“Quân bài” đất hiếm

Cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã thông báo về việc kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại đất hiếm được dùng để chế tạo động cơ phản lực, máy bay không người lái (drone), robot, tên lửa và các thiết bị không gian. Theo giới quan sát, động thái của Trung Quốc không chỉ khiến Mỹ lúng túng mà còn là lời cảnh báo đối với Liên minh châu Âu (EU).

Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. Ảnh: Global Times
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Trả đũa Mỹ

Để chế tạo một chiến đấu cơ F-35, nhà sản xuất cần 408kg đất hiếm và sẽ cần gần 4.200kg đất hiếm để tạo một chiếc tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Virginia. Vốn là nước sản xuất hơn 60% nguyên liệu này và tinh lọc 90% kim loại hiếm cho toàn cầu, từ cuối năm 2024, Trung Quốc đã cấm bán sang Mỹ 2 trong số 17 loại đất hiếm là gallium và germanium, dùng để sản xuất chip điện tử, hệ thống radar và vệ tinh. Với việc hạn chế xuất khẩu thêm 7 loại đất hiếm nữa, Washington sẽ gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn thay thế.

Ông Benjamin Louvet, quản lý quỹ đầu tư chuyên về khoáng sản OFI Asset Management tại Paris (Pháp), lưu ý danh sách 17 loại đất hiếm, trong đó 15 chất thuộc dòng kim loại, thuộc thị phần chưa đến 4 tỷ USD toàn cầu, là chìa khóa công nghiệp và công nghệ của thế giới. Một lĩnh vực chiến lược đối với toàn thế giới, giờ phụ thuộc Trung Quốc. Lý giải điều này, ông Louvet cho hay, đến những năm 1990, Mỹ vẫn chiếm ưu thế trên thị trường đất hiếm, trong khi Pháp đứng đầu ở khâu tinh chế (50% toàn cầu). Rồi mảng công nghiệp này dần bị lãng quên vì là nguồn gây ô nhiễm. Trung Quốc thay thế, lấp khoảng trống và thành công nhờ giá thành rẻ hơn.

Ông Vincent Donnen, đồng sáng lập một cơ quan tư vấn trong lĩnh vực đất hiếm tại Geneva (Thụy Sĩ) nhận định, Bắc Kinh muốn giữ lại các kim loại nặng, vừa hiếm vừa mang tính chiến lược, để đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp quốc phòng trong nước. Cũng theo chuyên gia Donnen, việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm vừa nhằm trả đũa, vừa răn đe Washington về chính sách bảo hộ của chính phủ Tổng thống Donald Trump.

“Nhắc nhở” châu Âu

Ông Donnen cũng nhận định, đây còn là thông điệp cảnh báo Trung Quốc muốn gửi đến châu Âu. Nhu cầu xuất khẩu tăng vào lúc thị trường Mỹ đang từng bước đóng cửa với hàng “made in China”, Bắc Kinh đã chuyển hướng tới thị trường EU, coi đây là điểm tiêu thụ chính để nuôi dưỡng cỗ máy sản xuất và tăng trưởng cho Trung Quốc. Nếu Brussels cũng gây khó khăn cho hàng của Trung Quốc, cũng có thể sẽ mất nguồn cung ứng về kim loại hiếm. Điều này đồng nghĩa với việc chiến lược tự chủ về công nghệ quốc phòng, về năng lượng hạt nhân của EU sẽ bị đe dọa. Theo chuyên gia Donnen, đáng lo ngại là tuyệt nhiên không có dấu hiệu cho thấy Brussels tích trữ hay tăng kho dự trữ chiến lược về đất hiếm để đề phòng mất nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

Nhà báo người Pháp Guillaume Pitron, tác giả cuốn Chiến tranh kim loại hiếm - Mặt trái của tiến trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số, vào năm 2019, từng cho rằng Trung Quốc phong tỏa đất hiếm là biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ với Mỹ, là lằn ranh Bắc Kinh không dám vượt qua. Tuy nhiên, tình hình giờ đã thực sự thay đổi. Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm để đương đầu với Mỹ vì nước này đã có sự chuẩn bị dài hơi từ những năm 1980. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã nhận ra khoáng sản là vàng - hay đúng hơn là dầu mỏ của thế kỷ 21, là vàng đen mới và rất thiết yếu cho các công nghệ tương lai.

Trái lại, phương Tây ngủ quên và an tâm với mô hình toàn cầu hóa. Họ hài lòng khi mua đất hiếm của Trung Quốc với giá rẻ; bằng lòng vì Bắc Kinh chấp nhận hy sinh môi trường, trả lương thấp cho người lao động để cung cấp kim loại hiếm cho mình. Châu Âu và Mỹ không sợ vì tin rằng Tổ chức Thương mại thế giới bảo đảm nguyên liệu thô được vận chuyển một cách linh hoạt, không bị tắc nghẽn. Cho đến năm 2010, khi Trung Quốc dùng đất hiếm như một công cụ nhắm vào Mỹ và Nhật Bản, cộng đồng quốc tế mới thức tỉnh.

Ngày 30-4, Mỹ và Ukraine ký kết thỏa thuận khai thác khoáng sản, giúp Mỹ được ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản mới tại Ukraine. Trước đó, ngày 24-4, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp về thúc đẩy hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy biển dọc theo thềm lục địa ngoài khơi của Mỹ và kêu gọi đẩy nhanh tiến trình cấp phép, một động thái để củng cố chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu.

Tin cùng chuyên mục