An ninh kinh tế cho phụ nữ toàn cầu

Đại dịch Covid-19, xung đột quân sự và biến đổi khí hậu vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ. Họ không chỉ ở tuyến đầu mà còn là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.
Chiến lược tập trung vào việc hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái với tất cả sự đa dạng của họ. Ảnh: Information Age
Chiến lược tập trung vào việc hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái với tất cả sự đa dạng của họ. Ảnh: Information Age

Tầm nhìn đơn giản cốt lõi

Để nâng cao nhận thức về việc thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những vấn đề cần thiết để giải quyết một số thách thức cấp bách nhất của thế giới, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu công bố chiến lược về an ninh kinh tế cho phụ nữ toàn cầu. Chiến lược này được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố ngày 4-1, được đánh giá là một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động toàn thế giới.

Theo ông Antony Blinken, mục tiêu của Chính phủ Mỹ là dỡ bỏ những rào cản đối với sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào nền kinh tế. Chiến lược có tầm nhìn đơn giản và cốt lõi, là tạo ra một thế giới trong đó tất cả phụ nữ và trẻ em gái có thể đóng góp và hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng toàn cầu. Đó là một thế giới mà tất cả chúng ta sẽ tốt đẹp hơn. Thu hẹp khoảng cách giới trong lực lượng lao động vào năm 2025, sẽ đóng góp tới 28.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là vào thời điểm thế giới đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19, đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết nhiều xung đột đang kìm hãm nền kinh tế toàn cầu, thì sự đóng góp đó càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Chiến lược trên được xây dựng dựa trên các cam kết trị giá 300 triệu USD mà Chính phủ Mỹ dành cho Quỹ Hành động vì bình đẳng và công bằng giới tính, được công bố tại Diễn đàn Bình đẳng thế hệ (GEF) của Liên hiệp quốc tổ chức tại Paris vào tháng 7-2021. Ngoại trưởng Mỹ cho biết trước khi công bố, chiến lược đã được thảo luận trong 12 bộ và cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ, đồng thời có sự tham vấn các bên liên quan đến từ hơn 30 quốc gia.

Trích dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, Ngoại trưởng Blinken cho rằng, hiện 12 nước có các biện pháp bảo vệ pháp lý giúp phụ nữ có vị thế kinh tế bình đẳng với nam giới, như được trả lương bình đẳng và bảo vệ pháp lý tại nơi làm việc. Vì vậy, Chính phủ Mỹ khuyến khích các quốc gia bãi bỏ các luật phân biệt đối xử và thực hiện những cải cách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Tập trung phá bỏ rào cản

Chiến lược này tập trung vào việc phá bỏ một số rào cản phụ nữ tham gia đầy đủ vào nền kinh tế, trong số đó có các chính sách phân biệt đối xử, việc trả lương không công bằng, hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng mà các nữ doanh nhân cần để bắt đầu và phát triển doanh nghiệp. Thúc đẩy các chương trình tư vấn và đào tạo cho phụ nữ để khuyến khích tinh thần kinh doanh và làm việc, từ đó gia tăng cơ hội để phụ nữ có thể nắm giữ các vị trí lãnh đạo như giám đốc điều hành, hay thành viên hội đồng quản trị.

Một cách mà chiến lược đang giúp thực hiện điều đó là thông qua các chương trình như WE-Champs, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho các phòng thương mại và hiệp hội doanh nghiệp của phụ nữ ở 18 quốc gia châu Âu để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ. Hay cách mà Liên minh Mỹ - Ấn Độ về trao quyền kinh tế cho phụ nữ đang thực hiện để kết nối khu vực tư nhân, cung cấp cho phụ nữ các kỹ năng kỹ thuật và cơ hội kết nối để giúp họ phát triển doanh nghiệp của mình. Khi liên minh này ra mắt, Google Ấn Độ đã cam kết cố vấn cho 1 triệu nữ doanh nhân Ấn Độ và liên minh này đang làm việc với các đối tác khác để tăng con số đó.

Chiến lược tập trung vào việc hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái với tất cả sự đa dạng của họ, bao gồm cả những phụ nữ thường xuyên phải đối mặt với những rào cản lớn nhất và cao nhất, chẳng hạn như luật cấm phụ nữ tham gia vào ngành năng lượng, sản xuất và các ngành công nghiệp khác ở một số nước. Các ưu tiên khác trong chiến lược bao gồm hỗ trợ tiếp cận và tài trợ cho chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già, những người có hoàn cảnh khó khăn, thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, những người khuyết tật.

Đại dịch Covid-19 đã buộc hàng triệu phụ nữ khắp thế giới rút khỏi lực lượng lao động để đảm nhận trách nhiệm chăm sóc gia đình. Vì vậy, chiến lược này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận các lựa chọn để những người chăm sóc, hầu hết là phụ nữ, thực sự có thể quay trở lại làm việc. Để làm được điều đó, chiến lược đang hỗ trợ các chương trình như sáng kiến ​​Đầu tư vào chăm sóc trẻ em của Ngân hàng Thế giới. Sáng kiến ​​này sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em có chất lượng, giá cả phải chăng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.

Việc dỡ bỏ rào cản đối với phụ nữ tham gia lực lượng lao động có thể mang lại lợi ích cho 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động trên thế giới. Trên dòng nỗ lực này, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Mỹ sẽ làm việc song song với các đối tác khắp thế giới, cần sự hợp tác với các đối tác từ các chính phủ khác để phát triển các chiến lược trong nước và toàn cầu về an ninh kinh tế cho phụ nữ, bao gồm việc áp dụng các bài học từ công việc này trên khắp nước Mỹ. Bởi vì, muốn xây dựng sự thay đổi lâu dài và bền vững, chúng ta cần sự chung tay nếu muốn tạo ra sự khác biệt.

Thúc đẩy an ninh kinh tế cho phụ nữ là điều đúng đắn nên làm, nhưng đó cũng là điều thông minh và cần thiết để làm. Khi mọi người có thể đóng góp hết khả năng của mình, nền kinh tế của chúng ta thịnh vượng hơn, xã hội của chúng ta có nhiều cơ hội hơn, quốc gia của chúng ta hòa bình hơn và mọi người đều tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục