17 tuổi còn là trẻ em?

Trong những ngày qua, có một vấn đề được quan tâm tranh luận sôi nổi từ diễn đàn kỳ họp Quốc hội ra đến các cuộc bàn luận của người dân, đó là có nên quy định nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi hay không.

Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đề xuất quy định tuổi của trẻ em là dưới 18 tuổi nhằm phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, và cũng để phù hợp với việc người chưa đủ 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và thể chất. Đưa độ tuổi 16 đến chưa tròn 18 vào độ tuổi trẻ em sẽ giúp người ở độ tuổi này được quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt hơn. Lập luận như vậy là xác đáng, vì phải tuân thủ Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà nước ta đã phê chuẩn, theo đó, trẻ em được định nghĩa là người dưới 18 tuổi. Khi đưa vào diện trẻ em, sẽ góp phần tạo điều kiện để các thiếu niên từ 16 đến chưa tròn 18 tuổi được phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần, chín chắn về tri thức và nhân cách.

Song, quan điểm đó không dễ thuyết phục được, có nhiều ý kiến không đồng tình vì nhận thấy nếu quy định độ tuổi từ 16 đến chưa tròn 18 vẫn là trẻ em sẽ không sát hợp với tâm sinh lý độ tuổi và thực tế đời sống xã hội ở nước ta. Và chắc chắn cũng không có ai ở độ tuổi từ 16 đến chưa tròn 18 còn muốn được pháp luật, xã hội và gia đình xem mình là trẻ em cả.

Được chăm sóc, giáo dục tốt hơn các thế hệ trước, lớn lên trong thời công nghệ thông tin, nên độ tuổi dậy thì đến sớm hơn, phát triển thể chất và trí tuệ sớm hơn; đồng thời cũng phát sinh nhiều vấn đề bất ổn về nhân cách và dục vọng do những quyến rũ của xã hội tiêu dùng và thông tin giải trí không lành mạnh. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định kéo dài độ tuổi trẻ em đến dưới 18 là khiên cưỡng, đi ngược lại xu hướng thực tế.

Thực trạng thiếu niên phạm pháp liên tục tăng đã khiến dư luận rất lo ngại. Trước đây, người phạm pháp độ tuổi 16 - 17 chỉ tập trung vào các hành vi trộm cắp, giật giọc, gây rối trật tự công cộng, cố ý đánh người gây thương tích... Nhưng những năm gần đây, có không ít người độ tuổi này gây trọng án cướp của, buôn bán ma túy, hiếp dâm, giết người, thậm chí giết nhiều người. Còn nhớ sau vụ Lê Văn Luyện sát hại dã man nhiều người trong một gia đình ở Bắc Giang để cướp tài sản nhưng vẫn được pháp luật xử nương tay vì gây án khi chưa tròn 18 tuổi, khiến dư luận đã rất bức xúc, đề nghị sửa đổi Luật Hình sự theo hướng nghiêm trị tội phạm vị thành niên gây trọng án, để tránh tình trạng các băng nhóm tội phạm dùng người vị thành niên trực tiếp gây án, lợi dụng tính nhân đạo của luật pháp đối với người vị thành niên. Do đó, việc quy định kéo dài độ tuổi trẻ em đến dưới 18, kéo theo việc giảm mức chế tài đối với người phạm pháp độ tuổi 16 - 17, khiến dư luận lo ngại tình hình thiếu niên phạm pháp sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Nếu quy định kéo dài độ tuổi trẻ em đến dưới 18, số trẻ em ở nước ta sẽ lên đến 30 triệu. Trong khi đó, số lượng cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn như cũ, khả năng ngân sách cho công tác này cũng không thể đột biến tăng vọt được. Do vậy, lập luận rằng khi đưa vào diện trẻ em, sẽ góp phần tạo điều kiện để các thiếu niên từ 16 đến chưa tròn 18 tuổi được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn là không khả thi.

Như vậy, chỉ còn một nguyên do thuyết phục cho việc đề xuất quy định tăng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi là nhằm phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Nhưng xem lại toàn văn Công ước quốc tế về quyền trẻ em, có thể thấy quy định có độ mở. Điều 1 của Công ước đưa ra định nghĩa “Trẻ em là ai?” như sau: “Trong phạm vi của công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Do đó, khi xây dựng luật pháp về quyền trẻ em, rất cần định nghĩa sát hợp thực tế về độ tuổi trẻ em, căn cứ sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam, chứ không thể áp đặt, gượng ép. Để bảo đảm tính khoa học, cần có điều tra khảo sát về xã hội, y tế, tâm lý..., không thể duy ý chí khi đưa ra đề xuất quy định tăng độ tuổi trẻ em.

Ở nước ta, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18, và quy định riêng những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể. Khái niệm người chưa thành niên khác với khái niệm trẻ em, do vậy, sau khi tranh luận rất sôi nổi, nên trở lại từ gốc của vấn đề: Có nhất thiết phải sửa Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 về quy định “trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”?

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục