Vì sao Mỹ luôn gây hấn với Iran?

Bài 1: Cuộc chiến không tiếng súng

LTS
Bài 1: Cuộc chiến không tiếng súng

LTS: Đầu năm 2010, thế giới chứng kiến quan hệ Mỹ - Iran cực kỳ căng thẳng. Mỹ liên tiếp gây áp lực với cựu đồng minh và giờ là đối thủ của mình bằng việc vận động các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với nước này. Có thể nói kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Mỹ luôn muốn giành lại ảnh hưởng của mình, nhưng đã hơn 30 năm trôi qua, họ vẫn chưa thực hiện được điều đó. Vì sao Iran luôn trong tầm ngắm của Mỹ và vì sao Mỹ thất bại tại Iran? Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi đăng loạt bài “Vì sao Mỹ luôn gây hấn với Iran?” nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về mối quan hệ luôn đối đầu và phức tạp giữa hai xứ sở cờ hoa và nghìn lẻ một đêm.

Ngày 25-5, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ đã thông qua điều khoản bổ sung trong dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng, với số phiếu tuyệt đối. Theo đó, cấm Lầu Năm góc mua xăng dầu của các công ty đang hợp tác với ngành dầu khí của Iran. Điều khoản bổ sung này, nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, không những gây thiệt hại cho những tập đoàn dầu khí lớn có quan hệ mua bán với Iran rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mà còn đẩy quan hệ giữa Tehran và Washington ngày càng căng thẳng.

Bài 1: Cuộc chiến không tiếng súng ảnh 1

Bất chấp sức ép của Mỹ và các nước phương Tây, Iran vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi

Sức ép dồn dập

Điều khoản mới do các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đề xuất, nếu được Quốc hội thông qua sẽ làm cho các công ty dầu lửa châu Âu mất hàng tỷ USD hợp đồng bán xăng dầu cho quân đội Mỹ. Lầu Năm góc hiện là khách hàng tiêu thụ xăng dầu riêng lẻ lớn nhất thế giới. Các loại trang thiết bị của quân đội Mỹ đang tiêu thụ trung bình 400.000 thùng dầu/ngày. Các công ty Royal Dutch Shell (Hà Lan) và BP (Anh) đang là nhà thầu cung ứng xăng dầu lớn nhất cho Lầu Năm góc.

Kể từ năm 2000 đến nay, Shell đã ký các hợp đồng bán xăng dầu cho quân đội Mỹ, với tổng trị giá 8,8 tỷ USD. Trong giai đoạn 2000-2009, Tập đoàn BP của Anh cũng đã ký hợp đồng bán xăng dầu trị giá 7,2 tỷ USD cho Lầu Năm góc. Riêng trong năm nay, BP đã ký hợp đồng trị giá 838 triệu USD với quân đội Mỹ. Shell và BP cũng đồng thời đang mua dầu thô của Iran. 

Dự kiến, dự luật sẽ được bỏ phiếu tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhưng sẽ không dễ dàng đạt được sự đồng thuận như tại Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, và có thể vấp phải sự phản đối tại Thượng viện Mỹ và Lầu Năm góc - nơi có thể bị buộc phải tìm kiếm những nhà cung cấp dầu thô khác. Đây là nhận định của báo Wall Street Journal. Các nhà lãnh đạo Iran cũng từng tuyên bố, nếu mục tiêu cấm vận của Mỹ nhằm vào hoạt động dầu mỏ, nguồn kinh tế chính của nước này, Tehran sẽ xem đây là một “hành động gây chiến”. Đây cũng là một lý do khiến Lầu Năm góc và Nhà Trắng sẽ không mấy hưởng ứng trước bước đi mới của Hạ viện. 

Đề xuất của Hạ viện diễn ra trong thời điểm cả Trung Quốc và Nga, hai nước từng là đồng minh của Iran, lên tiếng ủng hộ lệnh trừng phạt mới nhằm vào Tehran, sau thời gian Mỹ ráo riết vận động các thành viên thường trực trong HĐBA LHQ. Lại xuất hiện thông tin cho biết, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua một dự luật trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Tehran. Thông tin này lại càng “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến mối quan hệ Mỹ - Iran trở nên phức tạp hơn kể từ sau thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama lên cầm quyền. Những hy vọng về các cuộc thương lượng, đối thoại hòa bình giữa Mỹ và Iran ngày càng xa vời. Thay vào đó là một cuộc chiến “không tiếng súng” kiểu mới.

