3.500 ngày trong nanh vuốt kẻ thù

Tình yêu bản Giẳng
3.500 ngày trong nanh vuốt kẻ thù

Ngày 20-12-1960, tại Rùm Đuôn, Trảng Chiên (Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) được thành lập nhưng chưa có chủ tịch bởi người được chọn giữ vai trò giương cao lá cờ đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - LS Nguyễn Hữu Thọ, cha tôi - vẫn đang bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc nghiêm ngặt tại tỉnh Phú Yên.

Chủ tịch MTDTGPMNVN Nguyễn Hữu Thọ chủ trì cuộc họp bàn chiến lược đấu tranh cách mạng. Ảnh: T.L.

Chủ tịch MTDTGPMNVN Nguyễn Hữu Thọ chủ trì cuộc họp bàn chiến lược đấu tranh cách mạng. Ảnh: T.L.

Tình yêu bản Giẳng

Ngày 19-3-1950, cha tổ chức mít tinh tại Trường Tôn Thọ Tường đường Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo), sau đó biến thành cuộc biểu tình của gần nửa triệu người ở trung tâm Sài Gòn, chống sự can thiệp của Mỹ. Cuối cùng, 2 tàu chiến của Mỹ phải nhổ neo rời cảng Sài Gòn. Ngày 19-3-1950 đã trở thành “Ngày toàn quốc chống Mỹ”. Cũng ngay sau ngày 19-3, nhà cầm quyền thực dân Pháp bắt cha tại nhà riêng lúc ông đang ăn cơm cùng chúng tôi. Nhiều luật sư bào chữa cho cha tại tòa ngày 28-3-1950 và cha được tạm tự do. Ra tù, cha tiếp tục hoạt động, cho in truyền đơn của phái đoàn đại biểu các giới, phản đối Pháp bắt bớ, đuổi học sinh, sa thải những người tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cha lại bị bắt vào khoảng cuối tháng 4-1950. Chúng đưa cha ra bản Giẳng - nơi tận cùng ở Tây Bắc Lai Châu, nơi được mệnh danh là rừng thiêng nước độc.

Sau này cha kể lại, việc xa nhà, xa vợ con, lòng cha cũng đứt từng khúc ruột nhưng nhờ tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào bản Giẳng và ý chí quyết tâm cách mạng đã trở thành sức mạnh giúp ông vượt qua mọi khó khăn tưởng chừng không thể chịu đựng được. Cha đã dành phần lớn thời gian tiếp cận các bô lão và trẻ em, dạy cho các cháu nói tiếng Kinh, dạy cho thanh niên học chữ quốc ngữ, chỉ những kiến thức phổ thông về vệ sinh phòng bệnh... Dần dần, bà con hiểu và thương ông. Có của ngon vật lạ gì, họ đều mang đến biếu. Có lần cha tôi ngã bệnh, bà con lặn lội vào tận rừng sâu hái lá thuốc sắc cho ông uống.

Năm 1951, ta chiến thắng lớn ở biên giới, địch ở Lai Châu bị uy hiếp mạnh, buộc phải chuyển cha đến thị xã Sơn Tây để quản thúc. Tạm biệt núi rừng Tây Bắc, cha mang thêm trong hành trang lên đường của mình là tình yêu lớn của đồng bào bản Giẳng Tây Bắc. Nghe tin cha tôi được đưa về thị xã Sơn Tây, bà ngoại, mẹ, chị em tôi tìm mọi cách ra thăm cha. Gặp lại nhau, cả gia đình cùng nghẹn ngào không nói nên lời. Nhưng lúc cha bị đày chị Thủy tôi mới có 1 tuổi nên không nhận ra ông, nhất quyết không chịu cho cha bế… Giữa năm 1952, địch âm thầm trả tự do cho cha.

Sự lựa chọn kiên trung

Cha thuê nhà số 212 đường Legrand de la Liraye (nay là đường Điện Biên Phủ) để vừa làm văn phòng vừa đưa vợ con về đoàn tụ. Nhà này về sau cũng là trụ sở của Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn. Cha tiếp tục hành nghề luật, bảo vệ thành công những cán bộ kháng chiến trước tòa án thực dân.

