8 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã thu hút được 47,15 tỷ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2007. Theo đó, có 772 dự án đầu tư được cấp mới với tổng vốn đăng ký là 46,3 tỷ USD với quy mô trung bình khoảng 70 triệu USD/dự án. Theo dự báo của ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không có gì thay đổi thì nhiều khả năng năm 2008 vốn FDI mới sẽ vượt ngưỡng 50 tỷ USD.
Mặc dù các dự án đầu tư vào VN đang tiếp tục tăng mạnh, song FDI vào ngành nông lâm nghiệp vẫn không có dấu hiệu khả quan. Tính đến hết tháng 5-2008, cả nước mới chỉ có 11 dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Phần lớn các DN đầu tư vào nông lâm nghiệp là các DN vừa và nhỏ, có mức vốn dưới 2 triệu USD, thậm chí một số DN vốn chỉ có dưới 500 ngàn USD. Số DN có mức vốn từ 5 triệu USD trở lên chỉ chiếm khoảng 18% tổng số DN. Đáng lưu ý, số vốn thực hiện của các DN FDI trong lĩnh vực này trong những năm qua thấp hơn rất nhiều so với số vốn đăng ký. Cụ thể, Công ty TNHH Trương Thái Việt Nam (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) vốn đăng ký từ năm 2004 là 1 triệu USD, nhưng đến hết năm 2006 DN này chỉ đầu tư được 570 ngàn USD…
Vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà khi đầu tư vào nông lâm nghiệp, trong khi lĩnh vực này đang rất “khát” vốn? Câu trả lời, đầu tư vào lĩnh vực này phải chịu rủi ro rất lớn (về thiên tai, dịch bệnh, thị trường…) trong khi đó tỷ suất lợi nhuận lại không cao. Quan trọng hơn cả là đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa có chính sách ưu đãi cụ thể cho các DN khi đầu tư vào lĩnh vực này. Việc giải phóng mặt bằng quá chậm và thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất ngại khi đầu tư vào đây!
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, chỉ riêng việc làm thủ tục để nhận đất thì các DN đã phải làm khoảng 20 thủ tục khác nhau, liên quan đến hàng loạt cơ quan và người dân địa phương. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa DN với người dân. Một khi vụ việc xảy ra, các DN muốn tiến hành thương lượng thì lại phải chờ ý kiến của cơ quan quản lý. Đó là chưa kể tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm của quan chức địa phương… Và để có đất, các DN cũng phải chờ từ 1 - 2 năm, thậm chí có những dự án phải mất từ 3 - 4 năm. Thời gian chờ quá dài cũng đồng nghĩa với các cơ hội đầu tư làm ăn bị mất đi! Một nguyên nhân khác đã được các DN chỉ ra nhiều lần, đó là thủ tục đầu tư tại nhiều địa phương không có sự thống nhất. Cùng một dự án đầu tư, nhưng khi mang đến tỉnh này thì được duyệt, đến tỉnh khác thì lại phải làm từ đầu đã làm giảm tiến độ đầu tư.
Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa mới ban hành, trong đó đã nhấn mạnh đến việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn để có thể nâng cao đời sống nông dân. Nhưng nhìn lại mình, đến thời điểm này chúng ta đã đầu tư gì cho nông nghiệp? Tại đồng bằng sông Cửu Long - nơi cung cấp rất nhiều sản vật quý cho cả nước, nơi làm ra 90% lượng lúa gạo phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu nhưng đến nay hạ tầng giao thông chưa thỏa đáng! Miền Trung và Tây Nguyên - mảnh đất rất tiềm năng, hơn 90% người dân sống dựa vào nông nghiệp nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng căn cơ về hệ thống thủy lợi. Vấn đề nuôi gì, trồng gì vẫn gặp nhiều lúng túng và quy hoạch chưa rõ ràng. Với một hạ tầng như vậy thì làm sao các DN nước ngoài có thể mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp?
Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần ban hành một cơ chế đặc biệt thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Song song đó, Chính phủ cũng phải lập một chương trình hành động dài hạn, cụ thể để thu hút mọi nguồn lực trong nước cũng như các nguồn vốn ODA, tập trung đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ thì e rằng vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại nông nghiệp nông dân và nông thôn sẽ chỉ là khẩu hiệu như lâu nay vẫn thường hô hào.
Thúy Hải