Tôi bất ngờ đọc câu thơ Vũ Thụy Nhung khi chuẩn bị chuyến hành trình dài ngày về Quảng Ngãi: “Em có về Quảng Ngãi với anh không, trong tháng chạp nước sông Trà xanh lắm” và chợt giật mình. Con sông Trà của Vũ Thụy Nhung chính con sông mà tôi đã làm quen trong con sông quê hương của thi sĩ nổi tiếng phong trào thơ mới - Tế Hanh. Và trước đó, cùng với núi Ấn, sông Trà được vua Tự Đức liệt vào hàng danh sơn và đại giang, hai trong Quảng Ngãi thập nhị cảnh nổi tiếng trong sách Nguyễn Cư Trinh, làm nên địa danh núi Ấn sông Trà, nét độc đáo của xứ địa linh nhân kiệt.
Không chỉ núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc, nằm ở vị trí dãy Trường Sơn chồm sát ra biển, Quảng Ngãi còn có những thắng cảnh như sông Vệ, sông Trà Bồng, núi Sa Kỳ, núi Phú Thọ và Cổ lũy cô thôn… Với đường bờ biển kéo dài 150km, sự ưu ái đặc biệt của thiên nhiên đã tạo ra cho Quảng Ngãi nhiều bãi biển đẹp như mơ: Khe Hai, Mỹ Khê, Đức Tân, Sa Huỳnh. Và những địa danh đã đi vào lịch sử như Ba Tơ, Vạn Tường, Sơn Mỹ - những cái tên ghi dấu ấn đặc biệt trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc. Cả những sản vật mà những ai đã chạm mặt mảnh đất này không thể nào quên: cá bống sông Trà, tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, muối Sa Huỳnh, đường phèn Quảng Ngãi…
Nhưng chúng tôi đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng thắng cảnh thiên nhiên và những dấu ấn một thời. Hành trình đến Quảng Ngãi của chúng tôi chủ yếu là đề thực mục sở thị những bước đi lên của một mảnh đất nghèo “chó ăn đá gà ăn sỏi” khắc nghiệt miền Trung.Và cũng là để mắt thấy tai nghe vị Bí thư Tỉnh ủy trẻ Võ Văn Thưởng, một người con Nam bộ gốc nhập cuộc ở mảnh đất khác hẳn cả thung thổ, nếp tư duy và tính cách con người như thế nào.
Tiếc là cuộc diện kiến đầu tiên ở Quảng Ngãi không có mặt anh. Qua điện thoại, anh hứa sẽ thu xếp gặp chúng tôi nhưng Tuấn, Phó văn phòng Tỉnh ủy, lắc đầu: “Hôm nay không được đâu. Anh Thưởng đang ở Sài Gòn. Bay chuyến bay cuối ngày Sài Gòn - Đà Nẵng, về đến đây chắc phải quá nửa đêm”. Còn Đại Thắng, cán bộ văn phòng thì trấn tĩnh chúng tôi: “Chắc chắn anh Thưởng sẽ gặp các anh. Nhưng phải đợi. Mấy ngày nay lịch làm việc của ảnh đã kín hết rồi”.
Không cần hai anh giải thích chúng tôi cũng hình dung ra đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bận đến mức nào. Anh là con người hành động, phong cách làm việc của thời còn làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Nghe lịch công tác của anh đã thấy chóng mặt. Ngày chúng tôi làm việc ở Dung Quất, anh dự hội nghị công tác nội vụ. Hôm chúng tôi đi Lý Sơn, anh chủ trì phiên họp Tỉnh ủy. Khi chúng tôi ngược ra Ba Tơ thì anh đi thị sát ở Mộ Đức. Và giữa những việc có tên ấy là vô số những việc không tên: tiếp một đoàn đầu tư nước ngoài, nghe ý kiến khiếu nại của dân, tiếp và nghe phản ánh của các cán bộ lão thành hưu trí…
Không gặp được Bí thư Tỉnh ủy, ngày hôm sau,chúng tôi trực tiếp xuống cơ sở. Chúng tôi thực sự chứng kiến một Quảng Ngãi đầy sức sống đang thay da đổi thịt. Khó có thể hình dung 10 năm trước đây, Quảng Ngãi vẫn là một tỉnh nghèo, kém phát triển, thu ngân sách chỉ khoảng ba, bốn trăm tỷ đồng/năm. Với sự bùng nổ đầu tư từ năm 2006 đến nay, đường lối đổi mới mở cửa của đất nước và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của địa phương đã làm thay đổi tận gốc vùng đất ven biển này. Từ một tỉnh gần như không có sản phẩm công nghiệp nào, năm 2008 mới xuất khẩu 59 triệu USD, đến nay kim ngạch xuất khẩu đã đạt gần 300 triệu USD. Hoạt động nhập khẩu cũng nhộn nhịp hơn.
Từ chỗ nhập khẩu khiêm tốn ở mức vài chục triệu USD đã tăng lên hơn 3 tỷ USD vào năm 2012. Sự gia tăng hoạt động nhập khẩu gắn liến với sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp như khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong và Phổ Phong. Đặc biệt là khu công nghiệp Dung Quất. Trong đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đang trở thành cú huých kích thích sự phát triển của kinh tế Quảng Ngãi và toàn khu vực. Với 289 dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng số vốn đầu tư là 177.500 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với số vốn 3,9 tỷ USD, từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp đã chiếm 61% cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi.
