
(SGGP-12G).- Trong Bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, TPHCM) có một lớp học khá đặc biệt được mở tại khoa Vật lý trị liệu. Nói đặc biệt bởi lớp học này chính là nơi nương tựa tinh thần của những bệnh nhi đang từng ngày đối diện với cơn đau do bệnh tật hành hạ. Chỗ dựa tinh thần của các em chính là những cô giáo mặc áo blouse trắng, tình nguyện viên đang dạy các em từng nét chữ, con số.
Cô giáo mặc áo blouse trắng
Những bệnh nhi đang điều trị những căn bệnh hiểm nghèo tại BV Nhi Đồng 2 đều có thời gian nằm viện rất lâu, việc học bị bỏ ngang khi vào viện. Rời xa mái trường, xa bạn bè, suốt ngày sống chung với giường bệnh và bị những cơn đau hành hạ là một thiệt thòi rất lớn đối với tuổi thơ của các em. Vì thế mà lớp học dành cho các bệnh nhi đã ra đời tại khoa Vật lý trị liệu của BV.

Những người đứng ra đảm trách nhiệm vụ dạy học ở lớp học này không ai khác chính là những chuyên viên trong khoa Vật lý trị liệu. Chị Lê Thị Đào, phụ trách lớp học, tâm sự: “Lớp học được mở ra còn khá nhiều thiếu thốn, chúng tôi không có người để dạy hết các môn cho các em được. Bước đầu chủ yếu tập trung dạy chữ, dạy phép tính để các em không bị tái mù chữ là mừng rồi”.
Dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng chị Đào đã dành rất nhiều tâm huyết cho lớp học này. Không ngày nào là chị không đến hỏi thăm sức khỏe các bệnh nhi, động viên các em cố gắng vượt qua bệnh tật, học cho thật tốt.
Chị Phạm Thị Rành, (chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu), người trực tiếp dạy cho các em các môn Toán, Tiếng Việt, vẽ, hát. Chị Rành nói: “Dạy cho các em phải ân cần, dịu dàng. Chỉ có một điều khó là các em hay quên, hôm nay học bài này rồi, tối về bị đau thế là mai lại quên mất, phải dạy lại từ đầu”. Dù thế nhưng chị Rành vẫn kiên nhẫn dạy lại cho các em, cách nào đơn giản nhất mà các bệnh nhi có thể hiểu nhanh nhất là chị áp dụng vào giảng dạy.
Mỗi buổi sáng, chị Rành phải đến BV sớm hơn mọi người để ra bài tập cho các em làm. Sau đó chị tất tả đi làm công việc chuyên môn, đến 9g thì quay lại lớp để kiểm tra, hướng dẫn các em làm bài tập. Trực tiếp đứng lớp dạy cho các bệnh nhi, chị Rành hiểu rất rõ từng em và “mẫu số chung” của các em đều là mong muốn mau chóng khỏi bệnh, được về đi học, đi chơi với những bạn bè cùng trang lứa ở quê.
Vừa làm công việc chuyên môn, vừa dạy cho các em, chị Đào, chị Rành đều phải cố gắng sắp xếp công việc của mình, không để các em vì công việc của các chị mà không học được, dù có ngày trong lớp học chỉ có vài em. Mỗi ngày lên lớp, nhìn thấy các em nhỏ vui đùa, tranh nhau kể chuyện cho cô giáo nghe là các chị thấy vui lây.
Tình nguyện dạy không công
Trong một lần làm việc khuya, chị Huỳnh Thị Ngọc Bình (quận Gò Vấp, TPHCM), vô tình đọc được thông tin về lớp học ở BV Nhi Đồng 2 trên một trang web mà chị không còn nhớ rõ địa chỉ. Sau đó, chị Bình cứ suy nghĩ hoài là mình nên làm một điều gì đó có thể giúp ích cho các bệnh nhi.
Sẵn với công việc chuyên môn là một cô giáo, chị Bình đã đến BV Nhi Đồng 2 xin được dạy tiếng Anh cho các em mỗi tuần một buổi. Chị Bình nhớ lại: “Tôi đến xin cũng như đi xin việc vậy đó, khi được nhận vô dạy tui mừng hết biết luôn”.
Mỗi tuần, đến thứ sáu là cô trò cùng háo hức. Những bệnh nhi ở lớp học rất thích học tiếng Anh, nhất là được hát tiếng Anh. Tuần nào cũng vậy, đến buổi dạy của cô Bình là em nào cũng đến lớp thật sớm, ôn lại thật kỹ bài hát tiếng Anh cô dạy để hát cho cả lớp cùng nghe. Tuy các em bị bệnh nhưng rất ham học, có em sáng sớm vừa mới chạy thận nhân tạo xong cũng cố gắng đến lớp để học dù cây kim tiêm khá to đang còn nằm trong đùi, đi lại cũng khó khăn.
Trong lớp học có một cô bé 5 tuổi tên Nguyễn Hồng Cẩm (quê Cà Mau) dù chưa nhận diện được mặt chữ do chưa kịp đi học đã bị bệnh, nhưng ngày nào em cũng mang vở đến lớp học, không bỏ sót buổi nào (trừ những lúc phát bệnh). Bé Cẩm chỉ những nét sổ thẳng do em vừa vẽ trong quyển tập của mình, cười tươi: “Cô thấy con vẽ đẹp không? Cô giáo dạy cho con đó! Mai mốt hết bệnh, được về quê con sẽ được đi học như mấy anh chị, thích lắm”! Nghe những lời bé Cẩm nói, những cô giáo chỉ biết nhìn em cảm thông bởi gia đình Cẩm rất khó khăn, mà bệnh thận của Cẩm nếu không có tiền dùng những loại thuốc tốt nhất điều trị thì rất khó có khả năng hết bệnh. |
DIỄM LỆ