Lạc vào cõi sách - một hành trình tri ân nghề và người làm sách

Nhân dịp ra mắt hai tập sách “Lạc vào cõi sách” (Nhà xuất bản Thế giới, 2025), chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện với tác giả Lê Huy Hòa, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Lao Động, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Công nhân.

Từ những trang viết mang đậm chất hồi cố, chân dung và tri ân, Lê Huy Hòa đã khắc họa lại một thế hệ làm sách đầy đam mê, từng trải và bản lĩnh.

Bên cạnh những tâm sự nghề nghiệp, tác giả còn chia sẻ một câu chuyện đặc biệt, đó là việc ông bắt tay dịch một tiểu thuyết văn học Nga, viết về người lính quân đội Nga - từng có tiếng vang trước khi Liên Xô sụp đổ - như một biểu hiện khác của tinh thần nhập cuộc của người làm biên tập, người làm sách chân chính.

97a2ab5838788e26d769 (1).jpg

Phóng viên: Thưa ông, từ lúc tập 1 đến nay là tập 2 của Lạc vào cõi sách ra mắt, ông có thể chia sẻ điều gì khiến ông quyết định "lạc bước" vào việc viết sách ở tuổi đã nghỉ hưu?

Lê Huy Hòa: Thực ra, việc ra đời tập sách đầu tiên cũng là một "hữu duyên". Ấy là tình cờ trong một cuộc họp mặt những nhà làm sách kỳ cựu, tôi nhận được lời mời góp một bài viết. Thế rồi, bạn bè đọc và động viên: “Sao anh không gom lại, kể thêm, viết tiếp?”.

Những khích lệ chân thành ấy đã thành mạch nguồn thôi thúc tôi quay lại với nghề, lần này là bằng con chữ riêng mình, để tri ân nghề, tri ân những người từng đồng hành cùng tôi suốt mấy chục năm làm sách.

Vậy thì Lạc vào cõi sách là một tuyển tập ghi chép nghề nghiệp hay là điều gì hơn thế nữa?

Quả thực, Lạc vào cõi sách không đơn thuần là ghi chép nghề nghiệp, mà là ký ức sống động về một thời, một thế hệ của những người làm sách, sống với sách và vì sách.

Tập 1 chủ yếu là những chân dung đồng nghiệp, bạn văn - những người tôi quý mến, từng chung lưng đấu cật dựng lên diện mạo xuất bản thời Đổi mới.

Tập 2 mở rộng hơn, thêm nhiều lát cắt về văn hóa đọc, những người “truyền lửa”, “cõng chữ” làm sách. Họ là nhà văn, dịch giả, nhà khoa học, người “lái sách”, người quản lý cơ quan xuất bản... Tất cả đều gắn với sách như một định mệnh. Tôi gọi đó là “cõi sách”, và tôi “lạc vào” không phải để thoát ly thực tại, mà để nhận diện lại chính mình và thế hệ mình từ một chiều sâu văn hóa.

Có bạn đọc hỏi vui: "Ông không ghi chép gì mà sao nhiều chuyện thế?" - ông có nghĩ gì về điều này?

(Cười). Ừ, đúng là tôi không có thói quen ghi chép hàng ngày. Nhưng những người tử tế, sống đẹp và đầy tinh thần cống hiến mà tôi từng gặp - họ để lại dấu ấn sâu sắc trong tôi. Ký ức về họ như một kho lưu trữ âm thầm mà bền bỉ.

Tôi viết ra không phải để kể công hay hoài niệm, mà như một lời tri ân chân thành đến họ, và đến “cái nghề có thể gọi là chơi cũng lắm công phu” - nghề làm sách.

PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hữu Đạt nhận xét: “Lê Huy Hòa dựng chân dung bằng tâm thế của người từng trải, điềm tĩnh và cẩn trọng”. Ông có nghĩ đó cũng là nét riêng trong cách viết của mình?

Tôi không dám tự nhận điều đó, nhưng đúng là tôi viết không bay bổng. Tôi không còn ở độ tuổi chạy theo tu từ hoa mỹ.

