Ba Động mùa biển đỏ

Chật vật hút khách
Ba Động mùa biển đỏ

Khu du lịch Ba Động -“biển xanh cát trắng”, nơi dòng Mekong chia tay đất liền đổ ra biển Đông nay thưa thớt, vắng lặng. Cát dâng tràn, trải dài, ngoặm sâu vô đất liền làm tan hoang bãi biển thơ mộng ngày nào.

Bờ kè với đá hộc và lưới B40 tan hoang vì gió cát.

Bờ kè với đá hộc và lưới B40 tan hoang vì gió cát.

Chật vật hút khách

Khu du lịch Ba Động rộng hơn 300ha, chạy dài trên 15km bờ biển thuộc xã Trường Long Hòa (Duyên Hải - Trà Vinh), cách trung tâm Trà Vinh khoảng 55km theo quốc lộ 53. Nơi đây đã được đầu tư 2 tuyến đường trải nhựa đến tận mép biển, một nhà hàng 300 chỗ và các kiốt, khách sạn Rừng Dương (khu nghỉ dưỡng)… Nhưng Ba Động bây giờ như kém vui hơn mấy năm trước.

Ngày cuối tuần chỉ có vài ba chiếc ô tô, dăm ba chục khách. Những chiếc tum lá nép dưới hàng phi lao ven biển đã được dời đi chỗ khác. Cả khu du lịch chỉ có 1 - 2 bàn bày vài món đồ lưu niệm, đặc sản địa phương cùng mấy chiếc xe đẩy bán cá viên chiên. Nước biển đỏ quạch, tràn từng nhịp, liếm chân mấy đứa trẻ làm chúng thích chí cười khanh khách. Một cánh diều vàng lơ lửng giữa trời xanh…

Ông Bùi Thanh Vũ, quản lý Khu du lịch Ba Động kéo ghế ngồi, vẻ mặt không vui. “Mùa gió chướng nên nước đổi màu đỏ quạch như vậy. Vào dịp tháng 1, tháng 2 âm lịch, khi nước biển chuyển màu xanh mới là mùa cao điểm…”. Từ năm 2009, du lịch Ba Động liên kết khai thác với một công ty ở TPHCM nhưng mỗi năm chỉ đón khoảng 180.000 khách - con số quả là khiêm tốn nếu so với các bãi biển khác. Trước đó, năm 2003, Công ty Du lịch Cần Thơ cũng liên doanh khai thác, hoạt động ì xèo được mấy năm rồi “ai về nhà nấy”.

“Khu du lịch sinh thái biển Nha Trang - Duyên Hải” rộng 7ha mới khai trương năm rồi, nằm ngay khu Nhà Mát, trên bãi biển đẹp nhất Trường Long Hòa, nơi Pháp từng xây khu nghỉ dưỡng, còn “thê thảm” hơn nữa. “Chú vô đây làm chi, đâu còn gì nữa…”, chị Ba bán bánh dạo đi ngược con đường dẫn vào khu du lịch này nói. Cặp vợ chồng trẻ cùng đứa con bước xuống từ chiếc xe du lịch biển số TPHCM ngơ ngác trước sự vắng lặng, không một bóng người của biển. Trên con lộ mới, chỉ có mấy cô thôn nữ dáng vóc khỏe mạnh vác trên lưng những bó củi lớn đi phăm phăm với nụ cười hiền lành, thân thiện.

Nỗi niềm của biển

Khu du lịch biển Ba Động từng được người Pháp khai thác rất sớm, khoảng đầu thế kỷ 20. Trường Long Hòa còn độc đáo với những ngôi “nhà âm” thời khói lửa; với địa danh Vàm Láng Nước, ấp Cồn Trứng, bến Cồn Tàu... của đoàn tàu không số; nhiều đặc sản ẩm thực (mắm rươi, ốc viết…) mỗi năm chỉ xuất hiện một lần. Thế nhưng “ba động cát” hoang sơ tạo danh cho xứ biển đã biến mất rồi - chị Tư Bình ở ấp Nhà Mát ngồi bệt trên cát, phảng phất nỗi buồn. Sợ nhất là mùa gió chướng cuối năm. Mùa này sóng càng lớn, cát vô càng nhiều. Chỉ qua hai mùa gió chướng mà có gia đình phải lùi nhà vô đến bốn lần. Ăn nhậu mà trộn với cát thì du lịch nỗi gì!

Mới đêm trước, tại TP Trà Vinh, anh bạn làng văn cả thời trai trẻ dạy học ở Duyên Hải còn kể vùng đất này là món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho đồng bằng. Sách xưa cho biết, ba thế kỷ trước cửa biển còn nằm sâu vô tận hai huyện Trà Cú và Cầu Ngang bây giờ. Lại mơ màng Ba Động còn là điểm cuối, nơi dòng Mêkông huyền thoại chia tay với đất liền nên đậm vẻ hoang vắng, bịn rịn. Thế nhưng đứng trước biển mới chứng kiến được sự khắc nghiệt, giận dữ lạ lùng của biển. Sóng phá kè đá, đục sâu, lôi đất ra biển. Đoạn đường bê tông cốt thép dẫn xuống biển phục vụ tàu cá bị sóng phá nền, phờ phạc trơ khung thép. Bờ kè đá hộc được kết bằng lưới thép B40 trước khu trung tâm du lịch Ba Động cũng tan hoang. Khu bãi tắm và nhà hàng (khu du lịch sinh thái biển) thơ mộng và hoành tráng dịp Tết Nguyên đán vừa qua nay vụt hoang tàn vì sóng biển, cát trắng.

Biển Ba Động mùa gió chướng.

Biển Ba Động mùa gió chướng.

Ba Động chưa chịu... “động”

Ba Động đã thay đổi cảnh quan, mất dần vẻ đẹp vốn có. Ba Động sẽ trơ trọi trước biển, trở thành “sa mạc cát”? Đó không chỉ đem lại nỗi buồn cho ngành du lịch mà còn là bao âu lo về cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm hộ dân ven biển. Ba Động còn hay mất rõ ràng phụ thuộc chủ yếu vào việc xử lý, chống đỡ được cát (tràn) hay không. Ba Động phải gánh chịu một lượng cát dồn về rất lớn từ “chín cửa sông” do nằm vắt ngang hai cửa biển Cổ Chiên (Bến Tre) và Định An (Sóc Trăng). Rừng dương chắn sóng dài và dày hàng cây số đã mất, nên làm sao trụ nổi quy luật biển tiến hiện nay? Nhanh chóng trồng lại, bảo vệ hữu hiệu rừng phòng hộ song hành với giám sát nghiêm ngặt việc khai thác cát bừa bãi, đào đất nuôi tôm sát biển mới là giải pháp căn cơ, lâu dài cho Ba Động.

Mấy năm trước, ở đây có dự án đến 16 tỷ đồng nâng cấp Khu du lịch Ba Động, trong đó làm cả bờ kè chắn sóng. Tuy nhiên, “Đã thấy động đậy gì đâu. Chúng tôi đang phải căng mình chống cát xâm thực bằng phương pháp thủ công. Cát lấn làm xáo động mọi sinh hoạt, sản xuất của địa phương, rất cần những giải pháp kịp thời, mang tính khoa học bền vững” - ông Trần Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Trường Long Hòa bức xúc.

Để du lịch nơi đây phát triển vẫn còn nhiều việc phải làm. Ba Động là “đường cụt”, chỉ hướng ra biển, dịch vụ còn yếu. Chiều xuống khách phải rút về chợ Dân Thành, cách đó hơn 6 cây số, nhưng chưa đến 20 giờ cả vùng đã phủ bóng đêm, vắng vẻ. “Anh muốn dùng cơm phải ra chợ ngay không nhịn đói mà ngủ đó”, bà chủ nhà trọ nhắc nhở. Phố chợ cũng chỉ có mấy quán cà phê leo lét ánh đèn, thanh niên kéo vô xoay hết cỡ volum “hét với nhau” cho đã...  

Cầu Long Toàn, Kinh Xáng, bãi Đồn... đã xong và sắp tới sẽ là Trung tâm điện lực Duyên Hải, dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2, Khu kinh tế Định An, công trình mở luồng Quan Chánh Bố, nâng cấp thị trấn Duyên Hải lên thị xã (đô thị loại IV), cầu Láng Chim... Những công trình đó sẽ nối kết, tạo dịch vụ, góp phần kích thích du lịch Ba Động chuyển mình như mong muốn.

Vũ Thống Nhất

Tin cùng chuyên mục