Nhưng thách thức gay gắt vẫn đang ở phía trước và không dễ dàng có thể vượt qua. Tôi nhận thấy rất rõ điều đó trong những cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc, Chánh văn phòng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn Đặng Hồng Sơn; Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Phạm Văn Nho; Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn - Trần Trung Nguyên… và nhìn những nếp nhăn hằn sâu trên trán các anh. Kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục suy thoái chưa có điểm dừng. Nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài càng khó tìm. Trong khi đó, chỉ nói riêng Dung Quất, chiếc áo cũ đã quá chật. Dung Quất muốn phát triển đột phá, cần xây dựng cảng nước sâu mới, xứng tầm với các dự án công nghiệp nặng quy mô lớn.
Trong tương lai, Trung tâm Lọc hóa dầu quốc gia gắn với cảng nước sâu Dung Quất sẽ là trung tâm hình thành thành phố công nghiệp Vạn Tường. Với độ sâu 24m, cảng nước sâu có khả năng đáp ứng tàu trọng tải 250.000 đến 300.000 tấn. 9km chiều dài bờ vịnh, nối với vùng đất 5.000ha để phát triển công nghiệp nặng, 2.000ha để phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ hình thành tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất 2. Một nhiệm vụ thật khó khăn: Phấn đấu năm 2015, Khu kinh tế Dung Quất thu hút 15 tỷ USD đầu tư. Năm 2020, 25 tỷ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu đó, sau năm 2020, Dung Quất sẽ thành một thành phố công nghiệp.
Bước khởi động đã sẵn sàng. Hiện liên danh Nikken Sekei (Nhật) và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng - đường thủy (Tediport) đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2000 khu Bến cảng Dung Quất 2. Quảng Ngãi đang nỗ lực mời gọi đầu tư các dự án lọc hóa dầu, hóa chất,công nghiệp chế tạo đóng tàu biển, luyện cán thép, nhiệt điện và công nghiệp phụ trợ gắn liền với cảng biển Dung Quất 2. Để hỗ trợ dự án này, chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất 2 từ 10.300ha lên 45.332ha.
Nhưng đó vẫn là thì tương lai. Một tin vui cho thì hiện tại: Quảng Ngãi vừa trao giấy phép đầu tư cho 2 dự án của Singapore. Dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Quảng Ngãi thực hiện 2 giai đoạn trên diện tích 1.200ha. Giai đoạn đầu thực hiện 160ha khu công nghiệp và 100ha khu đô thị - dịch vụ tại Sơn Tịnh với số vốn đầu tư 155 triệu USD. Giai đoạn 2 sẽ nhắm tới mục tiêu phát triển công nghiệp sạch đi đôi với chuỗi đô thị và dịch vụ.
Dự án nhà máy nhiệt điện Dung Quất do Tập đoàn Sembcorp đầu tư, dự kiến công công suất 1.200MW có vốn khoảng 1,5 tỷ USD. Cũng không thể không nhắc đến những dự án đang triển khai: dự án du lịch sinh thái biển Lý Sơn có diện tích 80.000ha dự kiến khởi công giữa năm 2013. Dự án cấp điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng đang khởi động…
Chúng tôi gặp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng vào buổi sáng cuối cùng trước khi rời Quảng Ngãi. Anh xin lỗi vì bây giờ mới gặp được nhau. Không đủ thời gian để làm một cuộc phỏng vấn, 7 giờ 30 anh đã có một cuộc họp quan trọng. Bởi vậy tôi như bắt được vàng khi anh nói về kinh nghiệm quý giải tỏa đền bù Khu công nghiệp Singapore. Chỉ trong vòng 20 ngày, các anh đã giải tỏa trắng được hàng chục hécta.
Hỏi bí quyết, anh cười: Chúng tôi mời các ngân hàng xuống tận nơi để tư vấn cho bà con với các bài tính cụ thể. Làm nông nghiệp 10 năm, thu được bao nhiêu. Nhận đền bù gửi ngân hàng từng ấy thời gian được bao nhiêu. Hơn thiệt được minh chứng rõ ràng.Nếu không gửi ngân hàng thì tư vấn cho bà con hướng đầu tư để đồng tiền sinh lợi.
Nếu không có tấm lòng vì con người, tất cả vì người dân làm sao có thể có thể có một giải pháp tạo ra sự đồng thuận đến vậy. Vâng! Chân lý đơn giản thế đây. Sự đồng thuận sẽ có được khi chúng ta có những chính sách vì dân. Tấm lòng vì nhân dân chính là cây gậy thần giúp người lãnh đạo hòa nhập dễ dàng. Võ Văn Thưởng đã hội nhập trước hết bằng chính cái tâm trong ấy của anh. Người con của Nam bộ đã thực sự trở thành thành viên đại gia đình Quảng Ngãi và đang cùng với cùng hàng triệu người dân ở đây góp phần làm nên một diện mạo mới của núi Ấn sông Trà, tạo động lực cho sự phát triển tương lai của một vùng đất hứa.
| |
Dương Trọng Dật