* Vợ bị bệnh tâm thần không có điều kiện và tiền bạc để chữa trị; con gái bị bắt bớ, tra tấn, khủng bố… nhưng cha tôi đã nén những nỗi lo toan ấy để kiên trung với con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn. Chất thép được hun đúc trong cha truyền lại cho chúng tôi chính là lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đặt lợi ích chung lên hết thảy, kiên trung đi theo con đường mà Bác Hồ và nhân dân đã chọn.

Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chủ trương thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình đấu tranh đòi các nước tham dự Hội nghị Genève phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève. Ban chấp hành phong trào gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân TP, cha tôi được cử làm phó chủ tịch của phong trào. Ngày 1-8-1954, phong trào tổ chức một cuộc mít tinh chào mừng hòa bình với hơn 5 vạn người tham gia. Chỉ trong một thời gian, phong trào thành lập được 32 ủy ban hòa bình ở các khu phố, nhà máy, trường học và dự định tổ chức Đại hội hòa bình toàn thành. Thấy sức mạnh của phong trào, Ngô Đình Diệm ra lệnh cảnh sát bắt giam 28 người chủ chốt trong ban chấp hành.

Khi ra tòa, thẩm phán tên Hưng, dự thẩm phòng 5 của địch chất vấn cha: “Là một luật sư thông hiểu pháp luật, tại sao ông lại lập hội bất hợp tác, xuất bản sách báo không xin phép và có những hoạt động phá rối cuộc trị an?”.

Cha tôi đáp rất mạch lạc: “Ông bảo chúng tôi lập hội bất hợp pháp ư? Không, phong trào bảo vệ hòa bình của chúng tôi lấy văn kiện của hội nghị quốc tế ở Genève về Đông Dương làm cơ sở pháp lý, lấy nguyện vọng của toàn dân làm mục đích đấu tranh. Do đó, các hoạt động của phong trào không những hợp pháp mà còn chính đáng nữa. Ông bảo chúng tôi phá rối cuộc trị an ư? Không, chúng tôi chủ trương đấu tranh một cách bất bạo động. Các buổi tập hợp của chúng tôi diễn ra trong trật tự và ôn hòa. Chính cảnh sát và các ông được vũ trang đến tận răng đã gây ra cảnh rối loạn khi định đàn áp những người dân yêu hòa bình trong tay không tấc sắt”.

Không thể dùng tòa án để buộc tội những người lãnh đạo phong trào, ngày 9-2-1955, Ngô Đình Diệm cho chở cha tôi và các đồng đội ra Hải Phòng quản thúc. Ngày 23-4-1955, sau những đấu tranh quyết liệt của cha và các đồng đội, Diệm phải cho máy bay chở mọi người về lại Sài Gòn. Khi cha xuống đến sân bay Tân Sơn Nhất, Diệm cho mật vụ ập tới bắt cha đưa sang một máy bay khác chở ra tỉnh Phú Yên tiếp tục quản thúc.

Kẻ thù nhận thấy ở Hòa Thịnh mất an ninh, báo cáo cấp trên. Tổng thống bù nhìn Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 116 yêu cầu di dời khẩn cấp cha tôi và các đồng chí từ Tuy Hòa sang quận Sơn Hòa, cụ thể là miền núi Củng Sơn nằm bên dòng sông Ba nổi tiếng rừng thiêng nước độc, phân nửa cư dân là đồng bào thiểu số bị dồn vào ấp chiến lược. Tên quận trưởng đã từng tuyên bố: “Ai có quan hệ với luật sư Thọ và đoàn của ông sẽ bị tử hình”.

Ngày 26-10-1957, lấy cớ đoàn của cha tôi coi khinh lá quốc kỳ của Diệm, kẻ thù tổ chức một cuộc đánh đập dã man. Nếu không có mũi tiêm thuốc cầm máu của một y tá tên Thiệt tốt bụng, cha tôi đã không thể sống nổi. Trước sự đấu tranh kiên cường của cha và đồng đội, sợ dư luận, những tháng đầu năm 1958, kẻ thù buộc phải đưa những người bị thương nặng trong đoàn về thị xã Tuy Hòa.

