
LTS: Trong lúc cả thế giới hướng về các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) Việt Nam với tất cả tấm lòng, vật chất và tinh thần, ngày 20-11-2004, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có loạt phóng sự “Theo đường Trường Sơn, chúng tôi chứng kiến” chỉ rõ nỗi đau của đồng bào các dân tộc Việt Nam sống dọc núi rừng Trường Sơn bị nhiễm CĐDC, họ chờ và tin vào công lý.
Vậy mà, vào ngày 10-3-2005 tại Tòa án liên bang quận Brooklyn - bang New York - Mỹ, thẩm phán J.B.Weinstein đã bác đơn kiện của các nạn nhân! “Một phán quyết phi lý, không bình thường, không công bằng” là phản ứng đầu tiên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, và phóng viên Báo SGGP lại một lần nữa đi tìm bằng chứng tội ác ở miền Nam Việt Nam.
- Người về từ Rừng Sác
Tôi quyết định bắt đầu từ huyện Cần Giờ (TPHCM) để xuôi về miền Tây của Tổ quốc, nơi Rừng Sác không còn gì sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Anh Nguyễn Dũng Hiệp, nguyên Xã đội trưởng xã Cần Thạnh lúc đó, kể lại: “Từ 1968 tới 1972 là lúc đánh nhau ác liệt nhất, để “giành dân” mà. Ban ngày là của bảo an, dân vệ, nghĩa quân ngụy, còn đêm đến thì du kích tụi tui từ trong rừng bò theo sông Lòng Tàu vào bám địa bàn, sáng lại rút ra”.

Chị Mười Vân đang thăm nạn nhân chất độc da cam ở Cần Giờ.
Anh Tư Hiệp (năm đó vừa tròn 19 tuổi) nhớ lại: “Máy bay Dakota* bay một lần 3 tốp dàn hàng ngang, mỗi tốp 3 chiếc phun chất diệt cỏ nghe phì phì sát ngọn đước. Không kể lính ngụy hay du kích gì hết, cứ ngửa mặt lên trời coi xong là hộc máu mũi, máu miệng hết. Có người khỏe thì lấy nước tiểu, khăn ướt đắp lên mặt, đỡ rát hơn, ba ngày sau thì nguyên vạt rừng Cần Thạnh trụi sạch lá”.
Tới tuổi quân dịch, ông Cao Văn Hai (hiện ngụ tại 151/2B khu phố Phong Thạnh, thị trấn Cần Thạnh) bị bắt lính. Ăn đòn mãi cũng… ngán, ông Hai xin đăng ký làm nghĩa quân theo ý nghĩ lúc đó là: “Thây kệ, “vô” đại may ra sống, nếu có chết cũng gần nhà!”.
Lúc đó ông đâu biết rằng, nhiều năm sau, con gái độc nhất của ông phải gánh chịu một cuộc sống đau khổ trong một thân hình dị dạng! Những lần đi ruồng trong đám lá đã trụi lũi do chất diệt cỏ, ông Hai không dám bắn những người ông gặp dù biết đó là Việt cộng, ông chỉ sợ nhất là gặp mìn. Trời đã thương cho cái mạng nghĩa quân của ông nhưng không chết vì bom đạn, ông Hai đã hít phải chất diệt cỏ mấy lần, ho sặc sụa.
Rồi hòa bình về, học tập cải tạo xong, cũng như nhiều nông dân khác, ông Hai làm muối, có gia đình, sinh được đứa con gái đặt tên Cao Thị Hoa Diệu. Ý ông ao ước nó đẹp như một bông hoa Rừng Sác, rằng cuộc đời con sẽ êm đềm như dòng sông, không như ông đã có lần đi sai vào con đường lầm lạc!
- Con muốn bình thường như mọi người
Ba mươi năm sau chiến tranh, Rừng Sác đã trở lại màu xanh của sự sống, không như một nhà khoa học nước ngoài từng nhận định: phải 80 năm sau Cần Giờ mới phục hồi lại hệ sinh thái. Được UNESCO công nhận là một khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam, hiện Cần Giờ đã có 37.000ha rừng ngập mặn và cả... 108 nạn nhân CĐDC.
Người xã đội trưởng Tư Hiệp năm nào, nay là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của huyện Cần Giờ, bùi ngùi: “Nếu nói cho chính xác, Cần Giờ có tới vài trăm trường hợp nạn nhân CĐDC, so với con số hơn 3.000 nạn nhân toàn thành phố thì không đáng kể, nhưng phần lớn số phận của họ bi đát hơn, chết lần mòn, bởi vị trí địa lý cách trở”.

Hoa Diệu khi còn sống.
Anh Tư Hiệp kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của người nghĩa quân Cao Văn Hai và số phận đứa con Cao Thị Hoa Diệu: Ông Hai chết vì bệnh tật do chất dioxin còn tồn lưu trên người, ông để lại Diệu bơ vơ trên cõi đời, như một bông hoa bị tưới thuốc độc mà các công ty hóa chất Mỹ gọi là “chất diệt cỏ”!
Chúng tôi đến thăm nhà mẹ nuôi của Diệu, chị Mười Vân (Huỳnh Thị Bích Vân, hiện công tác tại Hội Chữ thập đỏ thị trấn Cần Thạnh) khóc: “Bệnh tình của cháu thật bi đát, nguyên cánh tay bị bướu thòng dài xuống, giữa các ngón bị bít lại như màng bơi của con vịt vậy, cục bướu trên ngực mỗi ngày to ra làm lưng cháu gù hẳn một bên, lại còn biến chứng sang trụy tim, tiểu đường, loét đường ruột nữa…”.
Tôi đã được đọc một tài liệu nghiên cứu, theo đó trong 989 cựu chiến binh (CCB) Hoa Kỳ từng tham gia chiến dịch Ranch Hand và một nhóm CCB tương ứng khác, kết quả phân tích như sau: nồng độ glucose (đường) bất thường trong máu các CCB Hoa Kỳ tăng 40% so với nhóm CCB tương ứng, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường là 50%... và Hoa Diệu, có lẽ cũng thế! Chị Mười Vân kể rằng Diệu rất nhút nhát và hay bẳn gắt vì đau đớn.
Nhưng từ khi được các cấp hội quan tâm giúp đỡ, nhất là khi chị Mười Vân nhận trực tiếp chăm sóc, em đã có phần vui tươi hơn, coi chị Mười là người mẹ tinh thần. Trong cả chục bức thư mà chị Mười Vân cho tôi xem, nét chữ viết gò cong cẩn thận của Diệu gửi cho “dì” Mười (tính em rất nhút nhát, chưa dám gọi chị Mười bằng mẹ), đọc thật xót xa:
“… Con rất là sung sướng được quan tâm đến chứng bệnh của con. Dì biết không, đêm con nằm suy nghĩ biết mình có chữa trị được không, lúc nào con cũng thằm vái mẹ phù hộ cho con có sức khỏe đặng sớm đi dải phẫu, đó là điều mơ ước lớn nhất của con.
Dì ơi, con đã từng đi đến 4 bệnh viện, các bác sĩ đã nói với con là lần đầu tiên mới thấy ca như con, nên bác sĩ không dám làm, vả lại sức khỏe con rất yếu nên không làm được, lúc đó con rất buồn vì tưởng vượt qua khó khăn để trở thành một người bình thường như mọi người... nào ngờ niềm vui lại thất vọng”.
Đó là những dòng di bút cuối cùng của cô gái Cao Thị Hoa Diệu. Chuyện là sau khi biết được hoàn cảnh của em, Đài Truyền hình TPHCM đã vận động được 28 triệu đồng giúp Diệu đến bệnh viện chữa trị. Diệu còn hứa với mẹ Mười Vân rằng em sẽ sớm xuất viện và tham gia ký tên trong vụ kiện của 4,8 triệu nạn nhân CĐDC Việt Nam, kiện các công ty hóa chất Mỹ.
Thế mà, vào một ngày tháng 10-2004, em đã ra đi ở tuổi 29 sau một tuần vật vã trên giường bệnh. “Không còn kịp nữa”, chị Vân vẫn cứ khắc khoải nhắc lại chuyện này, rằng hôm ấy, chị đi công tác không kịp về vuốt mắt Hoa Diệu, chị chỉ nhận được lá thư từ tay hàng xóm của em, trao lại sau ngày mở cửa mả!
* C-123
Kỳ sau: Đảo dừa – vùng đất “giàu” khổ đau.
DƯƠNG MINH ANH