

Những vấn đề liên quan trẻ em hiện nay đang được nhà nước cũng như dư luận đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, nhiều mô hình chăm sóc và bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em lang thang cơ nhỡ, phải lao động sớm… đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) triển khai. SGGP thứ bảy trao đổi với bà Vũ Thị Kim Hoa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, để tìm hiểu thêm về các mô hình này.
- Thưa bà, trong các mô hình hỗ trợ chăm sóc trẻ em hiện nay, mô hình nào được Bộ LĐTB-XH đánh giá cao về tính hiệu quả cũng như tính bền vững?
- Bên cạnh ban hành các quy định và chính sách về chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, trong thời gian qua, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bộ LĐTB-XH đã tập trung triển khai một số mô hình điểm để nhân rộng ra cả nước và đã mang lại hiệu quả, được dư luận đánh giá cao như mô hình chăm sóc và trợ giúp trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ, mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, các mô hình như hỗ trợ trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, mô hình trợ giúp trẻ lang thang, phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, hỗ trợ và giáo dục cho trẻ vi phạm pháp luật…
Đặc biệt, trong 3 năm qua, Bộ LĐTB-XH đã phối hợp Tổ chức CRS triển khai xây dựng mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc toàn diện cho trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS tại 8 tỉnh thành. Đây là một trong những mô hình được đánh giá cao trong chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em mà chúng tôi đang triển khai và nhân rộng.
- Các mô hình chăm sóc và bảo vệ trẻ em khác được triển khai ra sao?
- Bên cạnh các mô hình nêu trên được Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trực tiếp tổ chức triển khai, hiện nay chúng tôi cũng đang nỗ lực triển khai nhiều mô hình khác thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Trong đó, các mô hình như trợ giúp trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, mô hình giảm thiểu lao động trẻ em, hồi hương cho trẻ em lang thang cơ nhỡ… đều mang lại hiệu quả rõ rệt. Các địa phương có nhiều mô hình tốt là Quảng Ninh, Hưng Yên, TPHCM…
- Gần đây, tình trạng trẻ em lang thang ở các thành phố đã giảm đáng kể. Điều này do nỗ lực vận động của các chương trình và chính quyền địa phương hay do xu thế xã hội?
- Theo tôi, đây là kết quả và nỗ lực của cả quá trình thực hiện chương trình giảm thiểu tình trạng trẻ em lang thang, kể từ khi bắt đầu triển khai Quyết định 19 và Dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang do EU tài trợ, đặc biệt là việc triển khai các nội dung của Chương trình Bảo vệ và Hỗ trợ trẻ em giai đoạn 2011-2015.
Ngoài ra, đây cũng là kết quả của các chương trình truyền thông, vận động của các bộ ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ gia đình nghèo ở những địa phương trọng điểm, có nhiều trẻ em lang thang, phải lao động sớm… Từ các mô hình triển khai đến tận cơ sở, bản thân các gia đình cũng đã nhận thức được sự bất lợi khi để con em phải lang thang kiếm sống, lao động quá sớm… Các mô hình phát triển kinh tế không chỉ giúp người dân nghèo cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất mà còn giảm thiểu đáng kể số lượng trẻ em lang thang kiếm sống, lao động sớm, qua đó cũng hạn chế được một phần tình trạng trẻ bị xâm hại, bị dụ dỗ, lợi dụng, thậm chí bị bạo lực và buôn bán… Vì vậy, đây là nỗ lực của cả quá trình dài sau khi chúng ta triển khai đồng bộ nhiều chương trình và giải pháp.
- Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới hiện nay lao động trẻ em vẫn là vấn đề cần phải hành động để giảm thiểu. Vậy chúng ta sẽ thực hiện chương trình này như thế nào?
- Đối với vấn đề giảm thiểu lao động trẻ em, bên cạnh các quy định pháp lý đã có, hiện nay Bộ LĐTB-XH đang tiếp tục bổ sung, xây dựng thêm các quy định và khung pháp lý để hoàn thiện và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình để đảm bảo điều kiện tốt hơn cho hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng ngừa và giảm thiểu tỷ lệ lao động trẻ em như chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là xây dựng khung nội dung của Chương trình Phòng ngừa và Giảm thiểu Lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 để chuẩn bị trình Chính phủ ngay trong năm 2014.
- Bà đánh giá như thế nào về các văn bản chính sách có liên quan công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em hiện nay?
- Các chính sách về chăm sóc và bảo vệ trẻ em ngày càng được hoàn thiện. Chúng ta đã xây dựng được nhiều chương trình bên cạnh hệ thống văn bản quy phạm liên quan, như Chương trình Chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015, Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015, Kế hoạch Hành động quốc gia vì trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020… Đây là những chương trình đã được Chính phủ phê duyệt và đang triển khai. Trong đó, Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 là xuyên suốt về mục tiêu và các dự án, hoạt động.
Ngoài ra, như tôi đã đề cập, hiện nay Bộ LĐTB-XH đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các dự thảo chương trình trong năm 2014 như Chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, Chương trình Phòng ngừa và Giảm thiểu lao động trẻ em… Để các chính sách và văn bản pháp lý của chúng ta phù hợp với Công ước Quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em cũng như các văn bản quy phạm khác mà nhà nước đã quy định, hiện nay Bộ LĐTB-XH đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em để trình Quốc hội thông qua. Bằng việc từng bước hoàn thiện cơ sở hệ thống pháp lý có liên quan và cùng sự tham gia của cả xã hội, chúng tôi tin rằng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được đảm bảo hơn và trẻ em được thụ hưởng những quyền lợi đầy đủ hơn, nhất là trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt.
Văn Phúc