Ngày 30-10-1961, lực lượng cách mạng Khu 5 và Phú Yên đã giải thoát cho cha để ông nhận nhiệm vụ: Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Với sự giải thoát trên, cha tôi - luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đã chấm dứt 3.500 ngày sống trong nanh vuốt của kẻ thù.

Nguyễn Hữu Châu
(Con trai trưởng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ)

Một sự kiện đặc biệt

Ôn lại lịch sử, chúng ta biết rằng, tiếp theo chiến thắng của ta ở Điện Biên Phủ, ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, nhân dân ta đã nghiêm chỉnh chấp hành lệnh ngưng bắn, lực lượng vũ trang thực hiện tập kết về nơi quy định trước khi xuống tàu ra Bắc. Thế nhưng, Hiệp định Genève vừa được ký thì ngay tại bùng binh chợ Bến Thành, Mỹ Diệm đã nổ súng đàn áp cuộc biểu tình mừng hòa bình của hơn một vạn dân thành phố Sài Gòn. Tiếp đó là những đợt “tố cộng” “diệt cộng”, ra luật 10/59, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi để giết những người yêu nước. Trước tình hình đó, nhiều nơi ở miền Nam nhân dân ta đã nổi dậy diệt ác ôn, giành chính quyền, làm chủ ấp xã. Thực tiễn đó đã giúp cho Đảng suy tính về mưu lược. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đúng vào lúc mưu lược của Đảng về công cuộc giải phóng miền Nam đã được xác định hoàn chỉnh.

Nội dung chủ yếu của mưu lược đó là: Xác định rõ miền Bắc và miền Nam có chiến lược cách mạng riêng nhưng đều có nhiệm vụ chung là chống đế quốc Mỹ và tay sai, trong đó cách mạng miền Nam có tác dụng “quyết định trực tiếp” đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, cách mạng ở miền Bắc có tác dụng “quyết định nhất” đối với sự phát triển của cách mạng cả nước, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế.

Ở miền Nam, cần phải xây dựng lực lượng và phát động phong trào đấu tranh ở cả 3 vùng chiến lược: vùng rừng núi, vùng đồng bằng và vùng đô thị, nhất là đô thị Sài Gòn; tiến hành đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao và làm công tác binh địch vận. Cần phải tổ chức Trung ương Cục miền Nam để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, nhưng với danh xưng là Ban lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Miền Nam có tổ chức Mặt trận riêng, có nhân sự tiêu biểu phải là người tại chỗ có uy tín đối với nhân dân, công khai hoạt động như là một mặt trận độc lập Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam là một thành viên của Mặt trận. Các lực lượng vũ trang cách mạng cũng thuộc Mặt trận.

Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập có thành phần rộng rãi bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo ở miền Nam. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam coi tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập là những mục tiêu để thu hút rộng rãi.

Trước khi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tồn tại và phát triển với tư cách là chính quyền cách mạng ở các vùng giải phóng, là đại diện cho chính quyền cách mạng ngay trong các vùng địch tạm kiểm soát. Mặt trận có cơ quan đại diện ở Hà Nội, ở Pnom Penh và một số nước ngoài. Nhiều nhà báo Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Ba Lan, Úc... đã tiếp xúc với Mặt trận và tuyên truyền cho Mặt trận. Đặc biệt, Cuba còn lập tòa đại sứ bên cạnh Mặt trận. Mặt trận đã góp phần hình thành trên thực tế một liên minh ba nước Đông Dương cùng chống Mỹ và tranh thủ nhân dân toàn thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, trong đó có phong trào yêu nước của Việt kiều, phong trào phản chiến rất quyết liệt ở Mỹ.

Ngày 30-4-1975, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên nóc Dinh Tổng thống Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn theo Mỹ hoàn toàn bị sụp đổ, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trần Trọng Tân

Tin cùng chuyên mục