200 bức ảnh chiến trường và 40 kỷ vật

200 bức ảnh chiến trường và 40 kỷ vật

Ông Dương Thanh Phong nguyên là phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn xã Giải phóng – Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Vào nghề khi chưa tròn 20 tuổi, 15 năm lăn lộn trên mặt trận đất thép Củ Chi để có những tấm hình tư liệu, ông đã có những kỷ niệm sống chết và khi nhớ lại còn cảm thấy cuộc chiến đấu ác liệt chưa xa.

200 bức ảnh chiến trường và 40 kỷ vật ảnh 1

Ông Dương Thanh Phong

Mỗi lúc xem lại những tấm Tiêu diệt xe bọc thép Mỹ (1966) ông nhớ lại kỷ niệm: “Lúc đứng chụp xác máy bay vừa bị bắn rơi, một đồng chí chiến sĩ lôi tuột tôi xuống hào. Một lúc, ngóc lên nhìn thì gốc cây to nơi tôi vừa dựa vào bị đánh sạt ngang gốc. Một mảnh bom dài còn rớt lại gần đó”. Không ít bạn bè ông là liệt sĩ – phóng viên.

Em trai ông, liệt sĩ Dương Thanh Vân vốn là phóng viên quay phim, có tên trong sách Lịch sử Điện ảnh cách mạng Nam bộ 1945 - 1975. Những bức ảnh mà ông có thể gọi là những kỷ niệm gắn chặt tính mạng, máu thịt trong một thời gian như thế. Ảnh của ông được nhiều giải huy chương vàng, huy chương bạc trong nước và giải thưởng quốc tế.

Và bây giờ 200 bức ảnh chiến trường miền Nam Việt Nam cùng 40 hiện vật thời chiến được tặng lại cho bộ kỷ vật kháng chiến của Bảo tàng TPHCM. Trong suy nghĩ của ông, đóng góp xây dựng bảo tàng là niềm vui vì ông từng gắn bó ở đó hàng chục năm (ông vốn là Phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng).

Ông Phong tâm sự: “Tôi không nghĩ tới vinh dự khi tặng hiện vật cho bảo tàng, khi được khen thưởng. Chỉ nghĩ là có thể góp mình vào một việc làm ý nghĩa giúp thế hệ sau hiểu thêm chút nào về cuộc kháng chiến thần thánh của dân ta”.

VÕ HƯƠNG
 

Tin cùng chuyên mục