Tân Khai - một ấp dân cư mới, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (có tên Khmer là Chàng Riệc), cách trung tâm TP Tây Ninh khoảng 70km và cách TPHCM hơn 180km. Hơn 5 năm trước, đây là vùng đất cát sỏi, độ dốc lớn, chưa có dân cư sinh sống nhưng từ khi chương trình di dân, lập ấp được hình thành ngày 30-4-2012 đến nay, Tân Khai đang từng bước thay da đổi thịt. Và dẫu con đường đi lên phát triển kinh tế - xã hội không thể ngày một ngày hai nhưng với những tấm gương cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm, khao khát đổi đời thì vùng đất mới này đang hứa hẹn một ngày mai tươi sáng.
Đi giữa màu xanh
Theo chân ông Trần Bình Bộ (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập), vượt qua những con đường nhựa phủ đầy bóng cây rừng xanh ngát của Khu di tích Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi đến với Tân Khai nằm cách trung tâm xã hơn 20km và có thể xem là điểm xa nhất của xã.
Từ xa, ấp Tân Khai hiện ra trước mắt chúng tôi với màu xanh bạt ngàn của cây trái được điểm xuyến bởi những mái nhà màu đỏ, công trình dân sinh… giúp bức tranh vùng quê biên giới thêm diễm lệ. Từ đường lớn vào, khu dân cư mới được quy hoạch bên trái đường, có hai con đường nội bộ đất đỏ đang được thi công cống thoát nước. Bên phải là trạm xá và kế đến là trường mầm non, tiểu học và THCS với sân trường rộng thênh thang. Giữa trưa nên đường xá vắng người, có lẽ mọi người đang mải miết lao động trong những khu vườn nằm cách khu trung tâm non một cây số. Hiện cây trồng chủ yếu ở đây là mía, mì, chuối, tiêu, cây ăn trái. Trong đó, cây mía có hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng giá lên xuống thất thường, mùa khô dễ bị cháy và cũng chịu sự chi phối của thời tiết khi có tới 6 tháng khô hạn và cần rất nhiều nước để sinh trưởng tốt. Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Mạnh Tường cho biết: “Tân Khai hiện đang có 120ha mía, 30ha khoai mì, 7ha tiêu, 3ha điều, 3ha quýt, xoài... Tính đến nay có hơn 50% số hộ đã bám trụ tại vùng đất mới toàn thời gian và hơn 20% đã có thu nhập ổn định từ kinh tế vườn, mua bán hàng hóa - dịch vụ (nông nghiệp, tiêu dùng), thợ mộc, thợ hồ. Trong điều kiện ban đầu còn khó khăn nhưng cũng đã xuất hiện nhiều hộ dân biết làm giàu trên chính mảnh đất của mình, như hộ anh Đặng Văn Tràng có 5 mẫu mía, năng suất 130 tấn/ha, lãi bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha; hộ anh Trần Văn Cường và chị Lương Thị Thu (làm chung 16ha mía) cho thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/ha”.
Ông Nguyễn Văn Chum bên vườn tiêu đang hứa hẹn đem lại cuộc sống sung túc hơn
Từ một chủ trương
Dân cư của Tân Khai gồm 287 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu đến từ 6 huyện trong tỉnh, nhiều nhất là dân thuộc 2 huyện Tân Biên và Tân Châu lên khai thác tiềm năng vùng đất mới. Lên đây, mỗi gia đình được cấp 1 căn nhà cấp 4 (trị giá 70 triệu đồng) trên diện tích 1.000m2 đất ở; dùng nước sạch giá rẻ 4.000 đồng/m3 và 1ha đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, mỗi hộ còn được cấp 15 triệu đồng mua cây giống và vật tư sản xuất, vay vốn lãi suất thấp (0,7%/tháng). Đến nay, hạ tầng cơ sở quan trọng như điện, đường, trường, trạm đều được xây dựng khang trang; trong đó nổi bật là hệ thống trường học và trạm xá được đầu tư đồng bộ. Điểm trường Tân Khai lúc đầu chỉ có cấp tiểu học, từ năm học 2014-2015 mở thêm cấp THCS, tạo điều kiện cho con em các gia đình không phải đi học xa bên huyện Tân Châu. Tổng số học sinh từ mầm non đến THCS có hơn 200 em và hiện các trường học chưa sử dụng hết công suất. Học sinh nơi đây được Đảng bộ và chính quyền xã quan tâm vận động các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, trong đó có Báo Sài Gòn Giải Phóng cấp học bổng cho các em có tinh thần vượt khó, đạt kết quả khá, giỏi trong học tập để động viên các em phấn đấu vươn lên.
