Phát triển dịch vụ cảng biển và logistics
Trong 3 thập niên qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, giảm dần phụ thuộc khai khoáng, dầu và khí. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển GRDP cao. Năm 2021 bị tác động bởi dịch Covid-19, sản lượng khai thác dầu khí giảm gần 30% so với năm 2015, kinh tế du lịch giảm sâu so với năm 2020, nhưng nền kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển, GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) khoảng 7.000 USD, cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu đứng trong nhóm 5 địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước, đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia, là một trong ít các tỉnh, thành tự cân đối ngân sách địa phương trong suốt giai đoạn từ năm 1996 đến nay. Từ năm 2022, tỉnh phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp cho ngân sách Trung ương từ 36% lên 44%.
Sự khởi sắc của nền kinh tế được thể hiện rõ nét ở diện mạo đô thị và nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa của Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm cao hàng đầu cả nước với 60% dân số đô thị. Trong khi đó, diện mạo nông thôn cũng được nâng tầm tương xứng nhờ chủ trương thúc đẩy chính sách tam nông, trong đó đặc biệt đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh các thế mạnh truyền thống thì dịch vụ cảng biển và logistics đang là chiến lược của Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VII đề ra, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, đến năm 2025, trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người; đến năm 2030, phát triển vượt trội về công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ cảng biển và logistics, du lịch biển và nông nghiệp công nghệ cao; tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tỉnh phát triển toàn diện, trong đó đưa thế mạnh kinh tế biển lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu.
Chú trọng chăm lo đời sống nhân dân
Cùng với thành tựu về kinh tế, chính sách chăm lo phát triển con người luôn được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt quan tâm với quan điểm người dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Chất lượng đời sống người dân được nâng lên rõ rệt sau 3 thập niên về cả vật chất và tinh thần: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm chỉ còn 0,05%; văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm và tập trung nguồn lực đầu tư; tuổi thọ trung bình của người dân đạt 76,35 năm - cao hàng đầu cả nước... Các chính sách cho người có công, chính sách an sinh - xã hội ngày càng được hoàn thiện nhằm nâng đỡ và bảo vệ những người yếu thế trong xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh luôn được chú trọng để đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương cách mạng; tổ chức bộ máy chính quyền với nền hành chính luôn được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và tăng cường.
Theo đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, để sớm đạt được các mục tiêu nói trên, trước hết, tỉnh cần phải tăng cường xây dựng Đảng và nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cho ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là hệ thống cảng biển và du lịch, các dự án hạ tầng có tính chất liên kết vùng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 và các dự án cấp điện lưới quốc gia từ đất liền ra Côn Đảo, nâng cấp sân bay Côn Đảo, cùng nhiều dự án có tính chiến lược khác.
Đặc biệt, để không bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, xem đây là một đột phá quan trọng của tỉnh trong giai đoạn tới. Cùng với khoa học - công nghệ, đầu tư cho con người tiếp tục là nhiệm vụ trung tâm, bởi con người mới là chủ thể để nắm bắt và phát huy các thành tựu của khoa học - công nghệ.