Viết tiếp loạt bài “Cơn lốc phát triển các resort”

Bài 1: Lấn biển, nuốt rừng

Bài 1: Lấn biển, nuốt rừng

Giống như Bình Thuận, Ninh Thuận, các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định cũng xác định du lịch biển là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế. Điều này lý giải tại sao các khu resort được xây dựng ồ ạt tại địa thế đẹp nhất trên biển, giữa rừng nguyên sinh...

  • Phân lô bờ biển

Cung đường chạy dọc ven biển từ bán đảo Sơn Trà vào Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố Đà Nẵng dài 23,4km đang được mở rộng thành 4 làn xe, hiện ra như dải phân chia dải cát ven biển với khu dân cư bên trong.

Song hành với tốc độ làm đường hối hả là những cột mốc phân lô chen dày các bảng phối cảnh của các dự án resort dựng lên phía khu đất ven biển. Như vậy, sau này về phía biển sẽ có vệt resort dài dằng dặc nhưng chỉ dành riêng cho những thượng khách…

Bài 1: Lấn biển, nuốt rừng ảnh 1

Công trường khu du lịch sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang làm giảm vẻ đẹp của khu bảo tồn.

Trước đây, khu resort 5 sao Furama đầu tiên của Đà Nẵng hình thành, chỉ cách mép nước biển một bãi cát vài chục mét là dấu hiệu bắt đầu cho làn sóng lấn biển của các resort.

Nó đồng thời cũng báo hiệu sự phân cách bờ biển với cộng đồng dân cư. Khu du lịch Furama đã phân định “lãnh địa” của mình với thế giới bên ngoài bằng một chòi canh và biển báo không cho người ngoài vào địa phận của mình!

Cơn lốc resort còn được thể hiện dữ dội hơn khi TP Đà Nẵng “bàn giao” 2 bãi biển đẹp nhất là bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cho các nhà đầu tư resort.

Tại bán đảo Sơn Trà, chính quyền đã quy hoạch 2.200ha đất thành khu đô thị du lịch. Dự án lớn nhất là Resort & Spa Sơn Trà, có vốn đầu tư 650 tỷ đồng, thuộc khu vực Bãi Nam và Bãi Con.

Resort & Spa Sơn Trà có diện tích 14ha đất và 20,8ha mặt nước biển, sẽ xây dựng một khách sạn 5 sao, 200 biệt thự và các khu giải trí trên biển. Điều đặc biệt là Resort & Spa Sơn Trà nằm giữa khu rừng nguyên sinh và bãi biển! Một số dự án kế tiếp là Bãi Trẹm, Bãi Bụt, Bãi Tiên Sa, Bãi Bắc…

Con đường ven biển bắt đầu từ Bãi Nam đến Bãi Bụt dài 6km - xuất phát từ góc biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - đã được phủ kín các dự án xây dựng resort! Giờ đây, khi trở lại Khu du lịch Bãi Bụt do Công ty Hải Duy làm chủ đầu tư, người ta cảm thấy xót xa khi những công trình bê tông, đường sá xây dựng ủi thốc đi cây rừng và phong cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp.

Tiếp theo đó, bãi biển thuộc khu di tích Ngũ Hành Sơn cũng được tiến hành phân lô. Đó là dự án Paradise rộng 120ha do Công ty Magnum Investment làm chủ, đầu tư 24 triệu USD xây dựng thành “biệt khu” resort cao cấp. Tiếp theo là 3 khu resort 100% vốn đầu tư nước ngoài gồm Silver Shore (86 triệu USD), Millenium Group (60 triệu USD), Vegas (12 triệu USD) đã được UBNDTP Đà Nẵng cấp giấy phép. Ngoài ra, 2 dự án du lịch khác vốn đầu tư trong nước cũng đã được cấp phép xây dựng…

Nối tiếp địa phận Quảng Nam, con đường ven biển dài gần 20km từ Điện Dương, Điện Ngọc vào đến Hội An đã nối đuôi nhau những resort. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam cho biết, đất ven biển của Quảng Nam cơ bản đã hết, nhiều nơi chưa giải tỏa xong nhưng nhà đầu tư nộp hồ sơ chờ sẵn!

Riêng khu vực Cửa Đại, những doi cát ven biển đã trở thành “thánh địa” cho 20 khu du lịch biển 4-5 sao! Theo một cán bộ địa phương, vì tốc độ phát triển ào ạt của các khu nghỉ dưỡng resort đã nâng tổng cộng cơ sở lưu trú lên trên 2.000 phòng, mở ra thời kỳ khủng hoảng thừa!

  • Bán luôn di tích!
Bài 1: Lấn biển, nuốt rừng ảnh 2

Nhà tạm cư dành cho những người bị giải tỏa trong các dự án mở đường hoặc làm khu du lịch tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đường An Dương Vương nối chân đồi Ghềnh Ráng thành phố Quy Nhơn, Bình Định lâu nay là nơi hóng mát, tắm biển của người thành phố vào mùa hè nóng nực. Giờ đây con đường này cứ bị thu hẹp dần nhường chỗ cho sự bành trướng của các resort, khách sạn.

Trong ký ức của người dân phố biển, đường An Dương Vương chạy dọc sát biển, từ chân đồi Ghềnh Ráng vào trung tâm dài hơn 3km là trục phố lớn nhất, đẹp nhất của thành phố.

Đường sá rộng rãi, từ mép biển vào tới đường có khoảng cách 50m, khoảng trống ấy chỉ có một doi đất nhỏ, phần còn lại là bãi cát dài trắng xóa.

Vào thời bao cấp, khách sạn Hải Âu mọc trên doi cát phía biển đã bị coi là cái “nhọt” làm mất đi vẽ đẹp mỹ miều của con đường. Lãnh đạo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ trước đã ra hạn định đến năm 2010 sẽ di dời khách sạn Hải Âu, trả lại bãi biển thông thoáng.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 năm sau, tuyến đường này đã mọc thêm khách sạn Cosevco cao 8 lầu, nhà nghỉ Binh đoàn 15…

Đặc biệt ở cuối đường, dưới chân đồi Ghềnh Ráng, khu Resort Hoàng Anh Quy Nhơn án ngữ suốt chiều dài 500m dọc theo bãi cát ven biển, hầu như che kín tầm nhìn từ con đường ra phía biển. Phía dưới bãi cát, chủ đầu tư xây dựng bờ kè và khu tắm nắng cách mép nước chỉ độ 10m. Thế là con đường đẹp nhất ven biển Quy Nhơn đã cơ bản hoàn chỉnh… quy hoạch theo nghĩa phá vỡ cảnh quan!

Bài 1: Lấn biển, nuốt rừng ảnh 3

Resort Hoàng Anh Quy Nhơn xây dựng sát mép biển với mật độ xây dựng cao.

Không dừng lại ở bờ biển, gần cuối đường An Dương Vương là ngọn đồi Ghềnh Ráng, được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 1991, gồm có các di tích: mộ Hàn Mặc Tử, nhà Bảo Đại và bãi tắm Hoàng Hậu. Nó cũng đang bị resort nuốt chửng!

Với mục đích phát huy ưu thế của một di tích quốc gia, tháng 10-2002, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà đã làm việc với Bộ Văn hóa-Thông tin xin xây dựng một số công trình tôn tạo, khai thác du lịch tại khu di tích - thắng cảnh đồi Ghềnh Ráng.

Sau khi được sự thống nhất, tháng 9-2004, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định “Phê duyệt giá trị bồi thường thiệt hại về tài sản do giải phóng mặt bằng để Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn-Quy Nhơn đầu tư xây dựng khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 1)”.

Tháng 12-2004, tỉnh Bình Định đã có quyết định cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn-Quy Nhơn thuê đất để xây dựng khu du lịch đồi Ghềnh Ráng trong vòng 30 năm với tổng diện tích đất cho thuê là 146.506m2.

Ranh giới quy hoạch được ấn định: Đông giáp mặt nước biển cách bờ 100m, Tây giáp đất trồng rừng, Nam giáp đất trồng rừng, Bắc giáp đất khách sạn Hoàng Anh Quy Nhơn. Dấu ấn rõ nét nhất của chủ đầu tư mới là cho in và bán trên vé vào cổng cho những ai muốn tham quan nơi này.

Sau khi có quyết định giao đất, chủ đầu tư bắt đầu tiến hành thiết kế đồ án xây dựng nhà phố liên kế, resort và nhà hàng trung tâm, được trương lên thành tấm áp phích ngay trước cổng vào khu du lịch. Chỉ cần nhìn thoáng qua có thể thấy resort ken dày nằm trên đồi, lưng chừng đồi và kể cả mép nước biển!

Rõ ràng, khi dự án hoàn thành, cả khu đồi Ghềnh Ráng là của du lịch, ngăn cách người dân bản địa. Ban đầu người dân vào không vé, sau này bán vé với giá 2.000 đồng/người, rồi tăng lên 4.000 đồng/người. Liệu đến khi cả quả đồi được giao cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn-Quy Nhơn khai thác thì giá vé vào cổng sẽ là bao nhiêu?  

CHIẾN DŨNG - LƯƠNG THIỆN 

 

Tin cùng chuyên mục