Đến thời điểm này, Bình Dương là xã đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Có được kết quả ấy là ở sự đoàn kết trong hệ thống lãnh đạo xã, sự khôn khéo triển khai các giải pháp, đặc biệt là khai thác nội lực.
Gặp những người dân địa phương, bắt gặp sự hồ hởi cùng tham gia xây dựng NTM, người hiến đất, hỗ trợ ngày công, người hỗ trợ tiền đã góp phần cùng Bình Dương vững vàng vượt qua khó khăn để cán đích.
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc”
Không còn những cảnh hoang tàn đổ nát sau chiến tranh. Không còn những ngổn ngang nhà cửa, xác xơ ruộng vườn, những ngấn nước, bùn đất nhão nhoẹt, lấm lem… khi vừa trải qua cơn lũ lịch sử năm 2009, xuôi theo dòng sông Trà Bồng quanh năm hiền hòa chảy về hạ nguồn, vùng đất trù phú xã Bình Dương của ngày hôm nay hiện ra như ngôi làng cổ tích.
Ông Nguyễn Tấn Tỏa (65 tuổi), ở tổ 8, thôn Mỹ Huệ 2 đang làm nhà kiên cố với kinh phí dự tính khoảng hơn 250 triệu đồng. Kể từ ngày ông Tỏa hiến đất cho xã làm con đường bên hông mở rộng từ 1,5m lên hơn 3m, xe chở vật liệu xây nhà đã vào tới tận nơi. Con cái ông bảo đường mở rồi, NTM có khang trang hay không còn tùy vào người dân nữa, nên đã gửi tiền về cho ba mẹ làm nhà. Nói về việc hiến đất của mình để cùng xây dựng NTM, ông cho biết rằng ông tự nguyện chứ không chờ vận động. Khi tiến hành làm đường, ông lại bảo đường mở rộng bao nhiêu cứ lấy bấy nhiêu đất chứ không nhất thiết 1 hay 2m. “Chú cũng hay huy động bà con tham gia xây dựng NTM vì đem lại những lợi ích thiết thực lắm. Đường giao thông rộng rãi thì đương nhiên kinh tế sẽ lên. Ví dụ như đường bên cạnh nhà chú đây, nếu như không mở ra, không cách gì xe đưa vật liệu xây dựng vô để làm nhà được hết. Từ ý thức chỗ đó, chú tình nguyện hiến đất, các anh cứ mở ra được bao nhiêu cứ mở”- ông Tỏa chia sẻ.
100% đường liên xã, liên thôn ở Bình Dương được bê tông, thảm nhựa.
Với anh Nguyễn Tấn Cường, bên cạnh nhìn nhận việc xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, anh Cường còn khoe: “Ở đây, tôi có 4 đám ruộng trước đây nằm ở nhiều vị trí khác nhau. Sau khi có chủ trương xây dựng NTM, 4 đám ruộng dồn thành 1 thửa để áp dụng cơ giới hóa. Nhờ đó mà từ những công việc đơn giản nhất như cuốc cỏ mấy cái góc ruộng cũng giảm đi rất nhiều, năng suất lúa thì tăng lên đáng kể, từ chỗ chỉ khoảng 58 tạ/ha, nay tăng lên 63-65 tạ/ha”…
“Quê hương, ai cũng có…”
Ông Huỳnh Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã cho rằng không phải ngẫu nhiên mà họ có sự tự nguyện, thống nhất như thế. Bởi gần như họ thấy được những lợi ích từ các mục tiêu về chương trình NTM mang lại nên đồng lòng tham gia. Từ việc con em được học trong ngôi trường khang trang, chất lượng, đến việc chăm sóc y tế ân cần hay việc dồn điền đổi thửa mang lại sản lượng, năng suất cao. Từ dồn điền đổi thửa, Bình Dương đã xây dựng thành công mô hình 150ha cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có 85ha đạt mức thu nhập từ 300-350 triệu đồng/năm. Có nguồn thu khá, cuộc sống đủ đầy, người dân tích cực tham gia chương trình NTM. Cùng với hiến đất mở đường, hỗ trợ ngày công làm đường giao thông, người dân địa phương đã hỗ trợ bằng tiền mặt hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, có con em của địa phương sinh sống và làm ăn ở TPHCM đã hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng để làm chợ, xây cầu và bờ kè sông Trà Bồng chống sạt lở mỗi khi mùa mưa bão tràn về.
Nhận được sự quan tâm hảo tâm ấy, theo ông Lê Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Bình Dương là ngay từ đầu, xã đã xác định dù có đi bốn phương trời, nhưng ai cũng chỉ có một quê hương để hoài niệm và để quay về, để được tắm mình trong ký ức tuổi thơ, soi lại bóng hình nơi mặt sông xanh mát, nhớ về những trưa hè nắng nóng cháy da để vùng vẫy, ngụp lặn cùng bạn bè... Không ai lại muốn quê hương mình cứ mãi nghèo đói, bấp bênh giáp hạt. Vậy nhưng, muốn xây dựng quê hương ngày một phát triển thì ngoài việc huy động nội lực từ cán bộ, nhân dân đang sinh sống tại quê hương, còn cần phải huy động sự đóng góp đầy trách nhiệm và nghĩa tình từ con em của quê hương đi làm ăn xa thành đạt, để cùng chung tay góp sức xây dựng quê nhà. Vì lẽ đó, cứ 2 năm một lần, lãnh đạo xã tổ chức gặp mặt bà con quê hương nhân dịp Tết cổ truyền. Đại diện Thường trực Đảng ủy, UBND, MTTQ xã đi thăm, họp mặt Hội đồng hương tại TPHCM, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk... nhằm báo cáo tình hình hoạt động và kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của xã, để bà con đang ở xa nắm bắt được đầy đủ thông tin về quê hương mình; đồng thời đề xuất kế hoạch xây dựng những công trình cần thiết phục vụ sản xuất và dân sinh tại xã nhà, thông qua đó vận động bà con quê hương ủng hộ, giúp đỡ.
Xã nông thôn mới Bình Dương.
Những con đường làng ở Bình Dương vốn quanh co uốn lượn nay đã được thay thế bằng đường tráng nhựa, xi măng thẳng tắp. Hiện toàn xã có 100% trục đường xã, đường liên xã, đường thôn, 88% đường ngõ xóm đã được đổ nhựa và bê tông. Làng quê xưa như cù lao bốn bề giáp sông, giờ đã được xây dựng mới bằng những chiếc cầu bê tông cốt thép vững chãi với tổng kinh phí chương trình mục tiêu thực hiện trên 58 tỷ đồng, trong đó, kinh phí Nhà nước chỉ hỗ trợ hơn 38 tỷ đồng. Theo ông Lê Văn Dương, Phó Chánh Văn phòng Ban điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2015, Quảng Ngãi lên kế hoạch thực hiện thành công chương trình NTM ở 33/164 xã. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có xã Bình Dương về đích.
Xã Bình Dương - quê hương của nhà thơ Tế Hanh, nơi từng đi vào thi ca với những vần thơ phác họa nên hình tượng của bức tranh quê hương trong trẻo, dung dị và mộc mạc để mỗi khi ngân lên đến nao lòng: Quê hương tôi có con sông xanh biếc. Nước gương trong soi tóc những hàng tre. Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè… Vùng quê ấy ngày nay lại càng xinh đẹp hơn, giàu có hơn khi vững vàng trên con đường NTM để đi đến tương lai.*
Hà Minh