Ẩn họa những chuyến đò ngang

Bấp bênh những chuyến đò
Ẩn họa những chuyến đò ngang

Là những địa phương có nhiều sông nước, nên người dân ở một số địa bàn khu vực Đông Nam bộ như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT)…  vẫn phải sử dụng phà, đò ngang để lưu thông. Việc bảo đảm an toàn cho các chuyến đò rất cần thiết, nhất là khi mùa mưa bão đang bắt đầu.

Bấp bênh những chuyến đò

Tại bến đò Cầu Quan, phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu (tỉnh BR-VT) có 4 phương tiện đón khánh đi Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) và xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM). Khi rời bến, hầu như phương tiện nào cũng chở đầy hàng hóa và hành khách. Không có ghế nên hành khách phải ngồi bệt xuống sàn và hầu hết đều không mặc áo phao, mặc dù dọc hai bên thành đò, có rất nhiều áo phao treo lủng lẳng. Nhìn cảnh tượng chiếc đò đã cũ, oằn mình “cõng” hàng chục người và phương tiện chạy băng băng trên dòng nước cuồn cuộn chảy, chúng tôi không khỏi ái ngại và lo lắng.

Tương tự, tại bến đò An Hảo nối xã Hiệp Hòa và phường An Bình thuộc TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), mỗi ngày cũng có hàng trăm lượt khách qua sông. Đi lại trên những chuyến đò này, ngoài người lớn còn có rất nhiều trẻ em và học sinh đi học hàng ngày. Cũng như ở bến đò Cầu Quan, các con đò ở đây đều trang bị áo phao, nhưng phần lớn hành khách không tự giác sử dụng. Em Nguyễn Thị Vân, học sinh lớp 5 ở xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa), cho biết lý do không mặc áo phao: “Áo phao ít nhưng bẩn lắm, mặc vào dơ hết quần áo đi học của con. Với lại bên này qua bờ sông bên kia cũng gần, nên vừa mặc vào đã phải tháo ra rất mất thời gian. Hơn nữa con biết bơi nên không lo”.

Chung tình trạng, bến đò Xóm Lá ở khu phố 3, phường Bửu Long (TP Biên Hòa), vào giờ cao điểm, lượng người trên mỗi chuyến phà ken nhau chật cứng nhưng chuyện mặc áo phao phòng bất trắc là điều không tưởng đối với họ. Và chủ của những chuyến đò này cũng không mặn mà nhắc nhở hành khách cách để tự bảo vệ mình. Có lẽ áo phao trên những chuyến đò, phà ngang chỉ được “trưng” với mục đích đối phó lúc có lực lượng chức năng kiểm tra mà thôi. Anh Nguyễn Vĩnh C., một chủ đò chia sẻ: “Bao giờ kiểm tra gắt gao quá chúng tôi mới kêu người đi đò mặc áo phao, nhưng đa phần là không mặc. Vì lúc họ lên đò, chúng tôi mải lo thu tiền nên không thể nhắc nhở từng người được, đến lúc thu xong thì đò cũng cập bến bên kia rồi. Mặc hay không là do hành khách tự giác mà thôi”.

Ngoài bến đò Xóm Lá, tỉnh Đồng Nai còn có các bến đò ngang khác như: bến đò chợ Bửu Long, bến đò Trạm (TP Biên Hòa), bến phà Thanh Sơn (huyện Định Quán), bến đò Bà Miêu nối huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) và huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương)… Ở những bến đò này, chuyện đảm bảo an toàn giao thông đường thủy như: mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi… hầu như không được hành khách lẫn chủ phương tiện quan tâm.

Bến phà Thanh Sơn (Định Quán, Đồng Nai) giữa mùa mưa.

Kiên quyết xử lý

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bến đò Cầu Quan đã hoạt động từ trước năm 1975. Hiện tại bến có 11 phương tiện vận tải thủy nội địa của 3 địa phương (TPHCM, Tiền Giang và BR-VT) hành nghề chở khách từ TP Vũng Tàu đi huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), huyện Cần Giờ (TPHCM) và ngược lại. Mỗi ngày, có từ 8 đến 10 chuyến xuất nhập bến, chuyên chở khoảng 5.000 lượt hành khách/tháng, cùng hàng chục tấn hàng hóa.

Các phương tiện hoạt động tại bến chủ yếu là tàu gỗ một máy dùng khai thác thủy hải sản được hoán cải sang chở khách, sức chở 30-49 hành khách/tàu. Hành trình của các phương tiện đều phải đi qua vịnh Gành Rái, Cồn Ngựa và biển Cần Giờ. Đây là những khu vực thủy triều phức tạp, thường xuyên có sóng to gió lớn và dông lốc, nhất là vào mùa mưa bão. Với đặc điểm kỹ thuật của phương tiện, luồng tuyến và thời tiết nêu trên, các phương tiện có nguy cơ bị chết máy rất cao, hư hỏng hộp số, bể bánh lái, phá nước, đâm va với phương tiện khác. Ngoài chở người, tất cả các phương tiện hoạt động tại bến đò Cầu Quan đều “gồng gánh” thêm nhiều loại hàng hóa như quần áo, xe máy…

Từ thực trạng trên, Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh BR-VT đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão 2015. Trong đó, cảng vụ đã có văn bản yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động tại bến đò Cầu Quan tiến hành sửa chữa, nâng cấp phương tiện; đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo đúng quy định; bố trí đầy đủ áo phao, bình chữa cháy, thiết bị thông tin liên lạc; tuân thủ nghiêm các quy định về vận chuyển hành khách; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cắt cử 2 cán bộ chốt trực tại bến đò Cầu Quan để kiểm tra, kiểm soát điều kiện về an toàn của các phương tiện, kiên quyết không cho xuất bến đối với những phương tiện không bảo đảm an toàn. Trong mùa mưa bão, cảng vụ sẽ tạm thời không cho các phương tiện xuất bến vào buổi chiều để tránh dông gió bất thường.

Trao đổi với chúng tôi về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy ở các bến đò trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Phạm Quốc Chính, cán bộ Phòng Vận tải (Sở GTVT tỉnh Đồng Nai), cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có 26 bến đò ngang sông với 40 phương tiện hoạt động có phép. Vẫn còn nhiều chủ đò và khách vi phạm quy định mặc áo phao, dụng cụ nổi khi đi đò nên cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý. Sắp tới, lực lượng liên ngành sẽ tăng cường kiểm tra”.

Bài học về vụ lật đò tự chế thương tâm xảy ra vào tháng 9 năm rồi trên sông Đạ Dâng, thuộc xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) hay vụ lật đò đang đưa 40 người từ nước bạn Campuchia trở về tỉnh Bình Phước khiến 7 người thiệt mạng trên sông Măng có lẽ nhiều người còn nhớ. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo người dân phải tự bảo vệ chính mình khi lưu thông bằng đường thủy, nhất là từ những chuyến đò ngang.

ĐỨC TRUNG - VĂN HUY

Tin cùng chuyên mục