Điệp viên Z.23 - Cuộc đời hơn

40 năm phục vụ ngành tình báo

CHIẾN DŨNG
40 năm phục vụ ngành tình báo

Người dong dỏng cao, khuôn mặt hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ khiến cho những người lần đầu gặp mặt không thể tin được đây là một sĩ quan tình báo đã từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm treo giải thưởng cho ai chỉ điểm và bắt được ông. Ông là Vũ Trọng Thành, bí danh Hồng Quang, bí số Z.23- nguyên đại tá, Trưởng khoa Điệp báo quân sự chiến lược của một trường đào tạo tình báo.

40 năm phục vụ ngành tình báo ảnh 1

Ông Vũ Trọng Thành cùng cháu nội.

Sinh ra trên miền quê nắng cát Quảng Trị, con đường đến với cách mạng của ông như là sự tất yếu đối với đa phần thanh niên Việt Nam sống trong nỗi nhục mất nước. Ông kể: “Nhà tôi nghèo, quanh năm chỉ biết cày thuê cuốc mướn cho bọn nhà giàu để sống lay lắt qua ngày. Do tôi bình sinh vóc người mảnh khảnh, ốm yếu nên được cha mẹ và anh chị em dành dụm cho đi học quốc ngữ ở trường làng đến khi đỗ sơ học yếu lược (ngang với lớp 3 bây giờ) lại về quê cày thuê kiếm sống…”.

Năm 1944, cha bị địch bắt đi tù ở nhà tù Lao Bảo và mất tích luôn từ đó, đây chính là mốc quan trọng thúc đẩy ông giác ngộ và tham gia cách mạng với suy nghĩ trả thù cho cha và cứu gia đình, xóm làng mình hết khổ. Sau quá trình tham gia khởi nghĩa, tham gia hội cứu tế đỏ… năm 1947 Vũ Trọng Thành được điều về Ty Tình báo Quảng Trị rồi sang Trung đoàn 95 thuộc Đại đoàn 325 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ của một điệp báo viên phục vụ chiến dịch.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được phân công về Phòng Điệp báo chiến lược, phụ trách đơn vị điệp báo miền Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của của đồng chí Nguyễn Việt (năm 1960 là Thứ trưởng Bộ Công an). Tại đây ông nhận lãnh nhiệm vụ xây dựng mạng lưới điệp báo khu vực phía Nam, bảo đảm thông tin thông suốt từ trung ương đến các mạng lưới điệp báo. Trong suốt thời gian hoạt động này, ông đã xây dựng và thu phục hàng loạt tướng tá của chế độ Ngô Đình Diệm làm việc cho ta, trong đó có cả viên Chuẩn tướng Tư lệnh phó Vùng với bí số A.15.

Cũng trong thời gian này, Phủ đặc ủy tình báo trung ương chính quyền Ngô Đình Diệm phát lệnh truy nã và treo giải cao cho bất kỳ ai chỉ điểm hoặc bắt được điệp viên Hồng Quang với bí số Z.23. “Bức hình tôi trên lệnh truy nã trông khá bảnh bao. Tôi cũng không biết chúng chụp khi nào, nhưng phải thừa nhận Phủ đặc ủy tình báo của Ngô Đình Diệm cũng ranh gớm…”. Ông Hồng Quang tâm sự.

Sau khi chính quyền của gia đình họ Ngô sụp đổ, ông được điều về làm giảng viên khoa điệp báo chiến lược Trường T500 (trường đào tạo tình báo quân sự của ta). Đến năm 1971, Hồng Quang được điều lên Tây Nguyên nhằm chuyển số tù binh ngụy ta bắt được ra Lạng Sơn để khai thác trước khi trao trả vào năm 1973. Trong số tù binh đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1, bị ta bắt trong chiến dịch Nam Lào; Phó chỉ huy trưởng vùng 2 chiến thuật, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Tây Nguyên Vi Văn Bình bị bắt trong chiến dịch Tây Nguyên…

Chính từ những thông tin khai thác được từ các sĩ quan cao cấp chế độ ngụy đã góp phần giúp chúng ta đề ra chiến lược hợp lý trong đợt tổng tiến công 1975. Sau đó ông được phân công vào Nam với nhiệm vụ xây dựng và đào tạo một lớp điệp báo cho chiến trường miền Nam. Sau hơn ba tháng vượt Trường Sơn, khi vào đến Tây Ninh ông đã cùng các tổ chức thành lập Trường Tình báo miền Nam và đã phụ trách đào tạo hàng loạt tình báo viên, biệt động thành… bổ sung cho chiến trường miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn. Ông nhớ lại: “Ngày đó, học viên chủ yếu là những người đang hoạt động điệp báo tại miền Nam, do đó phải giữ bí mật nên các học viên cũng không biết mặt nhau, vì thế chúng tôi phải dạy từng người hoặc cách ly các học viên trong hoàn cảnh bom đạn, gian nan vô cùng…”.

Trưa ngày 30-4-1975, Vũ Trọng Thành phụ trách một đoàn điệp báo viên tiếp quản Tòa Đô chính (nay là UBND TPHCM), tiếp quản toàn bộ các mục tiêu tình báo của ngụy quyền và CIA tại Sài Gòn, quản lý toàn bộ nhân viên tình báo của chế độ cũ… Rồi ông lại ra Bắc nhận lãnh nhiệm vụ xây dựng mạng lưới điệp báo phục vụ cho công tác bảo vệ biên giới… Cứ thế, như là cái nghiệp ông luôn gắn cuộc đời mình với những công việc, chiến công thầm lặng đến giữa năm 1980 được phân công về làm Trưởng khoa Điệp báo chiến lược của một trường đào tạo tình báo. Năm 1990 ông giã từ quân ngũ với quân hàm đại tá.

Gần 50 năm đi theo cách mạng vào sinh ra tử, nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn sống thật giản dị trong căn phòng rộng chưa đến 12m2. Hàng ngày, ngoài thời gian đọc sách, làm thơ, kể chuyện lịch sử cho trẻ em trong khu phố thì công việc chính của ông là hoàn thành bộ hồi ký cuộc đời hoạt động tình báo của mình. Ông sửa từng câu, từng chi tiết trong tập hồi ký nhằm bảo đảm tính trung thực, chính xác với mong muốn khi lớp trẻ đọc lại phần nào hình dung được những chiến công thầm lặng của những chiến sĩ tình báo… 

CHIẾN DŨNG 

Tin cùng chuyên mục