Trung tuần tháng 2, trong chuyến thăm tỉnh Hyogo, Nhật Bản, đoàn nhà báo trẻ Việt Nam đã có cơ hội đến tham quan ngôi làng cổ nổi tiếng Maruyama. Tuy thời gian nghỉ lại làng không lâu, nhưng những ấn tượng về ngôi làng này đã đọng lại rất sâu sắc.
Cuộc sống tại Nhật Bản
Từ trung tâm thị xã Sasayama, xe của đoàn chúng tôi đến làng chỉ mất chưa đầy 10 phút. Khác hẳn với hình ảnh phố thị nhộn nhịp của Sasayama, ngôi làng hiện ra trước mặt chúng tôi với hình ảnh thật yên bình và xinh xắn.
Làng Maruyama nằm trong thung lũng bao quanh nhiều cây xanh, với những ngôi nhà đã hơn 150 tuổi, vẫn giữ nguyên những nét thanh bình, trang trọng vốn có. Trải qua một chuyến đi khá dài nên ai cũng đều thấm mệt, nhưng sự nồng hậu của những thành viên của NPO, tổ chức được thành lập để thiết kế tour du lịch sinh thái “Cuộc sống tại Nhật Bản” trong làng đã làm mọi mệt mỏi dường như tan biến.
Bước chân vào một trong ba ngôi nhà được sử dụng trong tour du lịch, cảm giác đầu tiên là sự ấm cúng nhờ những nét kiến trúc cổ xưa với hệ thống cửa lùa, sàn gỗ, gian bếp truyền thống có lò sưởi bằng than đặt ở góc bếp. Tuy có kiến trúc xưa nhưng nhà vẫn có đầy đủ trang bị hiện đại với những chiếc máy sưởi điện ấm áp được đặt trong các phòng ngủ, hệ thống Internet wifi.
Sau bữa tối rộn vang tiếng cười với những người bạn Nhật cùng lẩu nấm và rượu sake, sáng hôm sau chúng tôi được thưởng thức một bữa cơm truyền thống đậm chất nông thôn với đủ loại nông sản tươi ngon. Sau đó là thưởng thức nghệ thuật trà đạo nổi tiếng của xứ hoa anh đào. Người uống không những được thưởng thức chén trà thơm ngon do các nghệ nhân mời mà còn có thể tự tay pha trà theo đúng truyền thống Nhật.
Cũng trong chương trình, chúng tôi cùng tham gia giã bánh dày, món ăn không thể thiếu trong các buổi lễ cúng thần ngày tết, cũng như trong các bữa tiệc đón khách quý ở nông thôn Nhật.
Hiện trạng làng cổ
Theo lời kể của ông Sakoda Naomi, trưởng làng và cũng là Giám đốc Tổ chức NPO tại Maruyama, ngôi làng chỉ có 10 ngôi nhà của 10 hộ dân sinh sống. Nhưng sau cơn suy thoái xảy ra tại vùng nông thôn Nhật Bản cách đây 10 năm, những hộ dân này đã bỏ nông thôn lên các thành phố lớn.
Tình trạng này không những chỉ xảy ra tại các ngôi làng cổ ở Hyogo mà còn diễn ra tại nhiều ngôi làng khác trên khắp đất nước Nhật Bản. Hiện trong làng chỉ còn duy nhất ông Sakoda sinh sống và các nhân viên của NPO.
Lo ngại những giá trị truyền thống của làng Maruyama bị mai một và hy vọng người thành thị quay trở về cuộc sống nông thôn, ông Sakoda Naomi cùng các thành viên của NPO đã nộp hồ sơ xin chính phủ cho thí điểm thực hiện dự án làng sinh thái cách đây 2 năm.
Năm ngoái, sau khi được chính phủ chấp nhận và được sự hỗ trợ của tỉnh Hyogo đang có phong trào phát triển lại nông thôn, làng Maruyama tiến hành các hoạt động bảo tồn và giới thiệu về mô hình du lịch sinh thái.
Mượn 3 ngôi nhà không sử dụng từ các chủ sở hữu, NPO đã tu sửa lại làng để phục vụ và tổ chức những chương trình văn hóa như trà đạo, giã bánh dày, thưởng thức bữa ăn nông thôn để thu hút khách du lịch. Kinh phí sửa chữa lên tới 7 triệu yên, trong đó có một nửa là tiền hỗ trợ của chính phủ và phần còn lại là quỹ đóng góp của những người dân địa phương.
Ông Naomi cho biết, Maruyama là ngôi làng cổ đầu tiên được chọn thí điểm để tổ chức mô hình du lịch sinh thái bởi việc hàng trăm ngàn người dân bỏ làng lên thành phố đã trở thành một hiện trạng đáng báo động tại nông thôn Nhật. Nếu Maruyama tổ chức thành công mô hình này, chính phủ sẽ tiếp tục cho thí điểm tại nhiều ngôi làng cổ khác.
Rời ngôi làng vào buổi chiều hôm đó, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy bùi ngùi và tiếc cho một ngôi làng chỉ còn lại những ngôi nhà vắng lặng khi hầu như không còn ai muốn sinh sống ở đó. Bên cạnh tiếc nuối là sự cảm phục lòng nhiệt huyết của vị trưởng làng đã qua tuổi 70 và các thành viên của tổ chức NPO, đa phần là những người cao tuổi, muốn đem hết sức lực để gầy dựng và gìn giữ giá trị truyền thống của làng cổ ở Nhật Bản.
Thanh Hằng