Với mong muốn tìm hiểu cuộc sống của những người nông dân sinh sống tại khu vực Bắc và Đông Bắc Thái Lan - lực lượng chính của phe áo đỏ tham gia biểu tình ở Bangkok gần 2 tháng qua, chúng tôi đã có cuộc hành trình qua gần chục ngôi làng quanh Chiangmai. Qua những câu chuyện với người nông dân nơi đây, một số thắc mắc của chúng tôi đã phần nào sáng tỏ.
Về làng!
Nếu không bị ám ảnh bởi hình ảnh con rồng châu Á Thái Lan, bất cứ người Việt Nam nào đi trên con đường này cũng đều lầm tưởng mình đang trên đường đi lên vùng nông thôn miền núi tại Việt Nam. Cũng núi đồi, nhà cửa xập xệ cái thấp cái cao dọc hai bên đường. Xa xa là những khu rừng xen lẫn đồi trọc… Chỉ duy nhất có điều khác là đường sá thật tốt. Bác tài Narong Pintasri, 58 tuổi, kiêm phiên dịch của chúng tôi, thoải mái nhấn chân ga, để xe chạy gần như liên tục ở vận tốc 100km/giờ. Vì thế, chẳng mấy chốc, các ngôi làng ở vùng phía Bắc Chiangmai đã thấp thoáng trước mắt.
Sau gần một tiếng đồng hồ, xe ghé vào ngôi làng đầu tiên cách Chiang Mai hơn 80km, có tên gọi Wong Dang. Điều đầu tiên nhận thấy ở đây là các con đường trong ngôi làng này đều được bê tông hoặc nhựa hóa. Xe chạy trong đường làng mà như đang bon bon trên xa lộ. Tại những khúc cua ở góc khuất, đều có gương lồi để lái xe tiện quan sát.
Ấn tượng nhất là những ngôi nhà khang trang ở đầu làng. Chưa kịp hỏi, bác tài đã giải thích rằng những ngôi nhà to đẹp trong làng đều là của những gia đình có người thân thoát ly, làm việc trên Bangkok. “Họ làm các công việc như lái taxi, massage, phục vụ tại các khách sạn ở Bangkok nên có nhiều tiền. Họ gửi tiền về quê để xây nhà cửa. Đi vào trong, các bạn mới thấy thực trạng của nông thôn vùng phía Bắc này”.
Quả đúng như ông Narong nói. Xe vẫn chạy trên con đường bê tông phẳng lỳ hàng chục kilômét nhưng hai bên đường không còn xuất hiện bóng dáng những ngôi nhà khang trang nữa. Thay vào đó là những căn nhà làm bằng gỗ tạp xiêu vẹo, mái tôn.
Chỉ cần cuộc sống tốt hơn...
Sau nhiều lần hỏi thăm những hộ dân sống hai bên đường, chúng tôi cũng đến được nhà của trưởng làng Wong Dang. Trưởng làng là một phụ nữ, trên dưới 40 tuổi, tên Khun Arree. Ngôi nhà của bà Khun là một tiệm tạp hóa. Bà kinh doanh đủ thứ từ dịch vụ photocopy cho đến thực phẩm đóng hộp, gas, xăng dầu...
Bà cho biết cả làng Wong Dang sống chủ yếu bằng nghề nông. Thu nhập bình quân mỗi người một tháng là từ 3.000 đến 3.500 baht (1 baht tương đương 600 đồng Việt Nam). Mặc dù kinh doanh đủ thứ nhưng hàng tháng bà cũng chỉ kiếm được khoảng 7.000 baht. Thu nhập bình quân đầu người ở làng Wong Dang vào khoảng 36.000 baht (1.200 USD)/năm. Trong khi đó, theo thống kê năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan khoảng 2.700 USD/năm. Như vậy, thu nhập người nông dân ngôi làng vùng Bắc Thái Lan này chưa bằng 1/2 thu nhập bình quân đầu người Thái Lan.
Bà Khun cho hay trước đây đi bệnh viện không phải là nỗi lo đối với người dân nghèo nông thôn. Với 30 baht, các bệnh nhân có thể vào bất cứ bệnh viện nào để điều trị cho đến khi khỏi bệnh thì thôi. Còn hiện nay, đó là điều không tưởng. “Lúc trước, mỗi làng có một quỹ tín dụng với số vốn là 5 triệu baht”, bà Khun hồ hởi kể. Có các quỹ tín dụng này, người dân nghèo có thể dễ dàng vay tiền để mua giống cây trồng với lãi suất thấp (0,5%/tháng). Nhiều gia đình đã xóa đói, giảm nghèo nhờ các “ngân hàng” này. Nhưng giờ đây, mô hình này đã bị xóa bỏ. Người nông dân phải đến trực tiếp các ngân hàng lớn để vay với lãi suất rất cao (7%/tháng).
Ông Narong thì đưa một dẫn chứng mang tính chính trị hơn khi cho biết, thời kỳ trước số ghế trong Quốc hội dành cho tầng lớp những người nghèo rất nhiều. Nhưng giờ đây, đa số ghế trong quốc hội thuộc về tầng lớp trung và thượng lưu... Trong cuộc biểu tình vừa qua làng Wong Dang có hơn 60 người nông dân khăn gói lên Bangkok tham gia. Những người này hiện đã về làng nhưng không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai.
Khi được hỏi nguyên nhân nào khiến người dân lại phản đối chính phủ mạnh mẽ đến vậy, bà Khun cho rằng: “Đơn giản họ muốn ông Thaksin quay trở lại, hay nói đơn giản hơn họ muốn được hưởng những chính sách như dưới thời chính quyền ông Thaksin”.
Khi chúng tôi hỏi vặn lại chính quyền dười thời ông Thaksin được quốc tế đánh giá có tỷ lệ tham nhũng khá cao, câu trả lời thật đơn giản: “Chúng tôi không biết thế giới đánh giá thế nào, chỉ biết rằng dưới thời Thaksin, nông dân chúng tôi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn”.
Câu trả lời đúng như những gì mà một đồng nghiệp người Thái, chị Kati nói với chúng tôi hôm 21-5: Người nông dân khu vực Đông và Đông Bắc không biết nhiều thông tin về tình hình tham nhũng của một số quan chức chính quyền. Với họ, dưới sự điều hành của ông Thaksin, người dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn mới là quan trọng.
Tại làng Banpagee, không khí yên ắng. Cả tiếng đồng hồ dạo quanh làng, chúng tôi gần như không gặp một bóng người. Theo ông Narong, có thể người dân vẫn đang ở ngoài đồng. Gần một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi mới gặp được một nhà có bóng dáng người bên trong. Đó là nhà ông Đang. Căn nhà của ông cũng như nhiều căn nhà khác trong làng, được làm bằng gỗ, rộng không quá 40m². Vật giá trị nhất là chiếc xe citi dùng để ra đồng và chiếc tivi 14 inches. Ông Đang cho biết thu nhập chính của ông chủ yếu đến từ trồng trọt với khoảng trên 3.000 baht/tháng. “May mắn là vẫn còn đất để trồng lúa, trồng hoa màu, phải tằn tiện chi tiêu mới đủ sống”, ông Đang nói.
Tại những ngôi làng khác chúng tôi đến, đặc biệt những khu vực nông dân trồng xoài, măng cụt… nhìn vườn cây trĩu quả, những tưởng đời sống người dân có thể khá hơn. Tuy nhiên, 1kg xoài Thái Lan chúng tôi mua ngoài thị trấn có giá 15baht (khoảng 10.000 đồng Việt Nam), ở Chiangmai giá ít nhất 25 baht. Thế nhưng giá người nông dân bán ra chỉ được khoảng bằng 50% giá ngoài thị trấn.
Khi chúng tôi luôn miệng khen đương sá nông thôn Thái Lan thật tốt, một lão nông cho biết: “Đường sá tại hầu hết các vùng nông thôn của Thái Lan đều rất tốt. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là đời sống nông dân. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến chính trị, không quan tâm cụ thể đảng nào, người nào cầm quyền, chúng tôi chỉ cần một cuộc sống tốt hơn, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo…”.
Chiến Dũng - Đỗ Văn
(Tường thuật từ Thái Lan)
Thông tin liên quan |
- Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng?
- Thái Lan kéo dài lệnh giới nghiêm thêm 3 đêm nữa - Thái Lan: Phe áo đỏ đầu hàng - "Chiến trường" Bangkok: 5 người bị thương, trong đó có 3 nhà báo - Quân đội Thái Lan ra đòn quyết định với áo đỏ - Thái Lan: Bạo lực đã lắng dịu |