Ra đời mới hơn 2 năm (tháng 8-2008) nhưng Nghị quyết Trung ương 26, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo được sức bật mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Tại ĐBSCL, quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống đã nhận được sự hưởng ứng từ nhiều giới, với quyết tâm xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp.
- Nông thôn mới
Tháng 8-2010, sau thời gian tập trung xây dựng thí điểm, tỉnh Hậu Giang đã công bố 3 xã đầu tiên ở ĐBSCL gồm: Vị Thanh (huyện Vị Thủy), Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) và Tân Tiến (TP Vị Thanh) “về đích” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với thành tích đạt 13/19 tiêu chí. Ngay sau đó, “làn sóng” NTM đã lan tỏa nhanh. Đảng bộ, chính quyền và người dân nhiều nơi nhiệt liệt hưởng ứng. Hầu hết Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ ở các tỉnh ĐBSCL nhiệm kỳ 2010-2015 đều xác định xây dựng NTM là chương trình trọng tâm với lộ trình, bước đi thích hợp.
Tại An Giang, một trong 5 tỉnh được Trung ương chọn xây dựng NTM toàn diện đã thành lập “đội đặc nhiệm NTM”, quán triệt chủ trương đến từng xã và từng người dân, xây dựng quy chế thi đua, khen thưởng để kích thích nông dân nỗ lực xây dựng NTM. Về xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay trên quê hương Bác Tôn: Việc nông dân thu nhập 100 triệu đồng/năm không còn hiếm. Toàn xã đã thực hiện 21 công trình xây dựng cơ bản, trị giá trên 18 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1 tỷ đồng. Những công trình này tạo điều kiện phát triển mọi mặt đời sống nhân dân.
Huyện Phước Long của Bạc Liêu (một trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng NTM) đã phát huy được tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất (mặn và ngọt). Đến nay, kinh tế huyện phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt 15% - 16%; thu nhập bình quân 15,5 triệu đồng/người/năm, gấp 2,5 lần so với năm 2005. Huyện tạo được bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất kết hợp bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Các công trình ở ấp, xã đều được xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, đường ở tất cả các ấp, xã trong huyện đều được bê tông hóa, người dân có thể dễ dàng đi lại trong cả hai mùa mưa nắng.
Thành công trong quá trình xây dựng NTM ở các nơi thí điểm vừa qua không phải dựa trên những gì có sẵn. Đó là những địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế- xã hội cực kỳ khó khăn. Ví dụ, nơi “đầu sóng ngọn gió” như cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh đang tiến lên NTM từng ngày. Sản phẩm thủy sản sạch, lúa hữu cơ sinh học… đang là tiền đề để người dân Long Hòa xây dựng NTM. Nơi cuối cùng của mảnh đất cù lao này là ấp Hai Thủ đang phục hồi hệ sinh thái rừng và tôm cá kéo về vô kể. Người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng, được khai thác nguồn lợi dưới tán rừng đều đổi đời, cuộc sống ấm no hơn.
- Đột phá từ giao thông
Với ĐBSCL, vùng kênh rạch chằng chịt, việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. 10 năm qua, thực hiện phong trào nhựa hóa, bê tông hóa cầu, đường nông thôn, đến nay Bến Tre đã hoàn thành 2.489km đường nông thôn và xây dựng 2.603 cầu, với tổng kinh phí 1.291 tỷ đồng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Bến Tre.
Bên cạnh nỗ lực to lớn đó, qua vận động hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, Hội khoa học cầu đường tỉnh đã xây dựng 1.000 cầu, 115km đường nông thôn với tổng đầu tư 93,5 tỷ đồng; góp phần xóa 949 cầu khỉ, cầu tạm, cầu xuống cấp và 42 bến đò ngang, phục vụ nhu cầu đi lại cho hơn 235.000 hộ dân ở các vùng dự án, với khoảng 900.000 người hưởng lợi.
Ông Nguyễn Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: “Thành quả này quan trọng nhất là sự nhiệt tình ủng hộ của người dân và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh. Câu nói nằm lòng của người Bến Tre bây giờ là “xe đạp tới nhà - Honda tới ngõ”, thay thế cho hình ảnh chiếc xuồng và con đò cũ kỹ năm xưa”.
Tại Cà Mau, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: “Từ tháng 9-2009, Tỉnh ủy Cà Mau triển khai đề án xây 1.588 cây cầu bê tông ở các vùng nông thôn. Đến tháng 12-2010, đề án đã hoàn thành. Việc hoàn thành đề án “Nhịp cầu mơ ước” như chuyện thần kỳ của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau”.
Theo dự toán ban đầu, để xây dựng 1.588 cầu GTNT, tỉnh cần số tiền khoảng 450 tỷ đồng trong đó sức dân đóng góp hơn 120 tỷ đồng bằng ngày công lao động, vật tư, vật liệu tại chỗ. Khi công bố kết thúc đề án, vẫn có trên 150 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng góp 217 tỷ đồng. Mỗi cầu có chiều ngang 2,2 m, đảm bảo chất lượng sử dụng 20 năm
TRẦN MINH TRƯỜNG
| |