Ấm lòng nơi đảo xa

Chiến công thầm lặng
Ấm lòng nơi đảo xa

Hơn 16 năm không quản khó khăn gian khổ, bằng trái tim từ mẫu và phẩm chất đạo đức của anh bộ đội Cụ Hồ, thiếu tá - bác sĩ Dương Văn Thiện luôn tích cực làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên vùng biển đảo Tây Nam. Anh còn nghiên cứu, áp dụng thành công nhiều công trình y khoa nhằm đẩy lùi các dịch bệnh thường xảy ra trên đảo, góp phần xây dựng cuộc sống an toàn cho những người ngày đêm bám biển…

Thiếu tá - Bác sĩ Dương Văn Thiện đang khám cho một bệnh nhân nơi biển đảo cực Nam của Tổ quốc.

Thiếu tá - Bác sĩ Dương Văn Thiện đang khám cho một bệnh nhân nơi biển đảo cực Nam của Tổ quốc.

Chiến công thầm lặng

Sau 6 năm miệt mài nghiên cứu, học tập ở Học viện Quân y, năm 1996, nguyện vọng của anh đã được đáp ứng một nửa. Đó là trở thành bác sĩ quân y hải quân, nhưng lại được điều động về công tác tại Vùng 5 Hải quân, nằm ở miền cực Nam của Tổ quốc; trong khi anh mong muốn được phục vụ ở Hải Phòng, nơi gia đình đang sinh sống.

Thời gian đầu đến với đơn vị mới - Đội điều trị 78 - của bác sĩ quân y trẻ Dương Văn Thiện quả là vất vả. Sóng gió biển khơi “đánh gục” anh ngay từ những ngày đầu của hành trình. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều kiến thức y khoa hiện đại hầu như không thể phát huy được trong điều kiện trang thiết bị y tế còn thiếu thốn khiến anh cảm thấy rất tự ti với quyết định của mình. Đôi lúc đã đưa suy nghĩ của anh hướng về những lời mời chào của các bệnh viện hiện đại cùng với điều kiện thuận lợi để làm việc và nâng cao trình độ, thu nhập…

Thời gian đầu, để đi lại khám chữa bệnh cho nhân dân sinh sống trên đảo, do đường đi chưa có, người thầy thuốc quân y phải đi nhiều ngày để vượt suối, băng rừng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Sau mỗi lần chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, nhìn những ánh mắt biết ơn của mọi người, chàng bác sĩ quân y càng nhắc nhở bản thân cần phải cố gắng hơn nữa để giúp người, giúp đời. Sau hơn một năm làm việc, anh nhận thấy tỷ lệ người dân chết do dịch bệnh sốt rét và sốt xuất huyết trên các đảo rất cao, chỉ riêng trong năm 1998, thị trấn An Thới đã có 10 bệnh nhân bị chết do dịch bệnh trên. Làm sao để ngăn chặn dịch bệnh chết người này? Anh bắt đầu lao vào đề tài khoa học nghiên cứu “Đặc điểm dịch sốt rét ở Phú Quốc” với mong muốn tìm ra căn nguyên, giải quyết tận gốc không để dịch bệnh hoành hành cướp đi sinh mạng của nhân dân trên đảo… Sau một năm đầu tư, miệt mài nghiên cứu, vào từng vùng dân cư đang sinh sống để tìm kiếm, anh đã được đền đáp xứng đáng khi tìm ra hai mầm bệnh gây nên những cái chết thương tâm cho nhân dân trên đảo. Đó là ký sinh trùng sốt rét P.vivax và P.falciparum. Đồng thời, khoanh vùng theo dịch bệnh do từng loại ký sinh trùng. Căn cứ vào những luận cứ khoa học trên, anh đã đưa ra phác đồ điều trị cho các tuyến y tế cơ sở áp dụng phòng chống dịch bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Chỉ sau 2 năm, trên các đảo Tây Nam, bệnh dịch sốt rét và sốt xuất huyết đã được đẩy lùi. Từ đây trở đi, không có trường hợp nào bị tử vong do hai dịch bệnh trên gây ra…

Từ thành công đầu tiên trong sự nghiệp từ mẫu, với mong muốn phát triển mạng lưới y tế để nhân dân và bộ đội có điều kiện tiếp xúc và được chăm sóc sức khỏe bằng công nghệ y học hiện đại, anh tiếp tục nghiên cứu thành công đề tài “Cơ cấu của Đội điều trị 78 và bệnh xá kết hợp quân dân y trên đảo Phú Quốc từ năm 1988 đến năm 2002”. Mới đây nhất, anh cũng vừa nghiên cứu thành công đề tài “Khảo sát tình hình nhiễm virus viêm gan siêu vi C của Vùng 5 Hải quân”.

Nặng tình quân dân

Tại ấp 6, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, chúng tôi đã có cuộc gặp mặt với anh Nguyễn Văn Tâm, một ngư phủ từng được đội ngũ y bác sĩ của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tận tình cứu chữa. Qua câu chuyện anh kể, chúng tôi được biết, tháng 9-2011, khi đang làm thuê cho một chủ tàu của tỉnh Cà Mau đi đánh bắt, khai thác hải sản ở ngư trường đảo Thổ Chu anh bị dây neo của tàu quật mạnh và làm gãy 2 xương cẳng tay. Sau đó, chủ tàu đưa anh lên bệnh xá quân dân y đảo Thổ Chu và bỏ mặc anh ở đó… Trong cơn bĩ cực, anh đã nhận được sự cứu chữa tận tình của đội ngũ y bác sĩ và được chuyển về Đội điều trị 78 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân ở huyện đảo Phú Quốc. Không chỉ nhận được sự cứu chữa tận tình, anh còn được miễn giảm chi phí khám chữa bệnh. Đến nay, tay của anh đã khỏi và đang phục hồi. Anh xúc động bày tỏ: “Nếu không có các y, bác sĩ quân y thì tôi đã gặp nguy hiểm về tính mạng còn không thì trở thành người tàn phế mất rồi. Các anh không chỉ cứu tôi mà còn cứu cả gia đình tôi trong cơn hoạn nạn”.

Thiếu tá – bác sĩ Dương Văn Thiện cho biết: “Do nhiều yếu tố ảnh hưởng nên nhiều bệnh tuy nhẹ nhưng ở ngoài biển đảo cũng trở nên rất nguy kịch… Chính vì vậy, ngành quân y Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân rất quan tâm rèn luyện y thuật, y đức; đã gửi đi đào tạo, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho trên 90% cán bộ quân y, cũng như sưu tầm tài liệu y khoa, phát động phong trào thi đua qua tự học tập, tự nghiên cứu”.

Trung úy Đồng Kim Học, nhân viên thông tin của Trạm radar 610 nằm tít tận đỉnh núi cao nhất thuộc quần đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đang đi công tác thì bị rắn cắn vào đầu ngón tay đeo nhẫn bàn tay trái. Xác định đây là loài rắn độc nguy hiểm, anh em cùng đơn vị của Học đã nhanh chóng đưa anh xuống núi, cấp cứu tại Bệnh xá đảo Thổ Chu. Vừa làm công tác sơ cứu, bác sĩ - trung úy Bùi Xuân Bắc, Bệnh xá trưởng, điện thoại ngay về quân y Vùng 5 Hải quân đề nghị hỗ trợ. “Nghe xong các thông tin về triệu chứng của bệnh nhân, tôi xác định được ngay Học bị rắn thuộc nhóm có độc tố thần kinh cắn, có thể dẫn tới tử vong sau vài giờ”, bác sĩ - thiếu tá Thiện nhớ lại.

Bằng mọi giá phải chuyển cho được nạn nhân vào đất liền, càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, nếu đi bằng tàu thường, từ Thổ Chu về Phú Quốc, nếu gặp phải thời tiết xấu bất thường, có khi phải mất đến 10 giờ, khả năng cứu sống bệnh nhân rất thấp. Vì vậy, anh Thiện mạnh dạn đề xuất phương án khác. Nhận được đề nghị hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, chiếc tàu tuần tiễu tốc độ cao số hiệu BP 28-0161 của Hải đoàn 28, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lập tức cập đảo Thổ Chu. Bệnh nhân Học nhanh chóng được đưa vào Đội điều trị 78 thuộc Vùng 5 Hải quân.

Đo điện tim, bác sĩ Thiện cho thấy Học đã có biểu hiện rối loạn tim mạch nên phải chuyển Học về Bệnh viện 175 tại TPHCM bằng máy bay chuyến sớm nhất. Chỉ hơn 1 giờ sau, bệnh nhân Học được xe cứu thương Bệnh viện 175 đón tại chân cầu thang máy bay. Do đã 14 giờ trôi qua – kể từ lúc bị rắn cắn, lúc đến khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện 175, Học đã rơi vào tình trạng ngừng hô hấp và hôn mê. Thế nhưng, với sự nỗ lực của tập thể y bác sĩ Bệnh viện 175, Học đã dần tỉnh lại sau 48 giờ hôn mê trong niềm hạnh phúc của nhiều người.

Từ sự hiệu quả của hoạt động kết hợp quân dân y, Bộ Y tế đã đề nghị xây dựng Đội điều trị 78 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thành Bệnh viện Quân dân y khu vực Nam đảo Phú Quốc và xây dựng Bệnh xá Quân dân y đảo Thổ Chu trực thuộc đảo Thổ Chu, được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, cứu chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.

Luôn nghĩ đến mọi người bằng tình thương và trách nhiệm, thiếu tá - bác sĩ Dương Văn Thiện cùng đội ngũ y bác sĩ quân y Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã tận tụy chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân nơi biển đảo xa xôi miền cực Nam Tổ quốc, góp phần xây dựng điểm tựa lòng tin vững chắc cho những người ngày đêm bám biển…

* Chỉ riêng năm 2011, quân y vùng đã khám, điều trị, cấp cứu cho hơn 9.000 lượt bệnh nhân (trong đó có gần 100 trường hợp bệnh nặng, mổ trung phẫu được 17 ca, tiểu phẫu trên 150 ca). Đặc biệt, không có trường hợp tai biến, biến chứng nào xảy ra do thiếu tinh thần trách nhiệm và khiếu nại tố cáo về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong ngành. Với phương châm “cứu người như cứu mình”, hơn 16 năm qua, thiếu tá - bác sĩ Dương Văn Thiện tận tụy chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân nơi biển đảo xa xôi miền cực Nam của Tổ quốc.

  • Thiếu tá - Bác sĩ Dương Văn Thiện

Thú thực, lúc đầu tôi rất hoang mang. Nhưng khi biết mình đang được làm việc với những người lính thực thụ, từng xông pha nơi chiến trường mưa bom đạn lửa; hòa bình lập lại, các anh hy sinh hạnh phúc được đoàn tụ với quê hương và gia đình, xung phong ở lại đảo xa với nhiều thiếu thốn để giúp đỡ nhân dân, tôi thấy mình còn ích kỷ, nhỏ nhoi. Từ đó, tôi đã nhanh chóng hòa nhập với công việc của đội

Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục