Lại thêm một lần nữa liên tiếp trong vòng 2 tuần qua, tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam và phá hoại tàu thăm dò tài nguyên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Lần trước, tàu hải giám của Trung Quốc cũng đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 trong khi tàu này đang hoạt động trong vùng biển kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
Trước thềm Hội nghị An ninh khu vực châu Á 2011 (Đối thoại Shangri-La 10), Chính phủ Philippines cho biết họ cũng đang hoàn tất hồ sơ kiện Trung Quốc lên LHQ vì từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã 6-7 lần vi phạm nghiêm trọng vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền trong khu vực biển Đông.
Còn nhớ cách đây vài ngày, ngay sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, trong cuộc gặp song phương giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La 10, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố rằng đó là hành động của các tàu bán vũ trang, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không có chủ trương hành động như thế. Ngay chính giải thích của tướng Lương Quang Liệt cũng khó thuyết phục được người nghe. Bởi dù là tàu của quân đội Trung Quốc, hay của lực lượng hải giám, ngư chính hay của ngư dân… đều không được vi phạm chủ quyền của quốc gia khác, chưa nói đến việc phá hoại các hoạt động hợp pháp của nước sở tại trong vùng biển kinh tế đặc quyền của họ.
Cũng tại hội nghị này, trong bài phát biểu chính thức của phiên họp toàn thể, tướng Lương Quang Liệt hùng hồn tuyên bố rằng Trung Quốc cam kết đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực và giải quyết bất đồng thông qua đàm phán hòa bình.
Nhưng chỉ vài ngày sau, tàu Trung Quốc lại tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Điều đáng chú ý là hành động này lại diễn ra đồng thời với những thông điệp của đại diện Trung Quốc tại Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN ngày 8-6 chuẩn bị cho Diễn đàn khu vực ARF. Theo ông Marshal Eris Herryanto, Tổng thư ký Bộ Quốc phòng Indonesia, Trung Quốc đã đưa ra thông điệp khẳng định Bắc Kinh cam kết tôn trọng hòa bình trên biển Đông.
Ở đây dường như có vấn đề về sự bất nhất giữa lời nói và hành động của phía Trung Quốc.
Dư luận thế giới có quyền đặt dấu chấm hỏi sau những thông điệp của Bắc Kinh. Nếu phía Trung Quốc tiếp tục có những hành động đi ngược lại tuyên bố của mình thì khó có thể thuyết phục cộng đồng quốc tế nói chung và các đối tác nói riêng tin vào lời nói của mình trong tương lai. Với những gì đang diễn ra ở biển Đông, người ta đã có thể hiểu được: Ai đang làm mất sự ổn định hòa bình và an ninh khu vực? Đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước lo ngại Trung Quốc trỗi dậy sẽ đe dọa an ninh, ổn định khu vực và các nhà lãnh đạo nước này đang nỗ lực xây dựng một hình ảnh Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc lại càng phải thực hiện đúng những cam kết của mình đối với thế giới. Nếu không, một hình ảnh Trung Quốc hòa bình sẽ không trọn vẹn.
Là một đất nước rộng lớn, trải qua biết bao cuộc chiến tranh và thăng trầm của lịch sử, nhân dân Trung Quốc hiểu rõ giá trị của hòa bình và ổn định.
Việt Nam cũng là một đất nước trải qua những năm dài chiến tranh, đau thương mất mát, nhân dân Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Vì vậy Việt Nam luôn mong muốn có được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, xây dựng đất nước.
Không chỉ Việt Nam, không chỉ Trung Quốc, mà tất cả nhân dân các nước trong khu vực và trên toàn thế giới đều có chung khát vọng hòa bình. Hết sức kiềm chế, tôn trọng chủ quyền của các nước để những cánh chim bồ câu được tự do bay trên bầu trời xanh.
Việt Trung