2023 - Năm triển vọng tăng trưởng tích cực của kinh tế ASEAN

Theo trang tin ASEAN Briefing, trong năm 2023, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn là một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới dù tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm nhẹ so với năm 2022.
Sản xuất linh kiện điện - điện tử tại một doanh nghiệp FDI ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất linh kiện điện - điện tử tại một doanh nghiệp FDI ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng trưởng trên mức trung bình toàn cầu

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á đạt mức 5,5%. Tuy nhiên, thế giới đang bước vào năm 2023 với nhiều áp lực kinh tế đang gia tăng. Đây là những yếu tố có thể làm suy giảm đà tăng trưởng của toàn cầu. Do đó, ADB đã đưa ra mức dự báo kinh tế ASEAN đạt mức tăng trưởng 4,7% vào năm 2023 vì nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Trong khi đó, các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Credit Suisse (Thụy Sĩ) kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của 6 nền kinh tế ASEAN (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) sẽ ở mức 4,4% vào năm 2023 từ mức 5,6% trong năm 2022. Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), Thái Lan và Malaysia có thể đạt mức tăng trưởng 4% trong năm tới nhờ bình thường hóa du lịch và lữ hành toàn cầu. Malaysia, Philippines và Thái Lan có thể sẽ ghi nhận ngành du lịch phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023.

Còn hãng thông tin và phân tích tài chính S&P Global (Mỹ) cho rằng, suy thoái toàn cầu sẽ ít tác động hơn đến các nền kinh tế định hướng theo nhu cầu trong nước như Indonesia và Philippines. Cũng theo S&P Global, nhu cầu từ thị trường trong nước sẽ tiếp tục phục hồi ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan khi các quốc gia này mở cửa trở lại toàn bộ sau đại dịch.

Dù giảm so với năm trước nhưng những dự báo trên đều cho thấy kinh tế ASEAN đạt mức tăng trưởng trên mức trung bình toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,2% vào năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. Lạm phát tại các nước ASEAN dự kiến ở mức 5,1% trong năm nay, thấp hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.

Điểm đến của dòng vốn FDI

Năm 2023 đánh dấu việc Indonesia trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Tổng thống Joko Widodo đã đặt mục tiêu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN mang lại kết quả hữu ích, không chỉ cho các thành viên ASEAN mà còn vì lợi ích quốc gia của Indonesia nói riêng và lợi ích khu vực cũng như toàn cầu nói chung.

Tổng thống Joko Widodo bày tỏ hy vọng ASEAN sẽ trở thành khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm và bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung, trong đó ASEAN cần nỗ lực xây dựng năng lực các thể chế, tăng cường khả năng ứng phó các thách thức trong thời gian tới theo hướng thích ứng hơn, phản ứng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Phía Indonesia chủ trương đẩy mạnh các nỗ lực phát triển kinh tế của ASEAN, đưa ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng - như chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2023.

ASEAN là khối thương mại phát triển nhanh nhất thế giới và hiện chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu, chiếm khoảng 10% tổng số nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu. Chuyển đổi số, kinh tế số tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Với những thuận lợi và tiềm năng sẵn có, giới chuyên gia kinh tế đánh giá, các nền kinh tế ASEAN đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong những năm gần đây.

Các quốc gia ASEAN đang là các điểm đến hấp dẫn đối với các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi sản xuất và muốn giảm chi phí sản xuất. Các tập đoàn đa quốc gia cũng đang ngày càng coi Đông Nam Á là một trung tâm sản xuất, bị thu hút bởi mức lương cạnh tranh, các quy định và cơ sở hạ tầng kinh doanh được cải thiện cũng như nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Do đó, sự gia tăng liên tục của dòng vốn FDI vào ASEAN, đặc biệt là đối với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam có thể sẽ tiếp tục vào năm 2023.

Tin cùng chuyên mục