Xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia

Xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia

Việt Nam ngày càng có nhiều nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ngoại tệ từ xuất khẩu. Nông nghiệp Việt Nam đã thực sự vươn ra thế giới và trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và có nhiều mặt hàng khác đứng trong tốp đầu (hồ tiêu, điều, cà phê…). Nhưng một thực tế rất đáng suy nghĩ là những người đã làm ra nông sản xuất khẩu đạt những con số ngoạn mục đó vẫn cứ nghèo đói! Lẽ ra họ phải được tưởng thưởng xứng đáng hơn, tương xứng với công sức “cày sâu cuốc bẫm”.

Trong số hàng loạt nguyên nhân, không thể không đề cập đến việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Tôi muốn đề cập đến những gì nhìn từ cương lĩnh đến hành động thiết thực giúp phát triển kinh tế đất nước ở khía cạnh: xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, thậm chí - cao hơn nữa - xây dựng thương hiệu quốc gia bằng nông sản.

Xây dựng thương hiệu quốc gia bằng nông sản là việc cần làm ngay. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Xây dựng thương hiệu quốc gia bằng nông sản là việc cần làm ngay. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Phải xác định việc xây dựng thương hiệu nói chung và nông sản nói riêng là chiến lược mang tầm quốc gia. Nhà nông không thể đơn độc làm được mà Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và nông dân cần có tiếng nói chung, coi đây là khâu quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó ban hành các chính sách ưu đãi doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh - xuất khẩu nông sản, hỗ trợ tích cực DN thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Có quan điểm, chủ trương đường lối đúng chưa đủ. Điều quan trọng là ở việc thực hiện. Phải làm thế nào đó để không còn hình ảnh “trớ trêu” đã từng xảy ra trong một hội thảo bàn về giải pháp phát triển cây ăn trái Việt Nam, nhưng trên bàn hội thảo đó lại mời đại biểu ăn toàn trái cây nhập ngoại. Sơ suất đó cho dù nhỏ nhưng “hình ảnh” phản cảm của nó không nhỏ chút nào.

Thương hiệu nông sản chính là sự nhìn nhận đánh giá của người tiêu dùng, của thị trường về các sản phẩm nông nghiệp. Nếu thị trường (trong và ngoài nước) thừa nhận nông sản có chất lượng cao, ổn định về chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao gói thuận tiện, mẫu mã đẹp… thì nông sản đó sẽ được trả giá tương xứng, thậm chí cao hơn giá trị thật của nông sản ấy vốn có. Đó là giá trị do thương hiệu tạo ra nhưng chúng ta chưa làm được điều này so với nhiều nước trong khu vực.

Việt Nam có lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Chúng ta cũng đã tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Cũng đã có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây - con, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước nhưng vẫn còn “khoảng trống” trên đường đến vinh quang cho nông sản.

Ngay cả khi một số nông sản (gạo, hồ tiêu, điều, cà phê…) hiện đang đứng thứ hạng cao trong xuất khẩu thế giới, song rất cần xây dựng những thương hiệu rất riêng, trở thành đặc sản, chứ không chỉ là “kho gạo cứu đói” của thế giới. 

ThS TRẦN ĐÌNH LÝ
(Khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm TPHCM)

Tin cùng chuyên mục