2018 - năm của những cuộc bầu cử lớn

Năm tới, hàng triệu người dân sẽ tham gia bỏ phiếu  trong những cuộc bầu cử được dự báo có thể định hình lại thế giới ở các quốc gia như Nga, Mỹ, Cuba, Italia…
Bầu cử Tổng thống Nga. Truyền thông thế giới đang dành sự quan tâm lớn đến cuộc bầu cử quan trọng của nước Nga vào tháng 3 năm sau. Ứng viên gây được sự chú ý nhiều nhất là đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, bởi sự có mặt của ông trong vòng bầu cử chính là sự xác nhận rằng ông muốn nối dài thêm một nhiệm kỳ tổng thống.
Theo Russia Today, trong số 30 ứng viên tuyên bố tham gia tranh cử, tỷ lệ ủng hộ ông Putin luôn giữ ở mức ổn định, khoảng 80%. Các đối thủ khác thuộc các đảng đối lập hiện có tỷ lệ chưa vượt quá mốc 10%. Do vậy, theo giới quan sát, khả năng đương kim tổng thống Nga giành chiến thắng dễ dàng là điều tất nhiên. 
2018 - năm của những cuộc bầu cử lớn ảnh 1 Tổng thống Nga Vladimir Putin
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nước Nga trong năm 2017 đã vượt qua những thách thức kinh tế và giữ vững sự ổn định chính trị khi đối mặt với sức ép cấm vận từ các nước phương Tây. Đây chính là điểm cộng cho đương kim tổng thống Nga khi ông bước chân vào các cuộc vận động tranh cử.
Thành tích kinh tế ấn tượng nhất của Nga năm 2017 phải kể đến ngành nông nghiệp với việc Moskva chính thức trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và sản lượng ngũ cốc năm nay ước đạt hơn 130,5 triệu tấn. 
Trong năm nay, Nga đã thể hiện vị thế nước lớn trên trường quốc tế khi giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ Syria dập tắt chủ nghĩa khủng bố. Ảnh hưởng của Nga tăng mạnh khiến nhiều quốc gia trong khu vực, vốn là đồng minh thân cận của Mỹ, như Saudi Arabia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ... thay đổi chính sách theo hướng tăng cường quan hệ chặt chẽ với Moskva. 
Bầu cử Quốc hội Cuba. Đây là cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ Latinh trong năm sau, bởi nó  đánh dấu sự chuyển giao quyền lực cho một thế hệ lãnh đạo mới trong Chính phủ Cuba.
Trong phiên họp toàn thể ngày 21-12, Quốc hội Cuba đã quyết định kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VIII hiện tại tới ngày 19-4-2018, thay cho thời hạn trước đó là ngày 24-2-2018.
Kết quả của phiên họp toàn thể  này đồng nghĩa với việc ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhà nước khóa mới của đảo quốc Caribbean cũng được chuyển sang ngày 19-4 năm sau, theo quy định của luật pháp Cuba.
Theo kết quả cuộc bỏ phiếu trên, Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ từ nhiệm vào tháng 4-2018, sau khi diễn ra cuộc bầu cử vào cùng tháng nhằm chọn ra người kế nhiệm ông. 
Đáng chú ý, cuộc bầu cử của Cuba lần này diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ có xu hướng quay trở lại chính sách cô lập quốc đảo này và thay đổi nhiều kết quả tích cực của tiến trình bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ đạt được dưới thời cựu Tổng thống Obama.
Người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro sẽ gánh vác những trọng trách lớn như bảo vệ thành quả cách mạng Cuba, giữ vững mức tăng trưởng kinh tế mà Cuba đã đạt được trong thời gian gần đây.
Trong năm 2017, nền kinh tế Cuba đã phục hồi với mức tăng trưởng nhẹ 0,5% sau khi bị suy giảm 0,9% vào năm 2016. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean của Liên hiệp quốc (CEPAL) dự đoán trong năm 2018, “hòn đảo tự do” sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với tốc độ khoảng 1%. 
2018 - năm của những cuộc bầu cử lớn ảnh 2 Chính trị gia Luigi Di Maio
Bầu cử Italia. Sau 2 cuộc bầu cử lớn diễn ra tại Pháp và Đức trong năm nay, cuộc bầu cử Italia diễn ra vào tháng 5-2018 đang nóng lên từng ngày sau khi chính trị gia Luigi Di Maio, 31 tuổi, một luật sư, nhà báo, người giữ chức Phó Chủ tịch Nghị viện Italia năm 26 tuổi, tuyên bố trở thành ứng cử viên của đảng Phong trào 5 sao.
