩm của thế hệ vàng nền mỹ thuật Việt Nam. Và thực tế đó cũng đang ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, bằng mọi cách, mọi nguồn những tác phẩm bị làm giả bán cho người nước ngoài, các nhà sưu tập mà không có một cơ quan nào kiểm định chất lượng.

Ông Lương Xuân Đoàn cho rằng: Thị trường tranh nội địa Việt Nam cần làm lại. Trước đây, đương nhiên thời kỳ đổi mới cũng hình thành thị trường này, nhưng khi ấy còn manh mún và mang tính tự phát. Nay phải xây dựng lại thị trường nội địa chuyên nghiệp và giữ nó lành, sạch thì mới tạo được không gian sáng tạo cho nghệ thuật, giúp người nghệ sĩ thăng hoa trên từng tác phẩm.

Cơ hội “rũ bùn” bị bỏ lỡ?

Song tiếc thay, trong khi giới nghề và công chúng đang trông đợi một cái kết rạch ròi, sòng phẳng đối với bộ sưu tập tranh rởm ở triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” thì chủ nhân sưu tập là ông Vũ Xuân Chung đã đưa toàn bộ số tranh ra khỏi bảo tàng. Giới mỹ thuật đặt câu hỏi, những bức tranh giả không bị giữ lại thì liệu sẽ tiếp tục gây nên những hậu họa nào cho mỹ thuật Việt Nam?

Không giấu nổi sự thất vọng, nhà điêu khắc Đào Hải Châu nói: Buồn thay nhiều người lại có thái độ bàng quan, thờ ơ đối với vụ việc này, có lẽ vì người ta cho rằng chuyện “không nguy hiểm đến mức chết người”. Nhưng nhìn nhận ở góc độ văn hóa thì đây là một vụ việc vô cùng nghiêm trọng. Và cũng không thể phủ nhận rằng đây chính là cơ hội để chúng ta cùng làm lại. Hãy nhìn câu chuyện từ góc nhìn của lòng tự trọng, danh dự của một nền văn hóa. Muộn còn hơn không. Giới nghệ sĩ tạo hình đang trông chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền cùng vào cuộc với trách nhiệm và sự quyết liệt nhất.

Đồng tình quan điểm này, họa sĩ Thành Chương cho rằng vụ việc 17 bức tranh giả, tranh mạo danh tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” không chỉ là một vụ việc về nạn tranh giả đơn thuần mà đã trở thành một vụ án kinh tế lớn, mang tầm quốc tế. Nếu chúng ta không nhân cơ hội này để giải quyết vấn nạn tranh giả đã tồn tại dai dẳng thì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền mỹ thuật Việt Nam. Ông Lương Xuân Đoàn chia sẻ đầy lo lắng khi nhấn mạnh rằng: “Nếu thực tế này không sớm giải quyết sẽ níu chân nghệ thuật đương đại Việt Nam chậm thêm vài thập kỷ nữa, dù tài năng trẻ không thiếu!”.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và triển lãm: Từ vụ việc này có hai vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cần phải tiến hành việc chế độ chính sách đối với việc thu thuế của các họa sĩ các nhà sưu tập những người tham gia trực tiếp vào quá trình mua bán tác phẩm. Hóa đơn mua, bán tác phẩm mỹ thuật không chỉ là việc chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế mà còn là bằng chứng minh bạch, công khai chứng minh giao dịch này sẽ diễn ra. Hóa đơn đó như giấy tờ gốc cho lịch sử tác phẩm đó... Việc thứ hai cần phải làm nhanh là thành lập ngay các trung tâm giám định và đấu giá mỹ thuật ở ba miền. Hiện nay chúng ta đã có 3 bảo tàng mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Những bảo tàng này nên có 3 trung tâm đấu giá và giám định mỹ thuật để minh bạch và công khai hóa các tác phẩm mỹ thuật mua bán giao dịch về mỹ thuật.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục