
Ngoại trưởng Mỹ, Condoleezza Rice cho biết, Pakistan đã có nhiều “bước đi tích cực” giúp Ấn Độ điều tra vụ tấn công khủng bố tại Mumbai. Tuy nhiên, bà Rice cho rằng, Pakistan cần phải tăng cường hợp tác hơn nữa với Ấn Độ. Phát biểu này cho thấy, Mỹ phát tín hiệu rằng căng thẳng giữa 2 cường quốc tại Nam Á này đang hạ nhiệt.
- Hợp tác thay đối đầu

Các nhóm Hồi giáo cực đoan được nhiều hậu thuẫn luôn gây khó khăn cho nhiều đời chính phủ của Pakistan. Trong ảnh, biểu tình phản đối chiến dịch trấn áp các nhóm Hồi giáo cực đoan
Theo người phát ngôn của bà Rice, ông Sean McCormack, Tổng thống Pakistan, Asif Ali Zardari đã gọi điện cho bà Rice, thông báo cho bà biết các hành động của Pakistan sau khi xảy ra vụ khủng bố Mumbai. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều hoan nghênh các bước đi này, nhất là vụ Pakistan bắt thủ lĩnh của nhóm khủng bố Lashkar-e-Taiba là Zaki-ur-Rehman Lakhvi, người bị Ấn Độ tố cáo là chủ mưu vụ khủng bố Mumbai. Trong cuộc vây ráp này, Pakistan cũng đã bắt 4 nhân vật cao cấp khác của Lashkar-e-Taiba.
Phía Ấn Độ xác nhận Pakistan đã mở chiến dịch vây ráp nhóm Lashkar-e-Taiba ở thành phố Muzaffarabad. Tuy nhiên, với Ấn Độ, hành động của Pakistan là cần thiết nhưng chưa đủ. Phía Ấn Độ muốn Pakistan xóa sổ nhóm Lashkar-e-Taiba, chấm dứt mọi hoạt động của nhóm này và cả những nhóm tương tự trên lãnh thổ Pakistan. Ấn Độ cũng đã yêu cầu Pakistan bắt Hafiz Saeed, thủ lĩnh nhóm Jamat-ud-Dawah và Maulana Masood Azhar, thủ lĩnh nhóm Jais-e-Mohammed, cũng như giao nộp 2 tên khủng bố gốc Ấn là Dawood Ibrahim và Tiger Memon đang sống ở Pakistan.
- Lashkar – ngòi nổ chiến tranh
ổ chức Lashkar từ lâu đã bị Ấn Độ tố cáo đã gây nhiều vụ khủng bố đẫm máu tại Ấn Độ và thường xuyên mở các chiến dịch tấn công tại khu vực Kahsmir. Gần đây nhất là vụ tấn công đẫm máu vào trụ sở Quốc hội Ấn Độ tháng 12-2001, đưa 2 nước có vũ khí hạt nhân này đến bờ vực của chiến tranh. Sau sự kiện này, Pakistan đã cấm nhiều tổ chức vũ trang hoạt động, trong đó có nhóm Lashkar.
Tuy nhiên, để né lệnh cấm này, Lashkar đã tự tách đôi thành 2 tổ chức là Jamat-ud-Dawah và Lashkar-e-Taiba. Năm 2002, Tổng thống Pakistan lúc đó là Pervez Musharraf tiếp tục khởi động chiến dịch trấn áp các nhóm vũ trang chống phá Ấn Độ tại khu vực Kashmir.
Chiến dịch tấn công mới nhất nhằm vào nhóm Lashkar-e-Taiba cho thấy, quân đội Pakistan không muốn ngồi yên khi trên bàn của giới quân sự Ấn Độ đã có kế hoạch không kích các cứ điểm của nhóm này tại Kashmir. Bằng hành động này, Pakistan có thể đạt 2 lợi ích: Giảm được sức ép từ phía Mỹ và làm nguội kế hoạch tấn công quân sự của Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc “nhổ tận gốc” nhóm này hay hàng chục nhóm Hồi giáo cực đoan khác tại Pakistan không phải dễ dàng .
HUY QUỐC (tổng hợp)