Các cuộc thăm dò cho thấy, chính trị gia này đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 28% và có tiềm năng trở thành Thủ tướng Italia. Đảng Phong trào 5 sao là đảng hoạt động theo tôn chỉ “hoài nghi châu Âu”, với hệ tư tưởng không ủng hộ Liên minh châu Âu và đồng tiền chung EUR.
Grillo từng được gọi là “Donald Trump của Italia” và nổi tiếng với những bài phát biểu chống lại EU và đồng EUR. Kết quả cuộc bầu cử Italia có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế khu vực và thị trường chứng khoán, cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn mà quốc gia này đang ban hành.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu xảy ra một cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU tại Italia sẽ gây ra hậu quả lớn hơn nhiều so với việc Anh rời khỏi liên minh này (còn gọi là Brexit), bởi Italia là nước dùng đồng tiền chung EUR, còn Anh thì không. Điều này có thể là khởi đầu cho “cái chết” của đồng tiền này.
Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ. Các cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ thường không mang lại kết quả tích cực cho đảng của tổng thống đương nhiệm.
Vào năm 2010, đảng Dân chủ của cựu Tổng thống Barack Obama đã mất 63 ghế trong Hạ viện. Trung bình trong 70 năm qua, mỗi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thường khiến đảng của tổng thống cầm quyền mất đi khoảng 25 ghế trong Hạ viện.
Trong tình thế hiện tại, đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump cũng đang lâm vào thế khó khi tỷ lệ tín nhiệm của ông Donald Trump ở mức khá thấp và nhiều đạo luật do đảng Cộng hòa và ông Trump đề xuất chưa được thông qua.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump chính thức đặt bút ký thông qua cắt giảm 1.500 tỷ USD thuế đang được kỳ vọng giúp đảng Cộng hòa tăng phiếu ủng hộ trong kỳ bầu cử này.
2018 - năm của những cuộc bầu cử lớn ảnh 3 Tổng thống Mỹ Donald Trump 
Theo nhận định của tờ The Hill, “nhân tố bí ẩn” trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, bà Clinton đã rút khỏi những sự kiện chính trị.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ của đảng Dân chủ cho rằng, bà Clinton có thể sẵn sàng trở lại các cuộc vận động để giành thêm lá phiếu ủng hộ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào năm sau.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống Mỹ còn tới 11 tháng nữa mới diễn ra và không ai có thể đoán trước kết quả. Nhưng nếu đảng Dân chủ giành được nhiều ghế hơn trong Hạ viện, tình hình chính trị tại Washington và cả thế giới chắc chắn sẽ có sự biến đổi nhất định. 
Bầu cử Libya. Ủy ban bầu cử Libya cho biết, các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tại nước này sẽ được tổ chức trước ngày 30-9 vào năm tới. Tuyên bố sẽ trở lại chính trường và tham gia vận động tranh cử của ông Saif al-Islam Gaddafi, con trai của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi được xem là một bất ngờ lớn cho các cuộc bầu cử ở Libya. Tuy nhiên, theo giới quan sát, khả năng chiến thắng của ông Saif al-Islam Gaddafi là không cao. 
Vòng bầu cử diễn ra khi Libya hiện vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng và chia rẽ sau khi cựu lãnh đạo Gaddafi bị giết hại trong cuộc xung đột quân sự năm 2011.
Hiện ở thành phố Tobruk phía Đông Libya, quyền lực thuộc về nghị viện do dân bầu nên.
Còn ở phía Tây, thủ đô Tripoli, là sự hiện diện của Chính phủ “Sự đồng thuận dân tộc” được hình thành nhờ sự ủng hộ của Liên hiệp quốc và châu Âu. Ở phía Bắc Libya có sự hiện diện của một số lượng lớn các bộ lạc không chịu phục tùng Tripoli.
Trong thời gian qua, các phe phái nội bộ Libya quay ra đấu đá lẫn nhau, mở cửa cho phong trào nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan phần lớn liên quan đến Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Điều này khiến tình hình Libya hiện đang rất phức tạp và đang có dự báo cho rằng, nhiều khả năng việc tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống Libya cũng chưa thể giúp ổn định tình hình 

Tin cùng chuyên mục