Nằm trong vành đai khu vực biên giới với nước bạn Campuchia nên việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Tân Khai còn có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh - quốc phòng và từ những kết quả ban đầu đạt được đã cho thấy, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Biên.
Tiềm năng phía trước
Khi được hỏi về những khó khăn hiện tại đối với Tân Khai là gì? Cả Bí thư Chi bộ lẫn cán bộ Mặt trận ấp đều trả lời, đó chính là… thiếu vốn. Đa số cư dân Tân Khai thuộc diện chỉ đủ ăn hoặc hộ nghèo, nên với 15 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách cứ như “gió vào nhà trống”. Phần lớn các hộ dùng số tiền này mua sắm thêm vật dụng trong nhà, làm thêm mái hiên là đã hết nên không còn tiền để đầu tư cho sản xuất. Vì vậy có đến khoảng phân nửa số hộ chọn hình thức cho thuê đất lấy 12 - 13 triệu đồng/năm (trong thời gian 3 - 10 năm để có số tiền lớn mới đầu tư làm ăn), chuyển sang sinh sống bằng nghề khác và cũng tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện thuê gom đất để sản xuất chuyên canh, cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến.
Các hộ có đất lúc đầu trồng mì nhưng sau chuyển sang trồng mía vì thấy hiệu quả hơn nhưng với cây mía phải cần ít nhất 3 năm mới cho thu hoạch và chi phí đầu tư khá lớn (50 triệu đồng/ha) nên cũng phải nhờ cậy nhà máy đường hỗ trợ mới đủ điều kiện đầu tư. Một bất cập nữa là hệ thống thủy lợi chưa có nên tốn chi phí khá cao, như phải đào giếng sâu hơn 20m mới có đủ nước tưới và chi phí kéo dây từ giếng nước đến vườn cách xa cả cây số cũng khá tốn kém.
Dù vậy, ở Tân Khai đã có hộ sắp thuộc hàng tỷ phú từ mô hình trồng cây tiêu. Đó là hộ ông Nguyễn Văn Chum (53 tuổi, dân tộc Khmer) được cán bộ ấp xem là “nhân vật vượt cạn”, người “từ không đến có”. Vốn có kinh nghiệm trồng tiêu từ hồi còn ở thị trấn Tân Biên nên khi lên Tân Khai lập nghiệp năm 2012, ông Chum liền bắt tay đào giếng lấy nước tưới cho 2 công tiêu (2.000m2). Ban đầu, vợ chồng ông Chum phải đi làm thuê để có tiền đầu tư phát triển dần vườn tiêu và đến nay ông Chum đã có được 1ha tiêu vừa cho thu bói được 300kg (trị giá gần 50 triệu đồng) và bán cây giống cho bà con xung quanh được 130 triệu đồng. Nếu tính theo giá 160.000 đồng/kg hiện thời thì sau 1 - 2 năm nữa, gia đình ông sẽ thu khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ông Chum tâm sự: “Trồng cây tiêu cho khai thác có khi lên tới 14 - 15 năm, trong khi trồng mía phải ươm giống liên tục hàng năm. Trồng tiêu tuy cực hơn nhưng quan trọng là phải chịu khó, chăm sóc kỹ lưỡng. Tôi sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm lại cho bà con và nếu chịu khó sẽ làm giàu được trên vùng đất này”.
Từ vùng sỏi đá, sườn dốc, điều kiện sản xuất còn nhiều hạn chế nhưng với sự cần cù của người đi khai hoang cùng với sự hỗ trợ nhiều hơn từ vốn vay cũng như phát huy những tấm gương biết làm giàu… chắc chắn Tân Khai đang là ẩn số thú vị cho khát vọng vươn lên của người dân Tây Ninh.
VĂN PHONG