Trước sức ép dồn dập và những “đòn tấn công phủ đầu” của Mỹ, mất sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, Iran liên tục phản pháo bằng lời đe dọa sẽ rút khỏi một hiệp ước vận chuyển hạt nhân ký kết giữa Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Vào giữa tháng 5, Iran đã đồng ý ký thỏa thuận vận chuyển 1,2 tấn uranium sang Thổ Nhĩ Kỳ để làm giàu, đổi lại 200 kg nhiên liệu hạt nhân để dùng cho các lò phản ứng nghiên cứu ở Tehran. Số uranium của Iran chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bảo quản tại Thổ Nhĩ Kỳ và do Iran cùng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát, quản lý.

Trước đó, Iran từng bác bỏ đề xuất của LHQ vào năm ngoái, yêu cầu nước này phải chuyển uranium ra nước ngoài để xử lý, sau đó nhận lại các thanh nhiên liệu. Nếu thực hiện quy trình này, Iran chỉ có thể sử dụng các thanh nhiên liệu để chế tạo năng lượng hạt nhân, không thể dùng làm bom nguyên tử. Nhưng chỉ một ngày sau khi ba nước ký kết thỏa thuận này, HĐBA LHQ đã lưu hành một dự thảo nghị quyết trừng phạt nhằm vào Iran. Lý do là, phương Tây hoài nghi thỏa thuận giữa ba nước chỉ là một chiến thuật nhằm tránh hoặc trì hoãn việc Tehran bị siết chặt trừng phạt. Theo họ, ngay cả khi Iran từ bỏ 1,2 tấn uranium như thương lượng ban đầu với IAEA, Tehran vẫn còn đủ nhiên liệu hạt nhân để chế tạo bom hạt nhân.

Chỉ trong những ngày đầu năm 2010, thế giới đã chứng kiến những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Iran đối với Mỹ và các nước phương Tây. Bất chấp những đe dọa cấm vận kinh tế, Iran vẫn tuyên bố kế hoạch tiếp tục làm giàu 20% uranium và tiếp tục đẩy mạnh chương trình nghiên cứu hạt nhân mà nước này cho là phục vụ mục đích dân sự. 

Vào giữa tháng 4, Tổng thống Mỹ Obama tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân, kêu gọi thế giới hãy từ bỏ việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran cũng đã tổ chức một hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân để đối trọng với hội nghị trên. Tại hội nghị này, Iran lên án chính sách hai mặt của Mỹ, một mặt kêu gọi các nước từ bỏ vũ khí hạt nhân, mặt khác lại dung dưỡng những quốc gia có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ như Israel và Pakistan.

Dù liên tiếp bị nhiều sức ép, Tehran vẫn đang tìm mọi cách để phá thế bao vây của Mỹ và phương Tây về vấn đề hạt nhân. Cùng với những hoạt động củng cố khả năng về kinh tế, tìm kiếm những đồng minh mới ngoài khu vực Trung Đông là khu vực Mỹ Latinh, Iran tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự bằng việc phát triển các loại tên lửa có tầm bắn 1.300-2.000km, đặt Israel, hầu hết các nước Arập và một phần của châu Âu, trong đó có phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ, trong tầm ngắm, đồng thời tiến hành tập trận thường xuyên trên vịnh Persia. 

Trên lĩnh vực thông tin, Iran cáo buộc Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh cân não nhằm thay đổi chế độ ở nước cộng hòa Hồi giáo này qua các trang mạng xã hội đang nở rộ tại Iran. Các đài phát thanh, internet được Mỹ sử dụng để phá hoại về tư tưởng trong xã hội Iran có mức độ ngày càng tăng.

Cái gai cần nhổ bỏ

Kể từ khi Tổng thống Ahmedinejad lên nắm quyền vào năm 2005, quan hệ giữa Iran và Mỹ, đặc biệt về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran ngày càng căng thẳng. Nhưng trên thực tế, cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 là điểm khởi đầu xung đột giữa hai nước, Iran trở thành một cái gai cần phải nhổ bỏ. Việc Mỹ từ chối công nhận chế độ mới do đại giáo chủ Ruhollah Khomeini thành lập đã biến thái độ hoài nghi của các nhà cách mạng Iran thành sự thù địch đối với Mỹ. Sự hoài nghi của chế độ mới tại Iran đối với Mỹ thực chất có liên quan tới lịch sử và xoay quanh vai trò của Mỹ trong đời sống chính trị tại Iran, từ việc tổ chức cuộc đảo chính 1953 chống lại chính phủ dân tộc chủ nghĩa của Mohammad Mossadegh cho tới việc ủng hộ chế độ độc tài Pahlavi lên nắm quyền điều hành đất nước vào những năm 1970. 

Tức giận trước cuộc cách mạng Hồi giáo Iran 1979 khiến Mỹ mất một đồng minh quan trọng tại khu vực Trung Đông và cuộc khủng hoảng con tin do các sinh viên Iran tiến hành bắt giữ các nhân viên Đại sứ quán Mỹ kéo dài 444 ngày, ngay sau đó, các chính quyền Mỹ đã nuôi dưỡng sự thù ghét đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Động thái đầu tiên mà Mỹ thực hiện là cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Sau những cáo buộc Iran đã tài trợ cho các tổ chức chống Mỹ như Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Palestine, một số tổ chức Hồi giáo chính thống ở Afghanistan, Mỹ bắt đầu tiến hành trừng phạt và liệt nước này vào danh sách các nước tài trợ khủng bố. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ gồm việc đóng băng tài sản, cấm đầu tư vào Iran, cũng như cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa của nước này được áp dụng từ những năm 1980 cho đến nay. 

Vào năm 2001, sau khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Afghanistan, Iran đã tỏ ra nhún nhường, chủ động, song chính quyền Bush đã phớt lờ. Thay vào đó, cựu Tổng thống Bush còn đưa Iran vào danh sách trục ma quỷ. Chính thái độ đó đã đưa ông Ahmedinejad, một nhân vật chống Mỹ đắc cử tổng thống. Sau đó là cuộc tấn công Iraq năm 2003, với những lý do Mỹ ngụy tạo, đã gây ra cuộc khủng hoảng sống còn với Iran khiến nước này càng có nhu cầu phát triển năng lực hạt nhân, để bảo vệ mình trước sự bao vây của Washington.

Trong con mắt của Mỹ, một nước Iran có sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến một Trung Đông mới, đe dọa nghiêm trọng đến những lợi ích của Mỹ tại khu vực này. Mỹ rất muốn nắm lại Iran để kiểm soát nguồn dự trữ dầu mỏ, khí đốt và chiếm giữ vị trí chiến lược đã mất cách đây 30 năm. Nhưng năng lực hạt nhân của Iran và chính sách cực kỳ bài Mỹ làm Washington lo lắng. Một khi được trang bị hạt nhân, Iran sẽ là mối đe dọa với Israel.

Bên cạnh đó, Iran lại là một quốc gia luôn ủng hộ nhiệt tình cho các lực lượng chống Mỹ ở Trung Đông cũng như trên thế giới. Sự lo lắng đó đủ để Mỹ phát triển ý định dằn mặt Iran. Còn Iran lại cho rằng, Mỹ với những tham vọng không có điểm dừng mới chính là mối đe dọa lớn với an ninh thịnh vượng toàn cầu. Ngoài Mỹ, LHQ cũng ba lần ra nghị quyết trừng phạt Iran từ năm 2006 do nước này không hợp tác đầy đủ, không tuân theo nghị quyết mà dừng việc làm giàu uranium. Ba nghị quyết này đóng băng tài sản của nhiều cá nhân, công ty liên quan tới chương trình nguyên tử của Iran, hạn chế việc đi lại của nhiều người, cũng như cấm việc xuất khẩu công nghệ tên lửa, hạt nhân vào Iran.

TH.HẰNG – V.KHOA (Tổng hợp)

>> Bài 2: Đi tìm lời giải

Tin cùng chuyên mục