BS Trần Ngọc Hải
Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Điều này ai cũng biết nhưng với áp lực xã hội, nhiều bà mẹ không ngại ngần “giao phó” con cho các loại sữa công thức. SGGP thứ bảy đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Ngọc Hải, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, nhằm chia sẻ với độc giả vai trò của sữa mẹ và những kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ.
- Sữa mẹ có ích lợi như thế nào đối với sức khỏe của trẻ, thưa bác sĩ?
- Sữa mẹ có rất nhiều lợi ích với trẻ. Thứ nhất, trong sữa ban đầu (sữa non) có thành phần kháng thể của người mẹ, là những chất có khả năng chống tác nhân gây bệnh cho em bé. Thứ hai, sữa mẹ mang đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất, dưỡng chất phù hợp riêng cho từng cá thể, thành phần sữa chung thì giống nhau nhưng thành phần riêng của từng bà mẹ sẽ khác nhau. Mỗi đứa trẻ đều có sự hình thành và phát triển khác nhau, do đó sữa mẹ chỉ đặc thù và phù hợp nhất với đứa trẻ của người mẹ đó. Sữa mẹ giúp cho trẻ cứng cáp, lanh lẹ và giúp trẻ luôn có được sự an tâm. Bởi vì khi cho con bú, hơi ấm của người mẹ sẽ truyền sang con, hơn nữa từng nhịp đập trong tim của mẹ vốn đã quá quen thuộc khi trẻ còn nằm trong bào thai, qua đó giúp trẻ tăng cường phát triển tình cảm, tâm sinh lý.
Ngoài ra, sữa mẹ là loại sữa sạch nhất, nguyên chất, không phải qua công đoạn pha chế nào cả, vì vậy luôn phù hợp với hệ tiêu hóa vốn chưa hoàn chỉnh của trẻ. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây, trẻ con hơn nhau là sự cứng cáp, lanh lẹ chứ không phải sự bụ bẫm, vì vậy sữa mẹ rất quan trọng và cần thiết cho trẻ.
- Nhiều bà mẹ thắc mắc không biết cho trẻ bú bao nhiêu là đủ?
- Thông qua việc bú, bầu sữa mẹ sẽ “biết” em bé bú bao nhiêu là đủ. Bé bú bao nhiêu, bầu sữa sẽ tiết ra bấy nhiêu. Nhu cầu bé tăng, sữa tự động tăng theo. Nếu hôm nào đó trẻ mệt thì bé sẽ tự bú ít đi, các bà mẹ không nên ép con bú thêm. Còn sữa bình chỉ là công thức người ta đưa ra để áp dụng chung cho trẻ em trên toàn thế giới.
- Nhiều bà mẹ áp dụng kinh nghiệm dân gian bỏ sữa non. Xin bác sĩ cho lời khuyên?
- Ở Bệnh viện Từ Dũ, khi trẻ sinh ra đã được bác sĩ khuyến khích thực hiện “da kề da” tức nằm ngay trên người mẹ để tăng tình cảm mẹ con, đồng thời kích thích sữa mẹ mau ra. Khi em bé sinh ra cho ngậm vú mẹ ngay, chính việc ngậm đầu vú đó sẽ giúp kích thích sữa mau ra. Xưa nay chúng ta nghĩ sữa non là sữa đầu không tốt, dơ cặn. Quan niệm này sai lầm, chính những giọt sữa đó mới giàu dưỡng chất, chứa đầy đủ kháng thể của người mẹ.
Sữa non có màu trắng trong xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc trước khi sinh một vài tuần. Lượng sữa non không nhiều, trong vòng 24 tiếng đầu sau sinh vẫn có sữa non nhưng từ 48 đến 72 giờ sau thì sữa mới bắt đầu về nhiều và về căng.
Quan niệm dân gian cho rằng người mẹ phải bôi gì đó cho chín sữa hay bóp “trái tràm” (bầu vú) đều là những quan niệm sai lầm khiến người mẹ đau đớn, tắc sữa, ức chế việc ra sữa.
