Ấn tượng bản Thái

Ấn tượng bản Thái

Tộc người Thái là tộc người có dân số đông hàng thứ hai trong các tộc người thiểu số ở nước ta. Người Thái phân bố chủ yếu ở các vùng miền núi Tây Bắc Tổ quốc. Đồng bào thường định cư ở vùng thung lũng trồng lúa nước. Người Thái còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần phong phú đủ sức làm say lòng những ai đã một lần may mắn được đến thăm bản làng của họ.

  • Nhà sàn Thái
Ấn tượng bản Thái ảnh 1

Nhà sàn mái đá của dân tộc Thái ở Sapa

Ngôi nhà của người Thái thường tựa lưng vào núi, mặt nhìn ra thung lũng. Người Thái Đen ở Tuần Giáo, Lai Châu, có kiểu nhà truyền thống là mái nhà khum tròn, hình mai rùa, hai đầu hồi có khắc hình trang trí khau cút. Người Thái trắng ở Quỳnh Nhai, Sơn La, làm nhà theo mặt bằng hình chữ nhật, gần vuông, có lan can trước cửa hoặc xung quanh nhà. Mái nhà thường chìa ra bốn phía.

Vật liệu lợp nhà người Thái thường dùng là tranh, có nơi dùng gỗ dát mỏng, nứa hoặc mái đá. Cầu thang của nhà sàn Thái cũng khá độc đáo với nhiều cách: Cầu thang đi thẳng vào mặt ngang của gian đầu hồi. Gian này là gian tiếp khách và cho nam giới ngủ lại nhà. Một cầu thang đi vào phòng khách, một cầu thang dành cho phụ nữ đi vào phòng phía trong, một cầu thang đi dọc hành lang. Ngôi nhà sàn luôn rộng rãi, thoáng mát, ngăn nắp và hợp vệ sinh, làm cho con người cảm thấy thoải mái. Nhà sàn làm cho bản Thái trở nên thơ mộng.

Từ trên cao nhìn những ngôi nhà sàn Thái càng thấy bắt mắt vì lối kiến trúc cân đối, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Với vẻ đẹp kiến trúc vốn có, nhà sàn Thái đã được xây dựng nguyên mẫu ở các khu du lịch tỉnh Lai Châu, Lào Cai.

  • Nệm bông lau

Đến mùa cỏ lau nở trắng xóa làm đẹp cho núi rừng, bản làng, đồng bào mang gùi đi hái về phơi khô rồi tuốt lấy bông. Bông cỏ lau được đánh cho tơi mịn, mềm mại rồi nhồi vào ruột của chăn, nệm, gối... tạo thành những sản phẩm đặc trưng của mỗi gia đình. Vỏ chăn, nệm, gối được may từ các loại vải thổ cẩm do đồng bào dệt lấy, có hoa văn, trang trí đẹp mắt, làm tăng thêm giá trị của sản phẩm. Chăn cỏ lau rất được đồng bào ưa chuộng, hầu như nhà nào cũng có đến vài chục chiếc. Chúng được xếp ngăn nắp ở một góc nhà. Loại chăn này nhẹ và ấm, rất phù hợp với khí hậu mùa đông rét buốt ở miền núi phía Bắc.

Đây là một tài sản mà hầu như nhà nào cũng có, dù giàu hay nghèo, rất gần gũi, gắn bó với cuộc sống của con người. Các cô gái trước khi lấy chồng, bên cạnh dệt những tấm váy áo đẹp, họ còn làm ra một số chăn, gối bằng bông cỏ lau để làm hành trang xây dựng cuộc sống lứa đôi.

Đi du lịch hay tham quan bản làng người Thái, du khách sẽ được tiếp đón rất ân cần, tử tế với lòng hiếu khách của đồng bào. Chủ nhà rất lấy làm sung sướng khi được khách “ngủ thăm”. Trên ngôi nhà sàn thoáng đãng, khách sẽ được ngủ ngon trong những chiếc chăn, chiếc gối bông lau êm ấm.

  • Áo cóm - khăn piêu

Áo cóm của phụ nữ Thái được may vừa khít thân hình, dài đến hông, mép gấu áo vừa đủ chấm mép cạp váy, làm nổi bật

Ấn tượng bản Thái ảnh 2

Sắc xuân vùng cao 

những đường cong trời phú của người phụ nữ. áo được tết nút bằng khuy vải hoặc bằng đồng. áo mặc ngày hội màu trắng hoặc màu vàng, có màu sắc tươi sáng.

