12 ngày đêm ấy…

Trước đợt ném bom của Mỹ bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 dẫn đến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, các báo và đài phát thanh ở miền Bắc liên tục báo tin về thái độ lật lọng của Mỹ trên bàn đàm phán. Bằng ý thức chính trị nhạy bén lúc đó, người dân Hà Nội đã nhận thấy sắp có một sự kiện hết sức nghiêm trọng xảy ra. Tôi vội vàng nghĩ đến việc đưa đứa con ba tuổi của mình, mới mang về Hà Nội chữa bệnh, trở lại nơi sơ tán thì B52 ném bom Hà Nội!
12 ngày đêm ấy…

Trước đợt ném bom của Mỹ bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 dẫn đến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, các báo và đài phát thanh ở miền Bắc liên tục báo tin về thái độ lật lọng của Mỹ trên bàn đàm phán. Bằng ý thức chính trị nhạy bén lúc đó, người dân Hà Nội đã nhận thấy sắp có một sự kiện hết sức nghiêm trọng xảy ra. Tôi vội vàng nghĩ đến việc đưa đứa con ba tuổi của mình, mới mang về Hà Nội chữa bệnh, trở lại nơi sơ tán thì B52 ném bom Hà Nội!

Chiếc Mig 21 do phi công anh hùng Phạm Tuân điều khiển bắn rơi B52.

Chiếc Mig 21 do phi công anh hùng Phạm Tuân điều khiển bắn rơi B52.

Đêm đó, còi báo động rú lên nghe cũng rất lạ, và tiếng cô phát thanh viên xướng lên “đồng bào chú ý…” nghe cũng khác thường. Tôi vội bế con ra chiếc hầm cá nhân trước nhà, nhảy xuống nấp, chứ mọi khi chưa nghe bom rơi gần, tôi cũng chưa xuống hầm theo thói quen của một anh làm báo hay quan sát… Tôi nhớ rất rõ đêm đó trời có trăng. Bởi vì ở những thành phố lớn, ít người để ý đến những đêm trăng. Tôi cũng vậy. Nhưng đêm đó, khi thành phố tắt hết đèn thì trăng hiện ra.

Trời rét. Trăng sáng mờ mờ. Từ dưới hầm nhìn lên, tôi thấy trăng và thấy tường nhà của dãy phố như cao hơn, dựng đứng giữa đêm trăng lành lạnh. Trong cái im lìm của một thành phố đang chờ giặc tới, bỗng tôi nghe từ xa vọng lại âm âm tiếng máy bay. Tiếng này khác với tiếng rít như lửa táp của loại máy bay phản lực. Tiếng ù ù như tiếng xay lúa, nặng trịch, như có một cỗ máy gì rất lớn đang từ từ sấn tới. Không, không phải vậy. Lúc đó tôi có một cảm giác rất rõ, in đậm trong trí nhớ đến tận bây giờ: tôi thấy mình như một nhân vật trong phim Thời hồng hoang, đang ẩn nấp trước một con quái vật sắp nhào tới ăn thịt mình!

Vâng, đúng như vậy, tôi nghe từng tiếng bước chân của nó đang đi tới trên không, tiếng hàm răng nó ăn thịt người rào rào, ăn thịt cả những đứa trẻ con như con tôi đang ôm trong lòng. Cái cảm giác của con người sống giữa thời buổi phố phường văn minh đông đúc mà phải chứng kiến một cảnh của thuở hồng hoang… là cảm giác mãi mãi đọng lại trong tôi đêm đó… Nhưng trong đêm đó, một số B52 bị bắn cháy, một số phi công Mỹ rơi xuống đất bị bắt sống… mọi người đều được nghe, được nhìn tận mắt.

Lúc đó, tôi đang phụ trách ban Miền Bắc của báo Thống nhất ra hàng tuần. Tôi phải phân công anh chị em trong ban chọn điểm, chọn đề tài… đi viết bài sao cho có hiệu quả nhất của một tờ tuần báo. May sao, anh chị em trong ban cũng đều như tôi, có chị nữ phóng viên chọn ngay vùng ga Đông Anh là nơi từ ngày đầu, B52 đánh phá dữ dội và liên tiếp những ngày sau nữa… Tôi ủng hộ chị, nhưng lòng lo lắng vì chồng chị đi B, con chị cũng nhỏ dại như con tôi…