Chớ vội cho trẻ sơ sinh bú bình vì sợ bé đói, mà nên cho bé nút vú mẹ để kích thích sữa mẹ sớm ra. Ảnh chụp tại Bệnh viện Từ Dũ
- Người mẹ cần phải chăm sóc vệ sinh núm vú ra sao?
- Khi cho con bú, bà mẹ cần phải lau sạch đầu vú, vệ sinh sạch sẽ để những vi khuẩn, vi trùng không ảnh hưởng tuyến sữa. Những người có núm vú ẩn vào phải kéo ra để em bé ngậm mút được, từ đó sữa mới chảy ra. Người mẹ cho con bú tương đương công nhân lao động nặng nhất. Vì vậy mồ hôi tỏa ra rất nhiều nên cần tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, để thể chất và tinh thần được thoải mái.
- Những trường hợp nào phải kiêng sữa mẹ, thưa bác sĩ?
- Khi người mẹ mắc những bệnh lý về tim mạch nên kiêng cho con bú vì dễ dẫn đến suy tim ảnh hưởng đến tính mạng; trẻ dị ứng với các thành phần protein trong sữa mẹ thì phải thay thế sữa khác. Còn lại tuyệt đối phải cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu đời. Ngày xưa, khi mẹ bị viêm gan siêu vi B thì không cho con bú nhưng bây giờ có thể cho trẻ bú bình thường.
- Những sản phụ sinh mổ phải dùng thuốc kháng sinh nên thường không dám cho con bú vì sợ ảnh hưởng đến con, theo bác sĩ như vậy có đúng?
- Trên nguyên tắc, thuốc kháng sinh dùng cho người mẹ đều dùng được cho con, kháng sinh vào sữa cũng không tác hại gì đến trẻ vì vậy vẫn cho bú bình thường. Nếu vì lo sợ mà không cho con bú, lâu ngày sẽ gây tắc tuyến sữa thì nên đi khám để được nhân viên y tế dùng các liệu pháp như massage bầu vú để can thiệp kích thích tuyến sữa hoạt động trở lại.
BS CKI Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất Sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng bé cần trong những tháng đầu tiên của cuộc đời. Nếu bé được bú mẹ hoàn toàn thì không cần bổ sung nước, vitamin hoặc nước trái cây trong vòng 6 tháng đầu đời. Để có đủ dưỡng chất cho con bú, người mẹ cần ăn uống đầy đủ, không nên kiêng khem, nhưng cũng nên hạn chế một số thực phẩm kích thích tiêu hóa như rượu, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc, ớt, giấm, tiêu... Khi cho con bú, mẹ cần phải ăn nhiều hơn bình thường. Các thức ăn có nhiều đạm và chất sắt như gan, thịt, cá, trứng, sữa, đậu phộng, mè, các loại đậu đỗ... có thể giúp đề phòng thiếu máu, sử dụng muối i-ốt trong ăn uống hàng ngày. Khi cho con bú, để đề phòng thiếu sinh tố A, mẹ nên ăn hàng ngày các thức ăn có nhiều đạm và giàu tiền sinh tố A (rau có lá màu xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau lang, mùng tơi, rau dền, các loại củ quả có màu vàng cam như cà rốt, chuối, đu đủ, cam, xoài...). Sữa mẹ luôn ấm 37°C, đảm bảo chất lượng từ lúc sinh cho đến khi con lớn và không bao giờ có gì xấu cho trẻ cả. Sữa mẹ chỉ có ít hay nhiều, đủ hay thiếu chất dinh dưỡng, do tình trạng dinh dưỡng và chế độ ăn của bà mẹ cũng như mức độ ngậm mút vú mẹ thường xuyên của bé tạo ra. Mẹ cho con bú sữa mẹ thì mẹ mới giảm cân được, còn khi thiếu chất quá thì mẹ sẽ bị còng lưng do loãng xương, rụng răng vì thiếu canxi, xanh xao vì thiếu máu, thiếu sắt… Sữa mẹ muốn tạo ra nhiều phải cho trẻ ngậm mút vú thường xuyên ngày cũng như đêm, giữ tinh thần thoải mái vô tư, ăn uống đầy đủ không lo buồn, giận hờn. |
HOÀNG TUẤN thực hiện
>> Sữa mẹ “Siêu thực phẩm” quý giá cho con