Chiếc áo cóm mặc trong các lễ hội được trang trí bằng 11 cúc kim loại, bằng bạc hay bằng nhôm, bà con thường gọi là mak pềm (cúc bướm), có hình con ve, con nhện, com bướm. áo được cho vào trong cạp váy dùng thắt lưng vải quấn xung quanh eo, khi buộc để thõng hai đầu thừa thắt lưng bên hông. Thắt lưng màu xanh hay màu tím làm nổi bật bộ trang phục giàu nữ tính.

Bên cạnh áo cóm, người Thái còn có chiếc khăn piêu độc đáo. Khăn piêu là một phần quan trọng trong trang phục phụ nữ Thái, nó không chỉ có tác dụng che nắng che mưa, giữ ấm mái đầu khi mùa đông giá rét mà còn là vật trang điểm làm đẹp cho các cô gái Thái trong ngày thường cũng như trong ngày hội. Khăn piêu có độ dài bằng một sải tay, khổ rộng gần bằng hai gang tay nhuộm màu xanh chàm. Khi đội, một đầu khăn vắt chéo lên đỉnh đầu rồi bẻ vuông góc mép khăn phủ xuống trán và một đầu khăn sau lưng, để lộ hoa văn ra phía trước và phía sau lưng.

Hai đầu khăn piêu thêu bằng chỉ ngũ sắc, các góc tết thành sừng gọi là kút piêu. Kút piêu có hình tròn như đồng xu đầy mặt, có bốn múi, giá trị của khăn piêu là có bao nhiêu kút piêu được trang trí trên đó. Khăn piêu còn dùng để tặng người yêu làm tin giữa nam và nữ. Khăn piêu đẹp bởi các hoa văn được trang trí hài hòa, rực rỡ, làm cho người phụ nữ càng thêm duyên dáng, sang trọng.
  • Đôi bung

Nếu phụ nữ các dân tộc ở núi rừng Trường Sơn - Tây Nguyên có chiếc gùi gắn sau lưng lúc đi nương đi rẫy thì người phụ nữ dân tộc Thái có đôi bung như vật bất ly thân mỗi khi đi chợ, đi làm đồng. Bung được làm từ nan tre, bương chẻ mỏng, chuốt trơn. Mỗi đôi bung chứa được tương đương 30kg thóc, do đó, bung còn là đơn vị đo lường truyền thống của đồng bào.

Chiếc bung có miệng hẹp, bụng tròn, đáy bụng được đan vuông góc, gài buộc hai thanh tre cứng đỡ đáy, tránh bị va quyệt xuống đất, tránh bị rách hỏng. Người Thái dùng chiếc đòn gánh bằng gỗ cứng hoặc bằng gốc tre đực nhỏ, có mấu hai đầu để giữ cố định gánh hàng trên vai. Đôi bung là vật dụng hữu ích của người Thái. Những cô gái Thái sớm chiều gánh đôi bung trên đường làng gợi lên một vẻ đẹp bình dị, nữ tính, thể hiện sự chịu thương chịu khó trong cuộc sống, lao động.

  • Múa xoè
Ấn tượng bản Thái ảnh 3

Đôi bung của phụ nữ Thái

Múa xòe là điệu múa tập thể không thể thiếu trong các lễ hội cộng đồng của người Thái. Khi khúc dân ca Thái “Inh lã ơi! Xao noọng ơi!” quen thuộc được cất lên, các cô gái lần lượt mời người đi dự hội bước vào vòng xòe. Người múa nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa và thường ngược chiều kim đồng hồ. Khách quý đến dự lễ, sau khi mời uống rượn cần, các cô gái Thái nắm tay khách tỏ cử chỉ thân thiện, quý mến và dắt khách bước vào múa xòe chung vui với dân bản. Chỉ vài bước nhảy ban đầu để làm quen động tác, sau đó du khách có thể nhảy múa say sưa, thuần thục. Trong lễ hội hoa ban ở Mộc Châu, người Thái còn có điệu xòe ống rất sinh động. Khi tiếng trống, tiếng chiêng, khèn vang lên là lúc gọi mời bà con tham gia lễ hội bước vào vòng xòe. Từng đôi nam nữ mỗi người cầm một đoạn ống tre bằng một sải tay vừa đi vừa vỗ xuống tấm ván tạo ra âm thanh, tiết tấu cho điệu múa xòe. Nhà sàn, nệm bông lau, phong tục đón khách cũng như những nét sinh hoạt văn nghệ dân gian đầy ắp chất nhân văn - tất cả làm nên ấn tượng cho du khách khi được đến tham quan bản Thái .

TẤN VỊNH

Tin cùng chuyên mục