Người khác chọn Khâm Thiên, người chọn Bạch Mai… những điểm bị B52 đánh ác liệt và sau này có những tấm gương dũng cảm, những câu chuyện hết sức xúc động mà mọi người đọc báo đều biết. Còn tôi, lên Ngọc Hà viết một bài ký hơi nặng về tùy bút, tựa là Đất hoa vừa dùng những chi tiết hết sức thời sự vừa có tính lắng đọng suy nghĩ của một bài báo tuần. Tôi muốn làm bật lên sự tàn ác của nhà cầm quyền Mỹ lúc đó, sự bình tĩnh và quyết thắng của người dân Hà Nội…

Xin nhắc lại cho rõ là lúc đó chúng tôi lao vào bom đạn của B52, nhìn cả dãy phố sập đổ, nhìn đồng bào tử nạn la liệt trước mắt mình mà không hề có một ý nào lo sợ. Chỉ có căm thù. Không có sợ hãi, không có quẫn trí. Mọi người ai vào việc nấy, chôn người chết, cấp cứu người còn sống, đánh trả quân thù… Không có không khí hoảng loạn, lo sợ. Chỉ có căm thù và quyết thắng. Vâng, đúng như thế, cả Hà Nội không ai sợ B52, chỉ có căm thù và quyết thắng! Tôi muốn nói rõ điều đó cho những người đang trong cuộc, cho cả những người ở ngoài cuộc đang lo lắng cho Việt Nam, và cho cả thế hệ mai sau, con cháu của chúng tôi.

Từng ngày, từng đêm của 12 ngày đêm ấy lần lượt trôi qua, với những khu phố sập đổ tan tành, với hàng ngàn người chết và với B52 tan xác rực sáng trên bầu trời Hà Nội. Càng đánh, chúng tôi càng nhận ra: chiến thắng đang đến gần, “hòa bình đang ở trong tầm tay”. Sau này, nhớ lại lời Bác Hồ nhắc tướng lĩnh Việt Nam khi Mỹ mới ném bom miền Bắc, đại ý là chúng sẽ dùng B52 đánh Hà Nội “rồi có thua chúng mới chịu thua”, ta mới thấy việc chuẩn bị đánh thắng B52 ném bom Hà Nội đã được lo liệu từ năm, bảy năm trước… theo sự “tiên tri” của Bác Hồ.

Cho nên gần hết 12 ngày đêm đó, khi báo Nhân dân chạy tít lớn ở trang nhất về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” thì người Hà Nội vừa chôn xác người thân của mình bị giết vừa nghĩ: Ta đã thắng!

Trần Thanh Giao

40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”: Bắn B52 bằng mắt thường!

Cách nay đúng 40 năm, nhà văn Lê Thành Chơn khi đó là sĩ quan dẫn đường (hoa tiêu), công tác tại Sở Chỉ huy Binh chủng Không quân. Chính tại đây, ông đã cùng đồng đội trực tiếp tham dự cuộc chiến phòng thủ bầu trời Hà Nội trước các cuộc tấn công của máy bay B52 trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng, Báo SGGP đã phỏng vấn ông về những kỷ niệm của một thời lịch sử hào hùng đó.

° Phóng viên: Ông có thể cho biết tâm trạng của mình cũng như đồng đội trước khi bước vào trận đánh?

°  Nhà văn LÊ THÀNH CHƠN: Rất căng thẳng, có phần nào đó lo lắng. Câu hỏi lớn nhất “Làm cách nào bắn rơi tại chỗ B52 đây?”. Nên nhớ trước đó, dù bị bắn trúng thì B52 đều có thể lết về các sân bay hoặc ra biển, qua Lào… chưa có chiếc nào rơi tại chỗ. Chính vì thế, quân đội Mỹ khi đó đã tự tin tuyên bố “Nếu Bắc Việt bắn rơi 1 chiếc B52 và có bằng chứng thì chiến thắng đó ngang với việc bắn chìm tàu chiến Mỹ”. Về phía ta, thông tin xấu liên tiếp dội đến, Mỹ lấy được 1 Mig21 từ Ai Cập, nhờ đó họ nắm được hết thông số kỹ thuật của loại máy bay này và đề ra các biện pháp gây nhiễu cụ thể. Và thực tế đúng như họ nói, trong trận đầu tiên ngày 17-12-1972, khi dẫn phi công Đinh Tôn tiếp cận đội hình B52, bật radar máy bay thì chỉ có màn hình trắng xóa, không thể nào nhắm mục tiêu, Tôn đành phải bỏ, quay lại.

° Vậy chúng ta làm sao để khắc phục?

° Đã có rất nhiều bài viết, thông tin về các vấn đề này, đặc biệt bên phòng không, tên lửa. Ở đây tôi chỉ xin nhắc đến những chi tiết còn ít được nhắc đến ở phía không quân. Trong giai đoạn đầu, không quân không cách nào bắt được mục tiêu nên không phát huy hiệu quả trực tiếp. Tuy nhiên, chúng ta phát hiện vấn đề cứ hễ Mig lên thì các máy bay chiến đấu yểm trợ sẽ bỏ B52 để quay sang tấn công. Các máy bay này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nhiễu, việc chúng rời xa B52 khiến nhiễu của B52 giảm rõ rệt, tạo điều kiện cho tên lửa tấn công, chúng tôi gọi đó là “bóc nhiễu”.

Không chấp nhận vai trò thụ động đó trong chiến đấu, quân chủng đã kêu gọi sự đóng góp ý kiến của tập thể cán bộ chiến sĩ. Một trong những ý kiến quan trọng nhất là đề xuất bỏ tư duy “phải bắt được bằng radar mới đánh được”, radar không được thì dùng mắt thường! Theo yêu cầu của không quân, bên quân báo tiến hành hỏi cung các phi công Mỹ bị bắt để nắm sơ đồ bố trí đèn hiệu trên B52, đến nay tôi vẫn còn nhớ là cánh trái đèn đỏ, phải xanh, đuôi vàng và 7 đèn trắng trên lưng. Thế là mặt đất dẫn đường bằng mắt, phi công phát hiện B52 bằng mắt, trên Mig có sẵn hệ thống nhắm quang học, có thể nhắm bắn tên lửa cũng bằng mắt thường. Đến đây lại nảy sinh vấn đề là dùng mắt thì không thể đo khoảng cách mà tên lửa thì có giới hạn về tầm. Thế là lại có sáng kiến của bên radar là dùng các radar vòng ngoài ít bị nhiễu để xác định khoảng cách, sai số trên dưới 100m, vừa đủ chính xác cho tên lửa. Và thế là đêm 27-12, Phạm Tuân cất cánh và bắn rơi tại chỗ 1 B52!

°Có nhiều ý kiến cho rằng sau 12 ngày đêm, Việt Nam đã kiệt sức, nếu Mỹ ráng đánh thêm có lẽ cục diện đã khác. Là người trực tiếp tham chiến, ông nhận xét gì về ý kiến này?

° Lịch sử không có chữ nếu, thực tế người Mỹ đã kiệt sức, buộc phải chấp nhận thất bại. Có điều, sau này tôi có dịp tiếp xúc nhiều với các phi công, sĩ quan không quân Mỹ, tôi mới hiểu thêm vì sao người Mỹ buộc phải kết thúc chiến dịch. Chúng ta thường quen tính số rơi, trong khi đó máy bay, nhất là loại hiện đại như B52, thì không phải cứ thích thì vác ra đánh. Rất nhiều máy bay tuy không bị bắn rơi nhưng lại bị hư hỏng, trúng đạn, sự cố… chỉ cần có một vết thủng phải đưa vào sửa chữa, không thể tác chiến. Trừ khi người Mỹ tính đưa hết B52 của họ trên thế giới đến đánh còn không thì đúng là sau 12 ngày đêm, họ buộc phải dừng.

Nhưng nói về kiệt sức, chính chúng ta cũng vô cùng mệt mỏi, tôi còn nhớ ngay sau khi nghe tin chấm dứt chiến dịch, ngoài lực lượng trực chiến còn lại tất cả từ chỉ huy cao nhất đến anh em chiến sĩ đều lăn ra ngủ. 12 ngày đêm chúng tôi hầu như thức trắng.

°40 năm sau chiến thắng, theo ông bài học kinh nghiệm lớn nhất mà “Điện Biên Phủ trên không” để lại là gì?

° Lòng quyết tâm, như tôi nói ở trên, lúc đó khó khăn chồng chất, phương tiện ta thua xa địch, trình độ cũng không thể so sánh. Thế nhưng, với nỗ lực tột độ, óc sáng tạo tuyệt vời, chúng ta đã dùng đủ mọi cách từ thô sơ đến hiện đại để đánh bại kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới. Hiểu được bài học từ “Điện Biên Phủ trên không” chúng ta sẽ có đủ tự tin, đủ quyết tâm để đối phó với mọi kẻ địch

Tường Vy (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục