Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng
Theo VCCI-HCM, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ trong khu vực ASEAN. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ tăng 41%, từ 5,6 tỷ USD năm 2016 lên 7,6 tỷ USD. Năm 2018, trao đổi thương mại giữa hai nước đã đạt gần 13 tỷ USD. Ấn Độ nhập khá nhiều các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hạt điều, gia vị, chè xanh, chè đen, lạc, thực phẩm đóng hộp; ngoài ra còn có cao su tự nhiên, hàng mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh, quần áo may sẵn…
Về đầu tư, tính đến tháng 12-2018, Ấn Độ xếp thứ 26 trên tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 208 dự án, tổng vốn đăng ký gần 880 triệu USD. Những dự án của Ấn Độ tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, năng lượng, khai khoáng, dược phẩm, thiết bị điện… Chỉ tính riêng tại TPHCM đã có mậu dịch song phương trị giá 1,5 tỷ USD với Ấn Độ vào năm 2018, tăng 11% so với năm 2017. Lượng khách Ấn Độ đến TP trong năm 2018 là hơn 103.000 người, tăng khoảng 81% so với năm 2017.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đã đầu tư sang Ấn Độ với dự án “Công ty phát triển đầu tư công nghệ India” của Công ty Phát triển đầu tư công nghệ FPT, tổng vốn đầu tư 150.000 USD, chủ yếu sản xuất phần mềm, thực hiện dịch vụ tin học. Trước đây, thương mại 2 nước Việt Nam - Ấn Độ chỉ phụ thuộc vào 3 ngành hàng lớn là thức ăn chăn nuôi, bắp và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu. Còn hiện nay, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu đã có thay đổi lớn, bao trùm sang các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi, ô tô... Quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ đang ngày càng phát triển mạnh về chất và lượng… Có thể thấy, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.
Cơ hội lớn
Mặc dù thị trường Ấn Độ cũng còn những khó khăn như khoảng cách địa lý xa, giao thông không thuận tiện, thông tin thị trường còn thiếu, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa phát triển cân xứng giữ các vùng miền. Sự khác biệt về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, với sức mua lớn của thị trường 1 tỷ dân cũng như những nỗ lực của Ấn Độ trong việc phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách thu hút đầu tư, sẽ là các cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới thị trường đầy tiềm năng này.
Ông K.Srikar, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, cho biết, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới (hơn 1,2 tỷ người), có nhiều điểm tương đồng và quan hệ hợp tác truyền thống lâu dài với Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) Ấn Độ luôn tin tưởng vào chất lượng hàng hóa cũng như uy tín của các DN Việt Nam. Ấn Độ cũng sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề cấp thị thực nhằm khuyến khích các DN Việt Nam tới Ấn Độ tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh. Đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các định mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho ngành này, cho phép lên tới 100% vốn FDI trong thương mại điện tử, sản xuất thực phẩm... Tất nhiên còn một lưu ý quan trọng khác, đó là bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các DN Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về những tập tục, phong tục, luật pháp tại Ấn Độ để hạn chế những rủi ro xảy ra trong xuất khẩu hàng hóa. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tại các diễn đàn doanh nghiệp, các hội chợ thương mại để tìm hiểu đối tác và nhu cầu thị trường.