Phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Trong thành quả chung có sự đóng góp quan trọng của kiều bào

Ngày 21-11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đã khai mạc tại Hà Nội với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hơn 900 đại biểu kiều bào từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, 500 đại biểu trong nước đã về dự hội nghị.
Trong thành quả chung có sự đóng góp quan trọng của kiều bào

(SGGPO).- Ngày 21-11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đã khai mạc tại Hà Nội với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hơn 900 đại biểu kiều bào từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, 500 đại biểu trong nước đã về dự hội nghị.  

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ bà con kiều bào tại hội nghị.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ bà con kiều bào tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho biết đây là hội nghị đầu tiên có quy mô lớn, với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp kiều bào ở khắp bốn phương, cùng các cấp có thẩm quyền trong nước họp bàn về những vấn đề thiết thực xây dựng cộng đồng và phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng hy vọng kiều bào trở về nước sẽ “tận mắt chứng kiến” những đổi thay lớn lao của quê hương, hiểu biết sâu sắc hơn về những thuận lợi và khó khăn của đất nước, để củng cố niềm tin vào sự nghiệp xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và khi trở về nơi cư trú, sẽ đóng góp nhiều hơn nữa để “xây dựng một cộng đồng đoàn kết vững mạnh”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Ảnh: Minh Điền

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Ảnh: Minh Điền

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra trong hội nghị lần này là phát huy cao nhất tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện nhất quán quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc”. Đồng thời, tăng cường lòng tin và sự gắn bó của kiều bào đối với đất nước bằng những chính sách và cơ chế thông thoáng để bà con được thực hiện các quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với quê hương, đất nước…

Hiện có gần 4 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 101 nước và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 300.000 người có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, mỗi năm mới chỉ có trên 200 lượt trí thức kiều bào về nước tham gia giảng dạy, hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học…

Về đầu tư, số người về nước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tăng đáng kể hàng năm, nhưng đến nay mới có khoảng 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 2 tỷ USD, trong đó khoảng 2/3 dự án làm ăn có hiệu quả.

Nói chuyện thân mật với các đại biểu kiều bào, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết hơn 20 năm qua, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã đạt được những thắng lợi hết sức to lớn. Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2009 dự kiến đạt khoảng 5,2%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội tiếp tục ổn định. “Những thành tựu đạt được hôm nay một lần nữa đã minh chứng về bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những thành quả chung đó đều có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”.

Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chia sẻ, đất nước ta đang trong quá trình phát triển nên không tránh khỏi thách thức, khó khăn như chất lượng tăng trưởng chưa như kỳ vọng, cơ sở hạ tầng kém, tham nhũng và tiêu cực vẫn còn, năng lực quản lý ở mọi ngành còn hạn chế... Tất cả những vấn đề này đang từng bước được khắc phục để đất nước tiến bộ, văn minh hơn, đạt những thành quả tốt hơn. Do những hạn chế, khó khăn trong phát triển nên có những thông tin tiêu cực, thậm chí sai lệch bản chất, đã khiến bà con kiều bào, vốn chưa được tiếp cận thực tế, băn khoăn về tình hình trong nước.

Chủ tịch nước đề nghị, khi nghe những thông tin tiêu cực, bà con kiều bào không nên hốt hoảng: “Đây là quy luật muôn đời, con người luôn có hỉ nộ ái ố, cho nên phải luôn luôn vượt qua, mà quan trọng hơn phải vượt qua chính mình. Cái đó cực kỳ quyết định”. 

Quang cảnh buổi lễ khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Ảnh: Minh Điền

Quang cảnh buổi lễ khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Ảnh: Minh Điền


Các đại biểu kiều bào dự hội nghị.

Các đại biểu kiều bào dự hội nghị.

Để động viên và phát huy hơn nữa các nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị hội nghị lần này cần tập trung bàn sâu về 2 nội dung chính là: xây dựng cộng đồng và góp phần phát triển đất nước. Hội nghị sẽ tạo một diễn đàn rộng rãi để mọi người trao đổi ý kiến, là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan trong nước trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của kiều bào.

Qua đó, sẽ có cách nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn về cộng đồng, đánh giá chính xác hơn về các chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho việc hoạch định những chính sách trước mắt và lâu dài nhằm xây dựng cộng đồng ngày càng đoàn kết vững mạnh, có vị trí trong xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam và phát huy cao nhất mọi nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Bảo Minh


Khó khăn nào cũng vượt qua nếu vững niềm tin vào Tổ quốc

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên lề hội nghị, nhiều đại biểu kiều bào bày tỏ sự vui mừng trước sự đổi thay của đất nước. Một số đại biểu đã chia sẻ ý kiến đóng góp của mình với đất nước.
 
     GS-TSKH NGUYỄN ĐĂNG HƯNG (nhà khoa học, Việt kiều Bỉ):
     Tài nguyên vô giá là tình yêu nước nồng nàn

Để thu hút trí thức kiều bào về phục vụ đất nước, theo tôi cần tiếp tục có môi trường thực sự cởi mở hơn. Cần có biện pháp “tế nhị” và “trí thức” thì mới thu hút được nguồn chất xám cao cấp. Điều này đòi hỏi phải tạo dựng không khí thoải mái, thân thiện, dân chủ trong phát biểu, góp ý và đề xuất khoa học. Thứ hai là phải chú trọng chính sách đối với trí thức trong nước. Đó chính là tấm gương để trí thức kiều bào soi thấy và quyết định hành động của mình.

Chúng ta có một tài nguyên vô giá là một dân tộc với tình yêu nước nồng nàn. Tôi chưa thấy có dân tộc nào gắn bó với đất nước mình như vậy. Đây là một giá trị vĩnh cửu, nhưng chúng ta chưa khai thác hết được điều đó. Tôi mong mỏi Nhà nước bắt được những điểm nhạy này để khai thác đúng mức, tạo nên những tác động to lớn hơn, phù hợp với quyền lợi chung của toàn dân tộc.
 
     Bà DIANNE NGUYỄN
(doanh nhân, Việt kiều Mỹ):
     Chính sách cần nhất quán từ trên xuống dưới

Tôi sống ở Mỹ đã trên 30 năm, và từ nhiều năm nay đã trở về Việt Nam đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: công nghệ cao, đào tạo nghề, bất động sản… Từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, cơ chế chính sách đã thông thoáng hơn, thu hút được nhiều anh chị em Việt kiều, trong đó có tôi trở về quê hương.

Giờ đây, chúng tôi còn được đứng tên mua nhà ở Việt Nam, tạo được niềm tin rất lớn vào tương lai gắn bó lâu dài khi về nước đầu tư kinh doanh. Tất nhiên, tâm tư nguyện vọng của đa số bà con doanh nhân kiều bào là Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách cởi mở và nhất quán hơn nữa. Chính sách ở trên thì tốt rồi, nhưng khi thực hiện cụ thể thì gặp nhiều vấn đề nan giải.

Tại hội nghị này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu rất chân thành, tâm huyết. Chúng tôi rất vui mừng và mong rằng những quan điểm cần được thấm nhuần tới tất cả các cơ quan chức năng ở dưới, để thu hút kiều bào ngày càng có đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương.
 
     Ông HENRY R. LEONG
(doanh nhân, Việt kiều Mỹ):
     Sẽ thường xuyên về Việt Nam hơn 

Cả ngàn kiều bào về nước dự hội nghị lần này đều chung một niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam anh hùng và mong muốn đưa nước ta phát triển giàu mạnh hơn nữa. Trở về nước lần này tôi rất xúc động và có niềm tin vào đất nước, nên chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư về nước.

Cũng có nhiều bạn bè tôi đầu tư về Việt Nam, nhưng gặp thất bại, tôi sẽ thường xuyên về Việt Nam hơn để tìm hiểu lý do tại sao. Tôi nghĩ dù khó khăn nào thì cũng có thể vượt qua nếu chúng ta luôn giữ niềm tin về Tổ quốc. Sắp tới, chúng tôi sẽ cử người về lập văn phòng tại TPHCM để xúc tiến công việc làm ăn.

Dù ở Mỹ nhưng chúng tôi vẫn luôn hướng về Tổ quốc, luôn ý thức giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa cho các con tôi, như lời căn dặn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

HÀM YÊN ghi

Tin cùng chuyên mục