Viết với tôi là dựng lại những gì mình thật sự cảm thấy cần phải viết ra. Tôi từng là lính, từng làm biên tập viên, từng quản lý xuất bản, nên chữ nghĩa với tôi là công cụ để làm sáng điều mình tin. Khi viết chân dung, tôi chỉ mong truyền đi cảm xúc chân thành, lay động người đọc qua một vài khoảnh khắc giản dị mà chân thật.

Trong hai tập sách, ông chọn chân dung nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, họa sĩ… Vậy, có tiêu chí nào cho việc lựa chọn các bài viết?

Không hề, vì nếu bám vào tiêu chí thì dễ bị khuôn sáo. Chỉ đơn giản là tôi viết theo cảm nhận về những người đã từng để lại dấu ấn trong đời làm nghề của tôi.

Có người từng cùng tôi làm một cuốn sách, có người tôi hằng mến mộ, có người tôi quen qua vài buổi cà phê nhưng cảm thấy cần lưu giữ. Tôi không chọn theo danh tiếng, mà chọn theo cảm xúc.

9.jpg

Nhà văn Ma Văn Kháng từng nói: “Lạc vào cõi sách” làm ta đọc say mê và dễ hiểu - một cuốn sách hay đến bất ngờ!” - ông nghĩ gì về nhận xét ấy?

Tôi rất xúc động. Nhà văn Ma Văn Kháng là người tôi trân quý từ lâu. Được ông đọc và khen như vậy, tôi thấy công sức của mình không uổng. Cũng nhờ vậy mà tôi có thêm động lực hoàn thành tập hai.

Được biết, trong Lạc vào cõi sách 2, ông có đưa vào một bản dịch văn học Nga, một tiểu thuyết (từng gây chấn động dư luận một thời bên nước bạn).

Đây cũng là một mạch riêng mà tôi trân trọng muốn đưa vào. Đó là một tiểu thuyết của một nhà văn Nga viết về tình trạng vô kỷ luật, bát nháo trong một đơn vị huấn luyện của quân đội Xô viết thời bình - những năm cuối cùng trước khi Liên Xô rã đám. Cuốn sách này tôi được một người bạn tặng khi anh ấy từ nước ngoài trở về.

Biết tôi là BTV sách văn nghệ ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, anh nhờ tôi đọc và giới thiệu. Anh nói, ở bên Nga, cuốn này đã được coi là một “hiện tượng”, vì dám “lộ sáng” những tiêu cực nội bộ trong quân đội - mà nếu không khắc phục sớm, sẽ dẫn đến thảm họa. Điều ấy đã ứng nghiệm về sau…

Tôi đặt vấn đề với dịch giả Đoàn Tử Huyến - một tên tuổi uy tín - anh đọc xong, thì rất cảm kích và nói: “Đây là một tác phẩm hay, đáng dịch, nhưng tôi không dám nhận lời. Vì tôi chưa từng sống đời lính, sẽ khó mà chuyển tải đúng tinh thần tác phẩm. Thứ hai, sách dùng nhiều tiếng lóng quân đội - nếu không có trải nghiệm trong môi trường ấy thì rất dễ dịch sai”. Và anh Huyến khuyên tôi cứ mạnh dạn dịch.

Từ lời ký thác ấy, tôi mạnh dạn dịch cuốn Trước 100 ngày ra quân và được in lần đầu ở NXB Văn học. Lần này, tôi tiếp tục trình làng ở Lạc vào cõi sách 2 như một lời kể khác về hành trình làm nghề của mình.

Viết văn, viết phê bình, dịch sách - theo tôi - đều là những phần việc người làm biên tập cần thử, để hiểu rõ hơn công việc của các cộng tác viên, để “ngấm” được đời sống chữ nghĩa từ bên trong.

Một người làm sách mà “lấn sân” dịch văn học quân đội Nga thì đúng là đặc biệt rồi!

(Cười). Tôi không nghĩ mình “lấn sân”, chỉ nghĩ mình cần bước thêm một bước để hiểu và gắn bó hơn với nghề. Mà nghề làm sách, suy cho cùng, chính là một cuộc dấn thân không điểm kết thúc…

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này, chúc ông luôn khỏe để tiếp tục dẫn bạn đọc, nhất là lớp trẻ Lạc vào cõi sách, một thế giới có rất nhiều điều thú vị cần được khám phá, chinh phục!

Tin cùng chuyên mục