Đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống - Sẽ có những thay đổi đột phá

Đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống - Sẽ có những thay đổi đột phá

Ngay sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI kết thúc, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với lãnh đạo một số tỉnh thành xung quanh những giải pháp đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre:
Nhân rộng điểm sáng nông thôn mới

Đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống - Sẽ có những thay đổi đột phá ảnh 1

Bến Tre là một tỉnh nghèo ở ĐBSCL nhưng người dân “Đồng khởi” không vui một khi có ai đó nói rằng xứ dừa nghèo quá, đường sá đi lại sao khó khăn quá...! Vì thế vào đầu những năm 2000, khi đồng chí Huỳnh Văn Be (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) đứng ra vận động một cuộc “Đồng khởi” mới - làm đường nhựa nông thôn - họ gật đầu ủng hộ ngay. Và chỉ sau 5 năm, toàn tỉnh đã có hơn 1.500km đường làng được thảm nhựa, tráng xi măng sạch bóng, hàng ngàn cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng thay thế cầu khỉ. Trong đó, có 1.000 cầu được làm bằng nguồn vốn xã hội hóa. Hơn 10 năm phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, vận động làm giao thông nông thôn, xóa cầu khỉ..., bộ mặt nông thôn của Bến Tre đã thay đổi đáng kể.

Sắp tới, Bến Tre sẽ thống nhất Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới vào làm một. Đây cũng là cách làm hợp lý, phù hợp với mục tiêu của phong trào xây dựng nông thôn mới bởi một trong những tiêu chí xã nông thôn mới là phải có từ 70% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa. Điều quan trọng nhất của việc xây dựng nông thôn mới là tạo ra những giá trị mới của nông thôn với những giá trị mới về kinh tế, văn hóa, tổ chức cộng đồng, thể chế sẽ được thay đổi theo hướng tích cực. Do đó, mỗi địa phương đều phải có nghị quyết gắn với kế hoạch rõ ràng, thực tế. Với quyết tâm của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân, khi các tiêu chí nông thôn mới đạt được như hoạch định thì 5 năm tới nông thôn Bến Tre sẽ có sự thay đổi mang tính đột phá.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình:
Tập trung phát triển kinh tế biển

Đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống - Sẽ có những thay đổi đột phá ảnh 2

Trong báo cáo chính trị, phần phương hướng đề ra có thể nói khá toàn diện. Tuy nhiên, về chiến lược phát triển kinh tế biển của Trung ương cũng cần phải xác định rõ là trong tương lai, thu nhập kinh tế biển chiếm 4% GDP vào năm 2020 sẽ thực hiện như thế nào. Nhất là đối với những tỉnh miền Trung có “mặt tiền” là biển như Quảng Bình. Ngoài việc đầu tư vùng trọng điểm phát triển kinh tế để tạo động lực, dồn trọng điểm thì còn để các vùng trọng điểm đó kích cầu phát triển các tỉnh xung quanh đó. Các tỉnh miền Trung có lợi thế là giáp biển, đây là những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế biển, đặc biệt là về phát triển các cảng biển. Đó là lợi thế, cho nên cũng không nhất thiết là vì miền Trung thường bị bão lụt mà lại không tập trung đầu tư cho vùng này cũng như để phát triển đời sống người dân nơi đây.

Miền Trung còn có một lợi thế là các vùng ven biển có các khu bãi cát lên đến vài chục ngàn hécta. Đây là mặt bằng rất lớn có thể phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục