
Hai xã Lộc Thủy, Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) hơn trăm năm nay đã tồn tại một làng nghề nấu tinh dầu tràm. Đã có thời, nghề này ở làng đạt cực thịnh, nhưng nay, suốt một dải quốc lộ 1A từ chân đèo Phước Tượng đến đèo Phú Gia chỉ còn khoảng chục hộ dân buôn bán dầu tràm và số phận làng nghề cũng mong manh như đèn treo trước gió.
- Thần dược nhà quê

Rừng tràm xưa giờ đi vào dĩ vãng.
Ngày trước ở nông thôn mỗi khi trong nhà có người nhọc mệt, trẻ con trở chứng đau bụng… thì chai dầu tràm là cứu cánh của người nghèo. Dùng không cũng tốt, có người còn cầu kỳ ngâm thêm một ít củ ném (một loại hành nhỏ màu trắng, trồng nhiều ở vùng cát miền Trung, có nơi gọi là hành tăm) rồi đậy kín cất ở đầu giường, góc tủ. Loại dầu ấy có cái lạ, để lâu không cạn, mà càng để càng nồng đượm, dược tính tăng thêm.
Thứ tinh chất lâu năm ấy mỗi đêm lấy ra bôi lên gan bàn chân một ít, giấc ngủ vừa tròn lại chẳng lo nhiễm bệnh phong hàn, nhức mỏi cũng tiêu tan. Vì thế, những “Mệ Huế” xưa bao giờ trong người cũng thủ sẵn lọ dầu tràm, như các bà già Bắc bộ luôn có hộp cao con hổ, hay các vị lão niên miền Nam sẵn chai dầu gió. Cất để dùng cho mình và phòng khi có đứa cháu nào sơ sinh đem thoa lên bụng, lên chân tay cho nó được cứng cáp, sau này còn bươn chải trước sương gió cuộc đời.
Cái tình, cái ân người Huế xưa là vậy, và cho đến bây giờ dù có bao nhiêu loại tân dược đắt tiền, thì với người phụ nữ Huế có con, cháu nhỏ, lọ dầu tràm vẫn là sự lựa chọn số một. Có người đã tính vui rằng: riêng ở Huế, 80% số người lớn lên đã bén hương dầu tràm từ lúc mới lọt lòng. Nói thế để thấy cái nghề nấu tinh dầu tràm ở Phú Lộc có đất dụng võ như thế nào.
Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, làng nghề dầu tràm ở Lộc Thủy, Lộc Tiến đã cực kỳ phát đạt. Dầu nấu ra bao nhiêu cũng không đủ cho nhu cầu của người dân và cả một số cơ sở quốc doanh cũng về đây thu mua dầu tràm bán khắp Trung bộ. Hàng chục lò chưng cất tinh dầu cứ sôi sùng sục suốt ngày đêm, kéo theo rất nhiều lao động lúc nông nhàn đi bứt “bổi” tràm.
Cây tràm ở Phú Lộc đâu có thiếu. Trên những trảng cát trắng dưới chân núi Bạch Mã, hay xuôi về phía cảng Chân Mây, tràm mọc thành rừng, tầng tầng, lớp lớp lấy lá mấy cũng không xuể. Hôm nay bứt lá vùng này, mai lại chuyển sang vùng khác, thế mà chẳng mấy lúc cây lại xanh um.
Vì vậy, ở Lộc Thủy, Lộc Tiến có nhiều nhà chuyên nghề thu hái lá tràm về bán cho các lò nấu tinh dầu. Ai giỏi thì kiếm 20.000-30.000đ/ngày. Đối với quê nghèo, nguồn thu nhập như thế là quý lắm, nó trải bớt lo toan cho hạt lúa. Còn đối với những nhà chuyên nghề chưng cất tinh dầu tràm lâu đời như nhà bà Hương, bà Quyên, ông Nho, ông Cầu... cái sự giàu sang chưa dám nói, nhưng cuộc sống cũng đủ dư dả để xây nhà, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.
Cụ Nguyễn Hữu Cầu ở thôn Phú Cường, Lộc Thủy đã hơn 30 năm làm nghề chưng cất dầu tràm. Theo cụ, bí quyết của nghề này cũng có, không phải dầu nấu ra ai cũng giống ai, phải là người “mát tay” mới chưng ra những mẻ dầu thơm mang hương vị, dược tính đặc trưng của lò nhà mình. Cho nên sự độc đáo cũng phát sinh từ màu sắc, mùi vị dầu tràm của từng lò. Đã có lúc nhà cụ Cầu có tới 4 nồi nấu dầu tràm, mỗi ngày tiêu thụ không dưới 6 tạ lá, cho ra gần 5 lít dầu thơm. Tính theo thời giá bây giờ 70.000đ/lít, trừ chi phí, thu nhập của gia đình cụ cũng khá. Nhưng ấy là nói chuyện của ngày xưa...
- Rừng tràm chết,hết một làng nghề...

Hết tràm nguyên liệu, cụ Nguyễn Hữu Cầu đành ngậm ngùi trồng sắn, phơi sắn đắp đổi qua ngày. Ảnh: Phùng Hưng
Về vùng quê này giờ đây ta chẳng còn thấy sự sôi động của một làng nghề đã từng tấp nập. Hình ảnh những lò nấu rực lửa trong mỗi ngôi nhà và mùi thơm nồng nàn của dầu tràm vương vấn từng bước chân đi cũng không còn nữa. Những người dân trong làng cho biết: Hơn 5 năm nay hàng chục lò nấu dầu tràm ở Lộc Thủy, Lộc Tiến đã phải đóng cửa vì hết nguyên liệu. Cả vùng chỉ còn lay lắt đôi nhà còn nấu dầu tràm với quy mô nhỏ, cung cấp cho khách quen.
Họ làm vì nhớ cái mùi tinh dầu thơm thảo đã ăn sâu vào máu thịt, và cũng vì không nỡ bỏ cái nghiệp của cha ông. Đôi mắt cụ Cầu đầy u uẩn khi chỉ cho tôi xem cái nồi nấu dầu tràm đắp chiếu ở góc sân. Lớp bồ hóng đen kịt dường như đang còn tỏa ra thứ mùi tinh dầu ám ảnh, như tưởng nhớ thời hoàng kim xưa.
Cụ Cầu tâm sự: “Bỏ nghề này, chúng tôi nào biết làm gì? Nhưng đó, chú xem người ta đua nhau phá tràm khai hoang trồng mía, trồng sắn dữ rứa, chúng tôi lấy đâu ra nguyên liệu để làm!”. Chỉ tính riêng đầu năm 2000, khi dự án mía đường ở Thừa Thiên - Huế rục rịch, đã có hàng trăm hécta tràm ở vùng cát An Bàng, Phước Lộc, Đồng Cầu... bị ủi lật gốc nhường chỗ cho cây mía. Chưa thấy ấm no ở đâu, chỉ biết rằng rồi cây mía cũng bị “bật xới” sau vài mùa rớt giá, không có đầu ra. Chỉ có người dân vùng tràm là lãnh đủ. Đi tong cùng dự án mía đường là việc xóa sổ một vùng tràm.
Nghề mất, trên những vùng cát trắng lấp lóa tái hoang hóa ngời ngời trong nắng lửa, người dân làng nghề đành ngậm ngùi trồng sắn, trồng khoai trên cát hoang đắp đổi qua ngày. Cũng có đôi người nhanh nhạy đi nhập dầu tràm nơi khác về mượn uy danh làng nghề để buôn bán, nhưng chẳng vì thế mà hồi sinh được một cái nghề đã mất, mà dường như chỉ càng làm cho uy tín dầu tràm Phú Lộc mai một dần đi.
Sự biến mất của những cánh rừng tràm ở Phú Lộc đã đưa lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trên khía cạnh môi trường, một hệ sinh thái vùng cát bị đảo lộn. Cùng với sự thu hẹp của rừng tràm, nạn sa mạc hóa đang đe dọa hoành hành. Riêng tác động về mặt xã hội cũng rất nặng nề. Sự tàn lụi của một làng nghề có truyền thống lâu đời đã kéo theo cuộc sống bấp bênh của hàng trăm con người vốn coi nghề nấu dầu tràm là kế sinh nhai.
“Chẳng biết mai này những tinh hoa, bí quyết của nghề sẽ truyền cho ai, khi con cháu tôi lớn lên chúng nó chẳng thấy một bóng tràm. Tôi chỉ tiếc cho cái danh tiếng dầu tràm Phú Lộc tồn tại lâu nay chết tức tưởi chỉ vì sự thờ ơ tắc trách của con người!”. Lời than vãn của ông Nguyễn Hữu Cầu nghe thật xót xa...
PHÙNG HƯNG