Mặt trái lễ hội

Bài 1: Công chức đi đền chùa...(?!)

Bài 1: Công chức đi đền chùa...(?!)

Chuyện cán bộ, công chức đi chùa là điều bình thường ở nước tự do tôn giáo như ta. Tuy nhiên, điều bất bình thường ở chỗ những công chức này lại sử dụng xe ô tô công, và nhiều khi cả quỹ thời gian công để đi chùa mưu lợi việc tư. Nếu như lượng xe công đến chùa Hương, đền bà Chúa Kho, hội Lim, chùa Yên Tử chỉ là lốm đốm trong các bãi đỗ xe thì lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) vừa diễn ra đêm 22, rạng sáng ngày 23-2, đã trở thành cuộc “họp mặt” của nhiều cán bộ, công chức khu vực miền Bắc và là cuộc “biểu dương” xe công sử dụng... vào việc riêng.

  • Xe công thả rông...…đi chùa

Từ lúc 18 giờ chiều 22-2, những chiếc ô tô con biển số các tỉnh phía Bắc đã bắt đầu xếp hàng tại quãng đường mới mở trước cổng đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. 19 giờ, khu vực đền Trần hàng ngày vốn thoáng đãng, yên ả đã xuất hiện hàng loạt ô tô cập bãi. Nhiều nhất là xe biển 29, 31 của Hà Nội. Xe mang biển kiểm soát của hầu hết các tỉnh phía Bắc, nhiều tỉnh miền Trung, TPHCM cũng có.

Bài 1: Công chức đi đền chùa...(?!) ảnh 1

Vị khách có thẻ xanh tranh cãi đòi vào đỗ xe gần đền Trần (Nam Định).

Ngoài 20 giờ là thời điểm “tụ họp” của hàng loạt những ô tô biển xanh, đỏ (xe công) từ Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Đấy đều là những xe con sang trọng, đắt tiền. Con đường rộng 20m ngang trước cổng đền Trần được chia làm ba đoạn, trong cùng là đoạn ngang cổng đền, dài chừng 800m, dành riêng cho xe của thượng khách, những cán bộ từ Hà Nội và cán bộ cấp cao của các tỉnh, thành. Lúc 20 giờ 20, khu đỗ xe cao cấp này đã chật. Ngay cả những vị khách quý cũng được yêu cầu phải gửi xe ở bên ngoài.

Khoảng 21 giờ 30, đoạn đường thứ hai cũng đã phải cấm ô tô biển xanh, đỏ vào đỗ, dù khách “VIP” đến mấy. Trên những vỉa hè và một phần lòng đường của toàn bộ cung đường dài chừng 3 km trước mặt đền Trần đã chật kín ô tô. Ngoài vòng cung ấy là bốn làn xe ô tô xếp hàng dài hai bên đường quốc lộ 10 từ thành phố Nam Định đến, từ Thái Bình sang. Một người dân sở tại thốt lên: “Khiếp! Trên trời, dưới ô tô”.

Cái sự “khiếp” này được Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng (Sở VH-TT Nam Định) Trần Xuân Bình ước lượng “khoảng 2.500 đến 3.000 ô tô”. Trong số này có khoảng 500 - 800 xe ô tô biển xanh, biển đỏ. Đó là chưa kể đến những ô tô công nhưng không mang biển xanh, đỏ (!) Nghĩa là riêng số xe công ở đây đã gấp rưỡi, gấp đôi so với toàn bộ xe ô tô công đã mua trong năm 2004 và vượt xa so với một số xe công đỗ ở bãi xe của lễ hội chùa Hương trong những ngày cao điểm.

Dường như bánh chưng, rượu và tinh thần cầu may đã làm không ít cán bộ, công chức “quên” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sử dụng xe công vào việc riêng!

  • Nỗi lo lãng phí

Đền Trần chính thức khai ấn vào giờ Tý (23 giờ), ngày 14 tháng giêng. May là lễ hội diễn ra ban đêm nên cán bộ, công chức không phải bỏ bê công việc để đi chùa. “Cũng không may lắm đâu vì có những đoàn đến từ buổi chiều, ủy ban phải cắt cử cán bộ tiếp đón, đưa họ đi một số đền, chùa trong khu vực”, một cán bộ hành chính sở tại trả lời chúng tôi như vậy. Quả thật, nhiều vị chúng tôi gặp ở đền đêm ấy khá quen. Họ là cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, trường đại học ở Hà Nội và lãnh đạo ở một số địa phương - những người mà chính quyền Nam Định khó có thể lờ đi, không tiếp đón...

Ngay lúc đó, một số vị có “thẻ xanh”, xe ô tô của họ có tờ giấy đại biểu dự lễ hội đền Trần do chính quyền sở tại phát (chỉ những người có thẻ xanh mới được vào sân đền dự lễ khai ấn) đã to tiếng với cảnh sát giao thông khi họ ngăn không cho xe ô tô vào đỗ ở những vị trí thuận lợi, gần đền.

Lúc 20 giờ 20, thiếu tá Phạm Thanh Bình, đội phó, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Nam Định đã phải to tiếng với vị khách trên chiếc xe biển xanh sang trọng số 90B 6579 vì xe này nằng nặc đòi được vào đỗ ở đoạn đường thứ nhất. Cách đó 500m, cảnh sát giao thông cũng đã phải yêu cầu những vị khách quý không được cho xe vào đoạn đường thứ hai. Không ít vị khi bị ngăn lại đã rút ngay điện thoại di động yêu cầu lãnh đạo tỉnh Nam Định can thiệp. Không thiếu những câu đại loại “tại sao xe biển 90 của Hà Nam vào rồi, tôi cũng là đại biểu sao xe tôi không được vào”...

Một cán bộ tên Minh đến từ Hà Nội không những phản ứng gay gắt khi một cảnh sát giao thông ngăn không cho xe vào đoạn đường thứ hai (do đã đông, sẽ gây tắc đường) mà còn đòi “đập máy ảnh”, đòi phim của chúng tôi khi chúng tôi ghi lại hình ảnh anh cảnh sát đang cố giải thích cho vị này.

Chính vị cán bộ đó và hai đồng sự, một to cao, một nhỏ thó đã lăng mạ, thậm chí dọa “tát cho vỡ mặt” chúng tôi ra khi chúng tôi kiên quyết không giao lại cuộn phim vừa chụp theo yêu cầu của 3 vị. Phóng viên đã phải gọi điện cho Cảnh sát 113 và sau đó gọi về tòa soạn cầu cứu. Tuy nhiên, 3 người này vẫn khống chế, không cho phóng viên hành nghề và “dẫn giải” về ban tổ chức để giải quyết. Dĩ nhiên, không ai đứng ra giải quyết yêu cầu đòi lại cuốn phim của vị cán bộ nói trên. Đến lúc ban tổ chức phát ấn, vị cán bộ ấy mới bỏ tôi, vội vã chạy vào xin ấn cầu may.

23 giờ, cửa đình mở. Dòng người như thác đổ giẫm đạp lên nhau tràn vào đền xin ấn. Cụ Trần Minh Tôn, 76 tuổi, tổ trưởng phụ trách việc trông coi, thờ tự đền Trần, cho hay đã có khoảng 10 vạn người vào xin ấn. Cán bộ, công chức chiếm khá đông trong số ấy. Ấn bị “cháy” vì nhà đền đóng dấu không xuể.

Theo tương truyền, Quốc ấn của vua Trần thuộc loại “tối linh”, nhất là hanh thông trong thăng quan tiến chức nên số người dự lễ ngày một đông. “Trước năm 2000, mỗi lần khai ấn chỉ có khoảng 3.000 - 4.000 người về xin ấn, nay đã lên tới hàng chục vạn người,” ông Trần Xuân Bình nói.

Trong 30 năm, thời nhà Trần, nước ta tuy chỉ có 3 triệu dân nhưng đã đánh tan 100 vạn quân Nguyên Mông. Để tưởng thưởng quan quân vua Trần tổ chức lễ khai ấn để khuyến khích quan quân, nhân dân thi đua làm việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên trong năm. Ngày nay, trong khi kỷ luật hành chính và chống lãng phí đang là những vấn đề nhức nhối của cả xã hội thì vẫn có những công chức bỏ việc, xài xe công về xin ấn. Với số xe công về dự lễ nói trên, nhà nước đã mất hàng tỷ đồng tiền xăng. Còn lãng phí hơn nếu tính đến thời gian và hiệu quả làm việc của những người đã thức đêm dự lễ? Ai dám chắc ngày 23-2, công sở của Nam Định và một số bộ, ngành, cơ quan hành chính khác không bị ngái ngủ, phờ phạc sau lễ khai ấn?

Đó chỉ là chuyện ở một lễ hội. Trong khi tại không ít công sở vẫn đang “sôi sục” để lên những kế hoạch đi lễ chùa cầu vận may...

QUỐC HỢP - MINH HẢI
 

Tin cùng chuyên mục