Trong bất cứ một chế độ xã hội nào, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng đại diện cho trí tuệ đương thời, đi tiên phong, quyết định sự phát triển của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, do đặc điểm đất nước thường xuyên phải tiến hành chiến tranh, quân đội ta được ưu tiên xây dựng với lực lượng hùng hậu và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, bổ sung vào kho tàng lý luận nghệ thuật quân sự của dân tộc và thế giới. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều trí thức là sĩ quan quân đội đã chuyển ngành, trở thành những chuyên gia đầu ngành, giữ các cương vị chủ chốt trong hệ thống các trung tâm nghiên cứu và đào tạo của nước ta.
Tuy nhiên, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, tình hình chính trị thế giới có những thay đổi to lớn, tất cả tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến hoạt động xây dựng, huấn luyện chiến đấu và công tác của quân đội, trong đó có vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức. Số sĩ quan được cử đi học ở nước ngoài giảm dần (riêng lĩnh vực khoa học xã hội thì gần như giảm hẳn). Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, xây dựng phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ khoa học ít. Áp lực giảm biên chế làm ảnh hưởng đến việc tạo nguồn, xếp lớp cán bộ. Trong lúc đó trình độ của đội ngũ trí thức ở bên ngoài (dân sự) thì phát triển nhanh chóng do nguồn đào tạo được xã hội hóa, nhà nước, tập thể và nhân dân cùng làm. Tình hình đó dẫn đến sự sa sút, tụt hậu của đội ngũ trí thức trong quân đội so với mặt bằng trí thức chung ở trong nước, chưa kể so với nước ngoài.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cần có sự đánh giá chính xác thực trạng đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ sĩ quan là trí thức trong quân đội nói riêng; từ đó có phương hướng, giải pháp đầu tư xây dựng thích đáng, đặc biệt ở những lĩnh vực khoa học độc quyền của quân sự, những lĩnh vực khoa học đặc biệt của quốc gia do quân đội quản lý. Xây dựng, phát huy vai trò của trí thức trong Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là một giải pháp không thể thiếu để xây dựng và phát huy có hiệu quả, toàn diện đội ngũ trí thức Việt Nam, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại (chứ không phải từng bước hiện đại), duy trì vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc!
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh: Tạo chuyển biến trong công tác cán bộ nữ
Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, phụ nữ đang đứng trước nhiều cơ hội lớn cũng như những thách thức không nhỏ. Tôi rất nhất trí với các dự thảo văn kiện (Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, báo cáo chính trị), song rất mong muốn sau Đại hội lần thứ XI sẽ có thêm nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về công tác cán bộ nữ hơn nữa. Cán bộ nữ là bộ phận quan trọng trong đội ngũ cán bộ của Đảng. Việc xây dựng phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng của chiến lược công tác cán bộ nói chung của Đảng ta, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ và phong trào phụ nữ chưa thật sự nhiều. Đại hội lần này, tôi rất hy vọng sẽ đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ có tính chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Trong đó cần làm quyết liệt hơn một số khâu như: đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, sử dụng cán bộ, nhất là luân chuyển mạnh hơn nữa cán bộ nữ từ địa phương lên Trung ương, từ khối đảng, đoàn thể sang lĩnh vực quản lý nhà nước; đa dạng hóa các loại hình đào tạo để phụ nữ vẫn có thể vừa quán xuyến việc gia đình vừa nâng cao được trình độ, nghiên cứu.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo điều kiện cho chị em được học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, đặc biệt là trình độ về lý luận chính trị; cần nhìn nhận, đánh giá đúng khả năng của chị em, mạnh dạn, tin tưởng giao nhiệm vụ cho chị em, tạo điều kiện cho họ có cơ hội phấn đấu, thể hiện năng lực của mình.