Kiến nghị một số giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế

Nguyễn Văn Đua
Kiến nghị một số giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế

(Tham luận của đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ XI của Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, trình bày)

Đồng chí Nguyễn Văn Đua

Đồng chí Nguyễn Văn Đua

Trước tiên, đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự nhất trí cao với những nội dung cơ bản trong các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI của Đảng. Các văn kiện trình đại hội đã thể hiện rõ nét tính tổng kết, kế thừa sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta đã đề xướng và lãnh đạo tổ chức thực hiện trong 25 năm qua và tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan điểm, các quyết sách nhằm đổi mới toàn diện, mạnh mẽ sự nghiệp xây dựng đất nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, trong 20 năm (1991 đến 2010) thực hiện chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, kinh tế trên địa bàn TPHCM tăng trưởng bình quân 10,5%/năm và là một trong số ít đô thị lớn trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số trong suốt 2 thập niên; đưa quy mô kinh tế trên địa bàn tăng gấp 8 lần (tính theo giá so sánh năm 1994); GDP bình quân đầu người tăng gần 6 lần trong điều kiện dân số tăng thêm trên 3 triệu người.

Trong 5 năm qua, tuy nền kinh tế nước ta phải mất gần 3 năm ứng phó với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, kinh tế trên địa bàn thành phố tăng trưởng bình quân 11%/năm, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội 5 năm 2006 - 2010, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng quốc gia có thu nhập thấp và đứng trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) trung bình của thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn của một đô thị có quy mô lớn trong quá trình phát triển như sự quá tải ngày càng nghiêm trọng của kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; sự gia tăng nhanh chóng dân số cơ học..., TPHCM đang đứng trước những vấn đề kinh tế chung của cả nước, đó là tình trạng kéo dài sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa theo chiều rộng; sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chậm; hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao; tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao là thế mạnh của thành phố nhưng còn thấp, sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn khá yếu so với khu vực và quốc tế; đó là sự lúng túng và phần nào bất cập trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế trên địa bàn, nhất là kinh tế đô thị; trong đó có những hạn chế do chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian qua chưa có tác động tích cực đến sự thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng cạnh tranh, nhất là các chính sách định hướng cho doanh nghiệp chuyển từ gia công sang sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí, nhựa - cao su - plastic, điện tử - viễn thông và hóa chất phục vụ cho tất cả các ngành sản xuất của nền kinh tế quốc dân. Do đó, chúng tôi rất đồng tình và đề nghị cần phải có chính sách và giải pháp mạnh mẽ, có hiệu quả để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế “thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp gắn với các vùng “kinh tế” đề ra trong dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020”. Liên quan đến nội dung này, trong các văn kiện trình Đại hội XI đã đề cập đến nhiều chính sách và giải pháp, nhất là 3 đột phá chiến lược về sự hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với những chính sách và giải pháp đó. Từ thực tiễn hoạt động kinh tế trên địa bàn TPHCM, xin báo cáo đề xuất 5 nhóm chính sách và giải pháp cần tập trung, cụ thể sau đây :

1. Đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ quy hoạch, kế hoạch phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường

Đổi mới công tác kế hoạch nhằm xác định rõ những nội dung kinh tế - xã hội mà mỗi cấp chính quyền cần hoạch định; đồng thời tính toán sự cân đối các nguồn lực tương ứng với các mục tiêu đã xác định, nhằm định hướng cho thị trường phát triển. Đổi mới công tác quy hoạch và kế hoạch thực chất là xác định lại vai trò của Nhà nước trong suốt quá trình dẫn dắt thị trường phát triển theo mục tiêu của mình. Do đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng của công tác quy hoạch, kế hoạch là dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển nền kinh tế đất nước, nhằm định hướng hoạt động cho doanh nghiệp. Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung vào các chỉ tiêu phát triển bền vững như các chỉ tiêu về an sinh xã hội, môi trường…, vì các chỉ tiêu về kinh tế, xét cho cùng chỉ là phương tiện, chính các chỉ tiêu về an sinh - xã hội mới là mục tiêu của phát triển. Đề nghị sớm xây dựng đạo luật về kế hoạch hóa trong đó xác định rõ nội dung: làm gì, làm cách nào, vào lúc nào và ai làm đối với từng cấp chính quyền có đặc điểm khác nhau (chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn…).

Trong chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước sử dụng các chính sách, biện pháp và công cụ để tác động phát triển thị trường theo đúng định hướng; chính thị trường sẽ tác động đến định hướng đầu tư của doanh nghiệp (trên cơ sở quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh), Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Nhà nước xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc thực thi pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Sử dụng hiệu quả công cụ chính sách kinh tế - tài chính để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới các chính sách kinh tế - tài chính, đặc biệt là chính sách về tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư công, cung ứng dịch vụ công… nhằm khuyến khích có điều kiện, để thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và hình thành những “cụm liên kết sản xuất”, nhằm chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất. Kinh nghiệm của nhiều nước thành công trong việc chuyển nền kinh tế từ giai đoạn gia công sang giai đoạn sản xuất là sử dụng linh hoạt và hiệu quả chính sách thuế để định hướng đầu tư cho doanh nghiệp. Trong những năm qua, thành phố đã có một số kinh nghiệm về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch hướng đầu tư kinh doanh, đầu tư vào kết cấu hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường thông qua các chính sách sử dụng đất, hỗ trợ tín dụng… có hiệu quả, nhưng vẫn còn hạn chế chính sách chung ở tầm vĩ mô. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định liên quan đến mô hình công - tư đối tác (PPP) là rất cần thiết, nhưng cần được xem xét ở khung pháp lý cao hơn vì có liên quan đến chính sách thuế và đất đai.

3. Sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của kinh tế thị trường

Mô hình kinh tế thị trường luôn luôn tồn tại những khuyết tật cố hữu, gắn liền với bản chất của nó mà chúng ta thường gọi là mặt trái của thị trường. Năng lực quản trị hiệu quả của Nhà nước thể hiện ở khả năng sử dụng các công cụ để hạn chế những hệ quả tiêu cực do các “khuyết tật” đó gây ra. Sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước chính là sự can thiệp vào thị trường bằng sức mạnh vật chất của Nhà nước. Do đó, vấn đề tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty chính là “tái cấu trúc” lực lượng này để làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường, cung cấp tốt hơn các loại “hàng hóa và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, có nhiều lãnh vực cần sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế Nhà nước như cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng; các ngành kinh tế có hiệu quả sinh lời thấp, nhưng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư cho thị trường bất động sản sơ cấp, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ cao… Nhà nước cần thể hiện quyết tâm chính trị trong chính sách quản lý, đầu tư phát triển, chứ không phải để mặc doanh nghiệp Nhà nước cân nhắc hiệu quả tài chính đơn thuần.

4. Chuyển cơ cấu kinh tế địa phương sang cơ cấu kinh tế vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cả nước

Trong giai đoạn tồn tại nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhiều tỉnh đã từng được mở rộng về quy mô diện tích để xây dựng thành những nền kinh tế có cơ cấu hoàn chỉnh (công - nông nghiệp), nhưng khi chuyển qua nền kinh tế thị trường, tư duy cơ cấu kinh tế vẫn chưa thật sự đổi mới, dù một số tỉnh đã được chia thành các tỉnh nhỏ hơn. Trong khi, chúng ta chủ trương xây dựng các vùng kinh tế, đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền, nhưng trên thực tế vẫn chưa có chính sách và cơ chế vận hành để thúc đẩy phát triển sự phát triển kinh tế vùng. Tình trạng trên dẫn đến sự phân tán nguồn lực quốc gia; đầu tư công và cả đầu tư tư nhân cũng bị dàn trải; các vùng kinh tế trọng điểm vẫn chưa có được sức mạnh của liên kết vùng. Khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần nhìn ở quy mô nền kinh tế quốc gia và tiềm năng các vùng kinh tế để có sự liên kết về chức năng kinh tế của chính quyền địa phương.

TPHCM với vị trí địa lý và quá trình phát triển trong lịch sử có mối quan hệ kinh tế mật thiết với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên và trong phạm vi hẹp hơn, thành phố đã và đang có vai trò, vị trí “hạt nhân” trong mối quan hệ “mang tính cơ cấu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nếu có chính sách thúc đẩy và cơ chế điều hành phù hợp trong quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, phân bổ lực lượng sản xuất… sẽ nâng cao được chất lượng tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời tạo động lực cho sự phát triển của cả miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

5. Đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và đặc biệt là quản lý đô thị đối với các đô thị trong hệ thống tổ chức chính quyền địa phương các cấp của nước ta, cần nghiên cứu, sớm kết luận đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng: nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ như: tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đối với công việc được giao; không trùng lắp nhiệm vụ do Trung ương thực hiện với nhiệm vụ được giao cho địa phương thực hiện và công việc giữa các cấp của chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau..., nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong chỉ đạo, điều hành. Khi đã tạo sự chủ động cho chính quyền cấp dưới thì có làm giảm đi vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền cấp trên hay không? Không phải như vậy mà nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền cấp trên là ban hành các quy định và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của cấp dưới. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa mô hình phân cấp hiện hành với mô hình tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương. Việc phân cấp quản lý cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đơn nhất, nhưng đề cao tính tự chủ của chính quyền địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực phát triển tinh thần thi đua của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị. Để thích ứng với đặc điểm của cơ chế thị trường và mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách và cung cấp đô thị của chính quyền các đô thị. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan tổ chức chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chính quyền đô thị theo hướng làm rõ mô hình tổ chức bộ máy chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo đã được đề ra từ Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Đoàn đại biểu Đảng bộ TPHCM có niềm tin sâu sắc rằng: Đại hội XI của Đảng sẽ quyết định những quyết sách quan trọng, đúng đắn, từ đó mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của đất nước. Với sự quyết tâm thực hiện khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đưa nền kinh tế nước ta có bước phát triển về chất trong 10 năm tới để đạt được mục tiêu đề ra là: đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thay mặt đoàn đại biểu Đảng bộ TPHCM, tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí đại biểu nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thắng lợi, chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục